Mihajlovic thế chân Inzaghi: Một cá tính mạnh có đủ

thứ sáu 19-6-2015 17:16:09 +07:00 0 bình luận
Những câu chuyện kể về Sinisa Mihajlovic thường rất li kì và chất chứa nhiều yếu tố tạo scandal. Chưa ai quên ngày xưa anh đã từng gây sốc khi có hành vi phân biệt chủng tộc với Patrick Vieira; đã từng mô tả Arkan, người mà phương Tây mô tả như một kẻ giết người hàng loạt trong các vụ thanh lọc sắc tộc trong cuộc nội chiến Nam Tư, là một người hùng của Serbia; và các milanista chắc vẫn còn nhớ lúc anh hùng hồn tuyên bố, một người Inter như anh sẽ không bao giờ đến với Milan…

“Sĩ quan sắt đá”

Mihajlovic là một người đặc biệt, hoặc thế này, hoặc thế kia, dù tốt hay xấu, và không bao giờ chấp nhận mình nhờ nhờ ở giữa. Anh nói, anh làm và anh thể hiện mình như anh muốn vậy, không tô vẽ, không ngoại giao, không hề điệu đàng.

Những người hâm mộ bóng đá sẽ không chỉ nhớ anh với cái chân đá phạt sấm sét từ cự li ưa thích là 25-30 mét, thành quả của những năm tháng miệt mài tập sút từ khi anh còn nhỏ, sút đến vỡ cửa garage nhà mình, mà cả những tranh cãi, những vụ scandal, những lời tuyên bố gây sốc và thái độ “quân khu” của anh trong những cuộc đối đầu bằng lời nói và chân tay với đối thủ. Mihajlovic đã sống ở Ý 23 năm qua, lấy một phụ nữ Ý, đã giải nghệ vào năm 37 tuổi sau khi cống hiến những năm tháng còn lại của mình cho Inter, đã làm cho người ta nhớ đến anh như một tiền vệ trái khi đến Italia đá cho Sampdoria, sau đó chuyển xuống hậu vệ trái ở Roma và rồi trung vệ tại Lazio. Khi anh còn đá cho Sao Đỏ Belgrade, thậm chí các nhà khoa học của trường Đại học Belgrade còn nghiên cứu quỹ đạo bóng đi từ cú sút của anh và thậm chí đo được vận tốc cực đại của nó (165 km/h).

Khi làm HLV cho Catania, Fiorentina và rồi Sampdoria, cựu trung vệ người Serbia tiến bộ qua từng năm và truyền cá tính mạnh mẽ của mình cho những đội bóng ấy, biến những CLB hạng trung thành các hiện tượng của Serie A. Chỉ có điều khiến người ta nghi ngại đôi chút: thời gian Mihajlovic dẫn dắt những đội bóng ấy ít quá, chỉ 2 mùa bóng là nhiều nhất. Anh cũng chỉ dẫn dắt đội tuyển Serbia được 18 tháng, với việc thua nhiều hơn thắng, và đã từng có một cuộc tranh cãi gay gắt với dư luận vì anh đã gạt chân sút Ljajic ở nhà. Báo chí Serbia viết rằng, Mihajlovic chỉ triệu tập vào đội tuyển những người biết hát quốc ca, mà Ljajic thì lại… không thuộc lời.

Báo chí Ý viết khi Milan quyết định chọn Mihajlovic rằng, đội bóng của Berlusconi đã thay đổi phong cách, từ việc gạt bỏ con cưng dễ bảo nhưng bất tài Inzaghi để đi theo con đường của “sĩ quan sắt đá” Mihajlovic, người có cá tính theo kiểu Mourinho. Một con người như thế liệu có phù hợp với Milan hay không?

Tấm gương Seedorf

Đối với những đội bóng đang gặp đầy rẫy những vấn đề như Milan, cá tính của Mihajlovic chưa chắc đã là một điều đem lại may mắn và thành công cho anh. Tấm gương thất bại của Clarence Seedorf là một minh chứng rõ ràng cho thấy, ở Milan, cái tôi của một HLV không được phép vượt quá tầm của CLB. Dù có thành tích tốt hơn người tiền nhiệm Allegri, nhưng Seedorf nhanh chóng bị cô lập vào thời điểm cuối mùa bóng, khi những ông chủ của anh có lẽ nhận thấy rằng, anh quá to mồm, quá tự cao tự đại và không tạo ra được một sự thay đổi tích cực như người ta đã từng ảo tưởng ở anh.

1
Cả Seedorf và Inzaghi đều không thành công khi dẫn dắt Milan

Seedorf chưa từng có kinh nghiệm cầm quân, nhưng rất tự tin. Inzaghi mới chỉ dẫn dắt đội thiếu niên của Milan, và lại quá hiền. Sự thất bại của trào lưu “Guardiola hóa” những thần tượng cũ của San Siro chỉ làm hoen ố hình ảnh của Milan và của chính họ, trong khi trên thực tế, Berlusconi, trong cơn suy thoái hình ảnh chính trị cũng như sức mạnh trong bóng đá của mình, vẫn không chấp nhận rằng, đội bóng đã đi xuống. Và chính thái độ ấy đã tác động lên chính sách mua sắm của đội trong suốt một thời gian dài. Chính sách ấy cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên Mihajlovic và việc xây dựng đội hình của anh mùa hè này. Trong khi báo chí Ý dự đoán HLV người Serbia sẽ đưa về San Siro những cầu thủ trẻ như Iago, Bertolacci hay Romagnoli, đồng thời gia cố hàng thủ bằng những hậu vệ có chất lượng, thì Milan tiếp tục chính sách cũ kĩ của họ: đánh bóng tên tuổi của họ bằng việc tăng cường hàng công, khi đưa về Jackson Martinez từ Porto và giờ đây đang ve vãn Ibrahimovic trở lại San Siro. Martinez, tiền đạo được xếp vào hàng ưu tiên thứ 4 trong số 4 tiền đạo của Colombia ở Copa America, đã 28 tuổi. Ibra cũng không còn trẻ. Anh đã sang tuổi 34. Người ta cũng đang nói đến việc Boateng có thể trở về.

Những người như thế có thể làm được gì cho Milan trong khi trên thực tế, đội bóng ấy cần một cuộc cách mạng thực sự, khi phải loại bỏ những kẻ vô dụng được hưởng mức lương rất cao (như Essien hay Mexes), phải từ giã chính sách chuyển nhượng tự do để “tái sử dụng” những tên tuổi đã hết đát, phải tin tưởng nhiều hơn vào các cầu thủ trẻ? Không, đấy vẫn là một Milan cũ kĩ, và vẫn hoạt động theo phương châm “ông chủ xây dựng đội hình theo như ông ta (chứ không phải HLV muốn), và HLV phải chiến thắng với đội hình ấy”. Sự xuất hiện trong thương vụ Martinez của Doyen Sport, một quỹ đầu tư bóng đá sở hữu nhiều cầu thủ, dẫn đến một suy nghĩ rằng, rồi đây các thương vụ của Milan sẽ bị họ thao túng. Mihajlovic sẽ chèo lái con thuyền Milan như thế nào trong hoàn cảnh ấy?

Đầu năm nay, Mihajlovic nói rằng, anh đã sẵn sàng cho một đội bóng lớn. Milan đã xuất hiện đúng lúc và tin cậy anh, đưa anh về. Giờ là lúc anh phải chứng minh với tất cả các tifosi, cả với Berlusconi, người luôn tin là Milan vẫn là một siêu CLB, rằng anh không phải Inzaghi hay Seedorf. Anh là một “sĩ quan sắt đá”, và với sự sắt đá ấy, anh sẽ cùng Milan chiến thắng.

Từ Sampdoria đến Milan

Milan đơn giản là một thế giới rất khác với Catania hay Sampdoria mà Mihajlovic đã từng dẫn dắt (và dẫn dắt không lâu). Thành công của vị HLV 46 tuổi này với những đội bóng tầm trung của bóng đá Italia liệu có đủ để làm lưng vốn cho anh dẫn dắt Milan?

1
Cơ hội để Mihajlovic chứng tỏ bản thân

Đấy là một câu hỏi lớn. Nhưng với Samp, Mihajlovic đã khiến người ta khâm phục bởi sự dũng cảm: Anh không ngần ngại đánh bạc vào những tài năng trẻ, từ Regini đến Fornasier, từ Obiang đến Soriano, từ Rizzo đến Duncan và làm hồi sinh Okaka, một tài năng trẻ bùng nổ từ sớm những sau đó cứ lay lắt mãi ở các đội bóng nhỏ. Anh kích thích các cầu thủ bằng cách trích dẫn Dante và Che Guevarra, và anh khiến cho tất cả hiểu rằng, trong bóng đá, người ta có thể chiến đấu và thất bại, nhưng những ai không chiến đấu thì đã thất bại rồi.

Samp là một khúc xương khó nuốt với tất cả nhờ lối đá trực diện và thể lực. Arrigo Sacchi, HLV huyền thoại của Milan đã gọi Samp là Atletico Madrid của nước Ý, với sự tương đồng từ triết lí bóng đá cho đến cách vận hành chiến thuật. Bóng đá không phải là show diễn ballet, mà là chiến đấu. Milan không phải là Sampdoria và liệu Milan có thể trở lại với đỉnh cao nhờ tính chiến đấu của Mihaj? Chưa thể biết được điều ấy. Nhưng Mihajlovic đã sẵn sàng cho một đội bóng lớn và Milan là cơ hội để anh chứng tỏ mình. Trong một cuộc chiến đấu mới.

Trương Anh Ngọc (từ Roma, Italia)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm