Thời điểm Claudio Ranieri được bổ nhiệm trở thành HLV trưởng bên phía Leicester City, không ít người đã lên tiếng dè bỉu quyết định của Ban lãnh đạo đội bóng chủ sân King Power cũng như cựu chiến lược gia Chelsea. Tuy nhiên, vào lúc này, The Foxes chỉ còn cách chức vô địch Premier League 2015/2016 vỏn vẹn 3 điểm. Vậy bí quyết chiến thuật nào đã giúp Ranieri đưa Leicester từng bước vươn tới thành công?
Sơ đồ 4-4-2 và sự trở lại của cặp tiền đạo
Trong khoảng gần một thập kỷ đầu tiên kể của kỷ nguyên Premier League, sơ đồ 4-4-2 đã trở thành khuôn mẫu lý tưởng dành cho nhiều CLB ở xứ sở sương mù nói chung, với bộ đôi tiền vệ chạy cánh chính là nguồn cung cấp bóng chủ yếu cho các tiền đạo phía trên. Mặc dù vậy, sau “sự tiến hóa” của vị trí tiền đạo cánh, với minh chứng điển hình là Cristiano Ronaldo (từ M.U sang Real Madrid), lần lượt các hệ thống 4-3-3 và 4-2-3-1 đã dần nổi lên như những sơ đồ, chiến thuật phổ biến nhất trong vài năm trở lại đây.
Về mặt lý thuyết, Claudio Ranieri cũng là một trong số ít những HLV đang đi ngược lại xu hướng chung. Thế nhưng, điều quan trọng là thứ công thức 4-4-2 của nhà cầm quân người Italia này không hề được vận hành theo phong cách cổ điển. Thay vào đó, vị chiến lược gia 64 tuổi đã xây dựng nên một hệ thống phù hợp nhất đối với những con người mà mình đang sở hữu trong tay đồng thời khai thác trọn vẹn các điểm yếu của đối phương.
Dễ dàng nhận thấy rằng, bộ đôi tiền đạo Jamie Vardy-Shinji Okazaki không khác gì một phiên bản “giàu năng lượng” của Ian Wright và Dennis Bergkamp (Arsenal) ngày trước, hoặc Michael Owen và Emile Heskey (Liverpool) chẳng hạn, một người chuyên dứt điểm, người còn lại làm nhiệm vụ thu hút sự chú ý và kiến tạo. Trên thực tế, Okazaki chỉ ghi được 5 bàn thắng tại Premier League mùa này nhưng giới chuyên môn đặc biệt đánh giá cao khả năng liên kết lối chơi của ngôi sao người Nhật Bản.
Xét trên phương diện chiến thuật, một hệ thống sử dụng hai tiền đạo cùng sở hữu tốc độ tốt cũng cho phép Leicester City có thể dễ dàng lôi kéo hàng phòng ngự đối phương đi chệch ra khỏi quỹ đạo ban đầu. Lúc này, Jamie Vardy sẽ là nhân tố chủ động chiếm lĩnh các khoảng không gian trống bên phần sân đối phương trước khi nhận bóng từ các tiền vệ/hậu vệ hay thậm chí là thủ môn đội nhà. Tính đến hiện tại, chân sút người Anh đã ghi tổng cộng 22 bàn thắng ở giải Ngoại hạng, một thành tích hết sức ấn tượng.
Ưu tiên phòng ngự lên hàng đầu
Đành rằng những bàn thắng chính là yếu tố vô cùng quan trọng dẫn tới thành công của Leicester City. Tuy nhiên, việc sở hữu một hàng thủ chắc chắn mới là chìa khóa quyết định giúp cho thầy trò HLV Ranieri cạnh tranh sòng phẳng ngôi vương Premier League 2015/2016. Không thể phủ nhận, nhà cầm quân người Italia đã nâng tầm hệ thống phòng ngự của đội bóng chủ sân King Power lên đến mức… nghệ thuật.
Lần lượt những quyết định trọng dụng Danny Simpson và Christian Fuchs nhằm thay thế cho Ritchie de Laet và Jeffrey Schlupp ở hai hành lang cánh đã giúp cho tuyến dưới Leicester thêm phần an toàn hơn hẳn đồng thời đạt được sự hiệu quả cần thiết. So sánh với hai người đồng nghiệp, rõ ràng cả Simpson lẫn Fuchs đều là những cầu thủ chơi kỷ luật hơn đồng thời luôn ý thức tuân thủ chiến thuật chung của toàn đội. Bên cạnh đó, Fuchs cũng là một hậu vệ linh hoạt, đặc biệt nguy hiểm với những tình huống chuyền dài vô cùng bất ngờ hay các pha đá phạt hết sức khó chịu. Về phần Simpson, sự cần mẫn của cầu thủ này cũng chính là yếu tố cho phép Riyad Mahrez được hoạt động tự do bên cánh phải.
Khoảng thời gian trước năm mới 2016, Leicester City chỉ giữ sạch lưới đúng 3 lần. Thế nhưng, kể từ tháng Giêng, con số này đã được nâng lên… 11. Rõ ràng, bộ đôi trung vệ Robert Huth và Wes Morgan, những người đang chơi bóng theo phong cách “đơn điệu” nhất có thể, đã làm việc cực kỳ hiệu quả. Chẳng cần rườm rà trong khâu xử lý bóng, nhiệm vụ tối thượng của Huth và Morgan đơn giản chỉ là đưa bóng ra thật xa khung thành đội nhà, bằng bất cứ giá nào. Đây cũng chính là tiền đề để thầy trò HLV Ranieri xây dựng một lối đá phòng ngự phản công vô cùng bài bản và linh hoạt.
Tất nhiên, cũng cần phải nói đến N’Golo Kante, tiền vệ phòng ngự hay nhất nước Anh trong mùa giải năm nay với tổng cộng 142 tình huống đánh chặn thành công. Chính khả năng càn quét quyết liệt, bao quát không gian cùng tinh thần chiến đấu thực sự bền bỉ của ngôi sao người Pháp đã trở thành yếu tố bản lề tạo nên một hàng phòng ngự Leicester giàu “chất thép” đến như vậy.
Sử dụng “bẫy” của Pep Guardiola?
Rất nhiều lần trong mùa giải năm nay, đội bóng chủ sân King Power đã chủ động triển khai bóng bên hành lang cánh trái, thay vì phía đối diện, nơi có sự xuất hiện của Mahrez, cầu thủ tốt nhất trong đội hình The Foxes. Thực tế cũng cho thấy, đây là một giải pháp chiến thuật được HLV Pep Guardiola sử dụng thường xuyên khi còn dẫn dắt Barca, tập trung luân chuyển bóng sang một hành lang cánh trước khi bất ngờ chuyển hướng sang biên còn lại để tìm kiếm khoảng trống, qua đó xâm nhập vòng cấm địa đối phương.
Theo thống kê, mặc dù Mahrez đang là người đóng góp số lượng bàn thắng nhiều nhất cho Leicester City (17 bàn, 11 kiến tạo) nhưng Marc Albrighton mới chính là cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội nhất bên phía đội bóng chủ sân King Power (61 lần). Điều này cũng chứng tỏ rằng khả năng tương tác giữa hai cánh của Leicester là cực kỳ hiệu quả, với một người làm nhiệm vụ thu hút trước khi đưa ra các giải pháp chuyển đổi bất ngờ (Albrighton), người còn lại trực tiếp cụ thể hóa tình huống tấn công (Mahrez).
Thủ môn chính là… quarterback
Cần phải nhấn mạnh rằng, Kasper Schmeichel đã tạo ra tổng cộng 5 cơ hội trong mùa giải năm nay, nhiều hơn bất kỳ thủ môn nào khác ở Premier League. Không chỉ là chốt chặn cuối cùng hết sức hiệu quả án ngữ trước khung gỗ Leicester, ngôi sao người Đan Mạch còn giữ vai trò như một mắt xích làm nhiệm vụ khởi xướng các đợt phản công cho thầy trò HLV Ranieri, thông qua các tình huống ném bóng chuẩn xác.
Đánh giá ở một góc độ nào đó, Schmeichel tất nhiên không phải nhân tố sáng tạo trực tiếp trong lối chơi của Leicester City. Thế nhưng, khả năng suy nghĩ nhanh nhạy cũng như chất lượng đến từ những đường bóng mang tính chất phân phối của thủ thành 29 tuổi này đã trở thành một giải pháp tương đối hiệu quả dành cho đội bóng chủ sân King Power, đặc biệt là trong một hệ thống chiến thuật thiên về phản công. Nói chính xác hơn nữa, Schmeichel chẳng khác nào một “quarterback” đích thực (cầu thủ làm nhiệm vụ phân phối bóng lùi sâu bên phần sân nhà, có thể là trung vệ, tiền vệ phòng ngự, hậu biên…)
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Trên thực tế, thành công có phần “kỳ diệu” của các cầu thủ Leicester City không đơn giản chỉ xuất phát từ những yếu tố chiến thuật hay sự bùng nổ cá nhân. Dễ dàng nhận thấy, sức mạnh tinh thần cũng chính là một thứ vũ khí vô cùng quan trọng giúp cho đội bóng chủ sân King Power làm nên bất ngờ ở mùa giải năm nay. Dưới thời HLV Claudio Ranieri, khi mà sự cân bằng cũng như việc duy trì tính kỷ luật trong tập thể luôn được đề cao lên hàng đầu, thật dễ hiểu vì sao Leicester có thể trở thành đội bóng sở hữu số trận giữ sạch lưới nhiều nhất giải Premier League năm nay (15/35).