Bóng đá phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ ở các thành phố lớn và nhiều địa phương trên khắp Việt Nam. Với đa số các đội bóng phong trào chưa vươn lên tầm "số má", đúng nghĩa chỉ chơi vì đam mê, cho ra mồ hôi, "khỏe là chính" thì tài chính không phải là bài toán khó.
Những đội bóng phong trào chiếm số đông đó, thường được duy trì bằng nguồn kinh phí do các thành viên tự đóng góp, chia đầu người bằng nhau.
Ở những đội bóng kiểu này, chủ tịch thường kiêm luôn vai trò đội trưởng, thủ quỹ và chịu trách nhiệm tìm đối tác. Các thành viên thường đóng một khoản trung bình từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng để duy trì đội.
Với những đội bóng này, niềm vui lớn của họ là những chuỗi ngày đá giao hữu sân nước bất bại liên tiếp, tiền thuê sân còn thừa đủ cho anh em được bữa bia cỏ, chém gió tưng bừng rồi lại đóng quỹ mới.
Ở một số đội văn phòng, công ty được lãnh đạo quan tâm, các thành viên không phải tự bỏ tiền túi ra đóng quỹ được coi là một niềm vui lớn. "Được công ty thuê sân cho anh em sinh hoạt ra mồ hôi 1-2 buổi/tuần sau giờ làm việc là hạnh phúc lắm rồi, chẳng mong gì hơn", một thành viên của một đội bóng văn phòng chia sẻ.
Cao cấp hơn một bậc nữa là những đội bóng đúng nghĩa phủi, đi đá phải có thành tích hoặc ít nhất là gương mặt quen thuộc của các giải đấu lớn danh giá như Ngoại hạng phủi HPL, Hạng Nhất phủi, Ngọc Bảo Open, VCK Forumbongda... Đó là những đội bóng có Mạnh Thường Quân thực sự hoặc được lãnh đạo công ty đầu tư mạnh tay để ăn tập rất chuyên nghiệp, có tiền thưởng khi đá tốt, thậm chí có chế độ.
Trà Dilmah là đội giàu thành tích và trường thọ hàng đầu giới phủi Hà thành. Họ cũng là đội đi tiên phong trong việc nuôi quân ăn tập mà tiền đầu tư là do một tay bầu Hồng chi trả. Trong quá khứ, Trà từng nhiều lần mời cả thầy nước ngoài về huấn luyện cho quân đá giải. Chính sách đãi ngộ tốt, triết lý bóng đá đẹp mắt, đậm chất nhân văn của Trà khiến họ luôn thu hút được nhiều nhân tài.
Trong vài năm qua, hầu như các đội phủi có tiếng tăm đều được đầu tư mạnh tay. Các ông bầu không ngần ngại chi tiền dù vẫn biết, tài chính vẫn chỉ là một phần bên cạnh nhiều yếu tố không kém phần quan trọng khác để duy trì một đội bóng.
Nói về tiền để lo cho một đội bóng đủ tiềm lực chơi các giải lớn như Ngoại hạng phủi chẳng hạn, có rất nhiều khoản phải chi.
EOC là thế lực mới của phủi Hà thành, mới được biết đến khoảng hơn 1 năm nay nhưng đã thâu tóm khá nhiều danh hiệu vừa và nhỏ. Thành công lớn nhất của họ mới đây là chức vô địch Hạng Nhất phủi SL1 - S1 với thành tích bất bại cả mùa.
EOC là đội bóng đang chi mạnh tay bậc nhất giới phủi. Trong mùa giải SL 1 - S1 vừa qua, họ phải chi các khoản như lệ phí giải, tiền may trang phục di chuyển (1 bộ màu cam), trang phục thi đấu (2 bộ màu xanh và trắng) và tập luyện. Ngoài ra là tiền thuê sân bãi để tập hàng tuần, đá giao hữu cọ xát, tiền cho đội ăn uống sau mỗi trận đấu chính thức trong giải. Mỗi trận thắng, quỹ đội cũng được nhận thêm một khoản tiền thưởng từ vị chủ tịch chịu chơi. Chuyến đi đá giải từ thiện kết hợp du lịch ở TP.HCM đầu tháng 5 cũng tiêu tốn một khoản kha khá.
300 triệu đồng là khoản tiền mà bầu Văn tiêu cho mỗi mùa giải dự Ngoại hạng phủi HPL của FC Văn Minh. Đó mới chỉ là lệ phí dự giải, tiền di chuyển, ăn tập, thuê nhà nghỉ, mua vé xe, ăn uống của cầu thủ, chưa tính tiền thưởng.
Một đội bóng cũng tiêu tốn khoản chi phí tương tự, thậm chí nhiều hơn là FC Du Lịch khi đi từ Lào Cai xuống Hà Nội đá HPL-S3, SL1 - S1. Bầu Đức Tình nổi tiếng là người chịu chơi khi không bao giờ để các thành viên phải lo lắng bất kì điều gì ngoài chuyên môn. Thậm chí, đây còn là đội bóng thường xuyên tổ chức Gala tổng kết rất long trọng, ở cả 2 địa điểm là Hà Nội và Lào Cai.
Để duy trì đội bóng nhiều năm liền giữ được vị thế ở trong top những đội mạnh hoặc có thành tích tốt, các ông bầu phủi cũng có nhiều cách. Một trong những cách làm hiệu quả là tạo công ăn việc làm cho cầu thủ để họ trở thành nhân viên của mình, vừa làm việc, vừa đá bóng.
Cường Quốc FC với mối quan hệ tốt của bầu Cường "hói", HLV Tiến Thiết đã gửi gắm nhiều cầu thủ của mình vào Công ty Dầu khí PSA làm việc như Mạnh "nát", Đạo "Từ Sơn", Tiến "châu phi", Dũng "Crouch", Thọ "xích thố", Tùng "mất trí", Hùng "sư phạm"...
FC DTS vừa vô địch giải Kết nối Doanh nghiệp cũng tuyển quân về vừa làm việc vừa đá bóng như Phương "Vertu", Khánh "chóe", Duy "tễu", Luân "Thái Sơn Bắc", Văn Chiến...
HD Bank Hoàn Kiếm, á quân giải Kết nối Doanh nghiệp vừa qua, là đội bóng sở hữu nhiều hảo thủ bậc nhất ngành ngân hàng như Tuấn "ếch", Hiệp "trĩ", Nguyên Công, Thuận "bờm", Tâm "Kaka"... Bên cạnh đó không thể không nhắc tới BIDV Quang Trung với Sáng "Persie", Hùng "con", Nam "cóc", Ngọc "lít", Dũng "vàng", Hùng "điện"...
Một đội bóng rất thành công với mô hình tuyển quân về làm việc và đá bóng là FC Văn Minh. Gần như 100% quân số của đội đang làm việc cho Công ty Du lịch Văn Minh của bầu Văn.
Các cầu thủ Văn Minh khi đi đá tập, đá giải đều được chấm công như đi làm, vô địch thì được thưởng khá lớn giống như nhân viên làm việc có thành tích cao. Trong 4-5 năm qua, Văn Minh thống trị phủi thành Vinh là bởi họ có tập thể cầu thủ đá bóng, làm việc cùng nhau, rất ăn ý, nhuần nhuyễn. Đây được đánh giá là cách làm hiệu quả mà bền vững, khi các cầu thủ có công việc ổn định, có tương lai.
Một ông bầu tiết lộ: "Mỗi tháng, tiền thuê sân bãi cho anh em tập luyện, đá giao hữu cũng phải mất từ 12 - 20 triệu đồng, chưa kể ăn uống sau trận. Tiền ăn uống mỗi buổi ít nhất là 3-4 triệu đồng, thường là tầm 6-7 triệu/bữa".
Ở một số đội như Cường Quốc, Phương Anh thì các cầu thủ đi tập đều có tiền bồi dưỡng xăng xe, trung bình 100.000 đồng/người bất kể công thần, trụ cột hay dự bị. Thậm chí, ai ở tỉnh như Nam Định, Thái Bình...lên tập thì được bồi dưỡng 500.000/buổi. Mỗi khi cầu thủ ốm đau, chấn thương, có việc cưới hỏi, ma chay cũng được đội bóng quan tâm chu đáo.
Nhìn chung trong hàng ngàn đội bóng phong trào hiện tại ở giới phủi Hà thành, có khoảng 50 đội bóng phủi được đầu tư từ mức khá tốt đến cực mạnh. Đó đều là những đội bóng giàu thành tích hoặc chí ít, có "số má". Sinh hoạt ở những đội bóng này, các cầu thủ đều không phải đóng tiền quỹ, chỉ việc tập trung đá bóng còn mọi khoản từ sân bãi, quần áo đã có các ông bầu lo liệu. Có thể kể ra những đội bóng ở dạng này như Thành Đồng, Cường Quốc, MV Corp, Top Group, Moon, EOC, Gia Việt, Đại Việt, BIDV Quang Trung, Du Lịch, Phương Anh, Triều Khúc, Dương Nội, Hữu Bằng, DTS, HBG...
Rõ ràng, dù chỉ là chơi phong trào nhưng để duy trì được một tập thể mạnh, có thành tích tốt thì các ông bầu vẫn phải chi khá nhiều tiền. Thế mới thấy, đam mê là một chuyện nhưng đầu tư như thế nào lại là chuyện khác, không hề đơn giản.