Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 1)

Ngọc Linh
thứ bảy 16-3-2019 2:01:00 +07:00 0 bình luận
Franco Baresi là hình ảnh bóng đá thuần túy, với kỹ thuật phòng ngự siêu việt, tinh thần chiến đấu đủ làm cho đối phương sợ hãi, và tố chất thủ lĩnh có một không hai. Điều thú vị là sự nghiệp của ông bắt đầu với một cam kết… tăng chiều cao.

“Khi người đội trưởng Franco Baresi chỉ huy Milan, trật tự được thiết lập. Khi người hậu vệ vĩ đại của bóng đá Italia hét lên, không gian trên sân được hợp lý hóa. Anh ấy sở hữu trí thông minh tuyệt vời, đầy táo bạo và kỷ luật, để biến catenaccio trở thành thứ nghệ thuật đàn áp các đối thủ” - Jorge Valdano, nhà VĐTG 1986 với ĐT Argentina nhận xét.

Biểu tượng của lòng trung thành

San Siro, hay Giuseppe Meazza, được xem là một nhà hát kịch xa hoa trong thế giới thể thao. Một biểu tượng bóng đá của thành phố Milano và Italia. Ở đó, mỗi khi Milan thi đấu, phòng thay đồ là những hình ảnh về lòng trung thành và sự vĩ đại của Baresi.

Trên khu vực khán đài nổi tiếng Curva Sud là hình ảnh về Baresi và chiếc áo số 6 biểu tượng, đã được treo vĩnh viễn trong lịch sử Milan. Các tifosi tự hào khi nhắc về ông, một người hùng đích thực.

Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 1)
Franco Baresi, tượng đài và là thủ lĩnh một thời của AC Milan

Ở Milanello, trung tâm huấn luyện của Milan, những đứa trẻ luôn được nghe nói về Baresi, xem những tư liệu về người đàn ông vĩ đại nhất lịch sử CLB thế kỷ 20. Chúng ngưỡng mộ, và mơ có được sự nghiệp lẫy lừng như vậy.

Từ lâu, những thế hệ các chuyên gia đào tạo trẻ ở Milanello luôn giảng dạy Baresi như một biểu tượng của lòng trung thành, với toàn bộ sự nghiệp 20 mùa giải chỉ khoác áo Milan, ngay cả khi CLB chìm trong thời gian tăm tối nhất.

Cách San Siro không xa là nhà hát opera La Scala, biểu tượng tồn tại mãi với thời gian trong thế giới kịch nghệ, và cả kiến trúc nữa. La Scala là nơi nhà soạn nhạc thiên tài Giuseppe Verdi - một con người vĩ đại khác của thành phố Milano - ra mắt vở opera đầu tiên trong sự nghiệp, “Oberto, Conte di San Bonifacio” (Oberto, Bá tước vùng San Bonifacio).

Vở opera là câu chuyện về lòng trung thành, và danh dự gia đình. Đó là khúc tráng ca hào hùng về tình yêu và danh dự, khi nhân vật chính, Bá tước Oberto, chấp nhận cái chết vì lòng trung thành.

Nhiều người đã so sánh Baresi như Bá tước Oberto. Tất nhiên, so sánh chỉ mang tính trừu tượng, nhưng sự thật là tình yêu và sự hy sinh của Baresi với Milan ít ai sánh kịp.

Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 1)
Một danh hiệu Baresi giành được cùng đội trẻ Milan vào năm 1977, giải đấu anh là "Cầu thủ hay nhất"

Mùa giải 1980-81, Milan xuống Serie B vì scandal dàn xếp tỷ số rúng động Italia, cũng là lúc Baresi bước vào những năm tháng đỉnh cao của sự nghiệp. Nhiều CLB ở châu Âu tìm đến, nhưng ông luôn đáp lại bằng cái lắc đầu. Baresi cùng Milan vô địch Serie B để trở lại hạng đấu cao nhất ngay ở mùa tiếp theo.

Tuy nhiên, ở Serie A 1981-82, Milan không có sự phục vụ của Baresi trong 4 tháng, vì căn bệnh về máu. Đó thực sự là giai đoạn khủng khiếp với Milan và Baresi. Ông đã lo sợ căn bệnh khiến mình phải rời bóng đá. Rossoneri bỏ hơn 1 tỷ lire mua Maurizio Venturi từ Brescia để thay thế, nhưng thất bại, và một lần nữa xuống Serie B.

Thêm một lần nữa những lời mời gửi đến, bên cạnh mức lương hấp dẫn và hứa hẹn hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị bệnh. “Il Milan è la mia vita!” (Milan là cuộc sống của tôi), một câu nói ngắn gọi, nhưng đã in sâu cùng hình ảnh Baresi vào tim các tifosi Rossoneri bấy giờ.

Rất nhiều người chọn ra đi, kể cả bạn thân. Chỉ Franco ở lại. Ông còn đảm bảo tương lai bằng hợp đồng 2 năm, và mức lương 100 triệu lire mỗi năm - khoảng 51.600 euro giá trị hiện tại và hãy hình dung: con số này chưa bằng một ngày lương mà Ronaldo đang nhận ở Juventus, 84.931 euro. Một sự đảm bảo đặc biệt mà Baresi dành cho Milan.

Giữa nhiều cuộc tháo chạy, Franco trở thành đội trưởng cho đến ngày treo giày. Vừa chiến đấu, vừa điều trị, và đưa CLB trở lại Serie A năm 1983. “Thật kỳ diệu, chính những biến cố của Milan giúp tôi mạnh mẽ hơn, và hồi sinh thực sự từ cuộc sống khó khăn”. Căn bệnh rời xa, và chàng đội trưởng tuổi 22 trở thành biểu tượng ở San Siro.

Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 1)
Franco Baresi dành trọn tình yêu cho Milan, trong khi người anh trai Giuseppe lại gắn bó với kình địch Inter

Baresi cống hiến tuổi trẻ cho Milan, cho niềm kiêu hãnh và danh dự của CLB. Cuối năm 1985, Milan đứng trước nguy cơ phá sản. Toàn bộ sổ sách của CLB nằm trong tòa án. Sampdoria hỏi mua Baresi với giá 16 tỷ lire (8,2 triệu euro), nhưng bị từ chối. Ernesto Pellegrini, người trở thành chủ tịch Inter 1 năm trước đó, thông qua anh trai Beppe Baresi thuyết phục Franco. Nhưng cuối cùng vẫn là cái lắc đầu kiên định.

Franco luôn quyết đoán, không xem trọng bất kỳ đề nghị nào. Quyết đoán như cách doanh nhân Silvio Berlusconi xuất hiện, mua lại CLB vào năm 1986. Berlusconi đến Milanello cũng là lúc tình yêu mà Baresi dành cho Milan được nếm trái ngọt.

Baresi là biểu tượng cho cuộc trỗi dậy mạnh mẽ của Milan, biến CLB thành thế lực mà cả châu Âu e ngại. Đến tận bây giờ, dù bóng đá thay đổi rất nhiều, Milan của Arrigo Sacchi - được mệnh danh Nhà tiên tri xứ Fusignano (thuộc Ravenna, vùng Emilia-Romagna) - với Baresi đeo băng thủ quân, vẫn là một trong những tập thể xuất chúng nhất. Thế giới ngưỡng mộ, gọi họ là “Immortali” (những kẻ bất tử).

->>> Đế chế Milan của "Bố già" Berlusconi định hình bóng đá hiện đại như thế nào?

Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 1)

Nhiều thập niên trôi qua, không dễ để tìm được CLB nào tạo ảnh hưởng đến nền bóng đá thế giới lớn như “Immortali” của Sacchi, 1987-1991. Barca của Pep Guardiloa giai đoạn 2008-2012 may ra sánh được phần nào. Chỉ phần nào, vì tiki-taka của Pep đã sớm nhạt nhòa, và chính ông cũng muốn thay đổi. Trong khi đó, Sacchi và lối đá pressing - với Baresi giữ vai trò libero - hiện vẫn là một triết lý hiện đại.

Italia là vùng đất sản sinh ra những hậu vệ trứ danh cho bóng đá thế giới. Trong đó, Baresi vẫn vượt trội để đứng trên tầm vóc cao hơn. Calcio luôn có những cầu thủ chơi bóng vì tình yêu và danh dự, nhưng cũng ít ai bì kịp Baresi. 20 mùa giải, với 15 năm làm đội trưởng, giành 21 danh hiệu khác nhau, ngày ông tuyên bố treo giày (1997), gần như toàn bộ các tifosi tiếc nuối.

Cố HLV Nils Liedholm - huyền thoại vượt thời gian của Milan và Thụy Điển - nhận xét khi Baresi nghỉ hưu: “một tiếc nuối lớn với Milan, Italia và cả thế giới”.

Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 1)

Inter lắc đầu và 3 lần Baresi thử việc với Milan

Sinh năm 1960 ở Travagliato, Brescia, Franco Baresi chơi bóng đá từ nhỏ, với hai người anh em Angelo và Beppe Baresi. Họ cùng là thành viên của USO - một hiệp hội thể thao quan trọng ở địa phương ngày ấy, cũng như tập ở đội trẻ CLB nghiệp dư Travagliato. Đôi khi Baresi đá hậu vệ cánh, hoặc chơi trung vệ. Khao khát trở thành cầu thủ chuyên nghiệp luôn cháy bỏng với Franco, nhất là khi Italia giành EURO 1968 - chức vô địch châu Âu duy nhất cho đến nay, và hai năm sau vào chung kết World Cup ở Mexico.

Một ngày hè tháng 5/1974, Franco quyết định cùng người anh trai Beppe đến thử việc ở đội trẻ Inter. Beppe lớn hơn 2 tuổi, và ngay lập tức được nhận. Ông gắn bó với Inter đến năm 1992, trước khi chuyển sang Modena đá 2 mùa rồi treo giày.

Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 1)
Anh em nhà Baresi trong trận derby Milan kinh điển

Khi giã từ sự nghiệp, Baresi anh trở lại Inter để làm công tác huấn luyện. Ông chính là trợ lý của Jose Mourinho trong giai đoạn hoàng kim ngần nhất của Inter, với cú ăn 3 lịch sử mùa 2009-10 (Scudetto, Coppa Italia, Champions League). Nhưng Franco không được như người anh, phải ra về trong thất vọng.

“Điều quan trọng là bạn nhìn ra sai lầm của mình, và sửa chữa sai lầm ấy”, cựu tiền vệ Italo Galbiati tâm sự khi nhắc về Baresi. Galbiati chính là người không nhận Baresi, trong vai trò quản lý đầu vào của lò đào tạo Inter. “Cậu còn bé lắm, phải lớn thêm nữa. Năm sau hãy quay lại đây”, Galbiati nói thẳng với Franco. Nhưng Baresi em không bao giờ trở lại học viện Inter nữa. Bản thân Galbiati cũng rời Inter ngay sau cuộc gặp gỡ ấy, vì ông được Milan mời về trong mùa Hè 1974, chuẩn bị cho mùa giải mới.

Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 1)
Baresi từng bị chê còi cọc, chiều cao quá hạn chế để chơi bóng đỉnh cao...

Chính Galbiati gọi Baresi đến Milanello thử việc, dù bản thân ông cũng không quá tin tưởng vào tài năng và đặc biệt là "chiều cao hạn chế" của Franco. Một cuộc tranh luận trong nội bộ các quan chức Milan diễn ra. Người ta mô tả Baresi là “chỉ cao 1,64 mét, mũi hếch, không hứa hẹn sẽ tăng trưởng thêm trong tương lai”. Các HLV đội trẻ nhận định, Baresi có phát triển cũng không quá 1,70 mét. Khi ấy, Calcio đòi hỏi thể lực và những tình huống tranh chấp quyết liệt. Các HLV e ngại Baresi không đủ thể trạng đá chuyên nghiệp.

Galbiati không thể quyết định, ngoại trừ việc trao cơ hội cho Baresi đến thử việc. Phải sau 3 lần kiểm tra, Baresi mới được nhận. Điều này nhờ vào sự kiên định của chuyên gia đào tạo trẻGuido Settembrino, vốn là một người quen cũ. Ông đã biết về kỹ năng của anh em nhà Baresi khi làm việc ở Travagliato, nên thuyết phục được BLĐ Milan bỏ ra 1,5 triệu lire (đơn vị tiền tệ Italia cũ, tương đương 775 euro) để hoàn tất hợp đồng.

Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 1)
...Nhưng với tài năng, bản lĩnh, tố chất thủ lĩnh đáng kinh ngạc, Baresi vẫn vươn lên trở thành tượng đài sống của Milan

Baresi chính thức gia nhập học viện trẻ Milan vào tháng 8/1974. Milan dành cho Baresi mức lương trong giai đoạn mới học việc là 20.000 lire (nhỉnh hơn 10 euro bây giờ). Đồng thời, các HLV buộc Franco phải thực hiện một cam kết: làm mọi việc theo yêu cầu để tăng chiều cao.

Một quan chức Milan nói vui: “Chúng tôi trả cho cậu 1 triệu lire cho mỗi centimet, kể từ mốc 1,70 mét trở lên”. Khi trưởng thành, Franco đạt chiều cao tối đa là 1,76 mét. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Baresi được hỏi về việc Milan đã thực hiện lời hứa trả tiền cho chiều cao chưa, ông cười: “Tôi không biết…”.

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm