Nói đến Chiến "San" là nói về một trung phong toàn tài với miếng cài đè huyền thoại, những cú sút đại bác đến nỗi có thủ môn phải mặc áo giáp, khả năng ghi bàn ở mọi góc độ, những pha volley “thần sầu, quỷ khốc”…
Với nhiều cầu thủ thuộc thế hệ cuối 8X hay 9X bây giờ, họ phải gọi là chú Chiến "San". Nguyễn Hữu Chiến, sinh năm 1965 tại phố Thanh Hà, một con phố nhỏ của Hà Nội. Ở cái thời đất nước còn khó khăn, cơm ăn không đủ no thì một tiền đạo có chiều cao 1m78, nặng 78kg “sức địch muôn người” như Chiến “San” chẳng khác nào một “chiến thần” trên sân bóng. Trong dòng chảy của phủi Hà thành, Chiến "San" là cái tên “đóng neo” ở vị trí trang trọng nhất, bên cạnh những "dị nhân" thực sự và là “sư phụ” của nhiều thế hệ tiền đạo sau này từ Cường "U Lý", Sáng “vịt” đến Tuấn “ếch”...
Ác mộng với các thủ môn
Nhớ về bậc đàn anh hơn mình đến 15 tuổi, có may mắn được chơi cùng ở đội Thoát nước năm nào, HLV Quân "trễ" của FC Triều Khúc vẫn đầy hào hứng và tự hào: "Anh Chiến "San" người như King Kong. Hồi mới về Thoát nước đá giải quận Hai Bà Trưng gặp đội Quân đoàn, khoảng năm 2000, anh ấy sút bóng như tên lửa đập cột trong bật ra ngoài, trọng tài không công nhận bàn thắng vì tưởng bóng đập cột ngoài. Anh ấy sút mạnh quá, bóng đi nhanh đến nỗi trọng tài đứng ngay gần không kịp nhìn thấy gì".
Có dịp khác, đá giải nội bộ trong công ty Thoát nước giữa các khối với nhau, một thủ môn mặc cả… áo giáp bên trong khi biết phải đối đầu với Chiến “San”. Hết giờ, thủ môn này cởi áo đấu ra mọi người mới ngỡ ngàng và khi được hỏi thì cười hề hề: “Mặc cho an toàn, nhỡ dính cú sút của ông Chiến thì thối phổi mất”. Nhiều cầu thủ khi kể lại vẫn hay đùa, hứng những cú nã đại bác của Chiến “san” là sau trận phải mua bổ phế uống. Các thủ môn từng đứng ngược chiến tuyến với Chiến “San” đều chung một cảm giác e ngại. Thủ môn Tiến Anh, người gác đền của Thể Công và ĐTVN hay các thủ thành kỳ cựu trong giới phủi như anh em nhà Nam “chân vịt” – Linh “chân ngan”, Tuyên “bao”, Kiên “phú” rồi cựu tuyển thủ futsal Kiên “mán” đều nể những cú sút trời giáng của tiền đạo này.
Chiến "San" cao to như hộ pháp, mình cá trắm, da ngăm bánh mật, bao nhiêu năm chơi bóng chỉ để kiểu tóc đầu cua hoặc cạo trọc, tất cả tạo nên một giao diện khiến dữ dằn mọi hậu vệ phải kinh hãi.
Ngoài những cú sút, Chiến "San" còn sở hữu 2 đặc sản khác. Đầu tiên là khả năng cài đè tinh quái, hậu vệ kèm chỉ muốn khóc. Bóng đi sệt hay ngang bụng hoặc rót bổng đến, Chiến "San" cứ tựa lưng vào hậu vệ mà đè, khiến đối phương không tài nào quan sát hay bước lên được. Chỉ một hai giây, ông xoay người và loại bỏ hậu vệ nếu không “bệt đít, gặm cỏ” thì cũng đang chới với phía sau, đối mặt thủ môn. Về sau, Cường “U Lý” và Tuấn “ếch” đều thừa nhận học nhiều từ Chiến “San” khoản cài đè. Đặc sản thứ hai của ông là cái gầm giày như dính keo, bóng đang trên cao dù căng hay xoáy cỡ nào đều nằm ngoan ngoãn, và chỉ một động tác giật, xoay người là lại đối mặt thủ môn. Lối chơi của Chiến “San” hiện đại, không rườm rà, chỉ xử lý bóng 1-2 nhịp là dứt điểm, bằng cả 2 chân. Và tiền đạo này sút bóng sống hoặc volley cực hay, có thể xé lưới ở mọi góc độ, tái hiện hình ảnh các danh thủ Batistuta, Van Basten trên sân phủi.
Trên sân chuyên, ông Chiến cũng là chân sút cự phách. Trong những năm về trước, hễ có đội nước ngoài sang Việt Nam đá giao hữu là các lãnh đạo Hà Nội lại gọi ông Chiến. Năm 2001, trong trận hòa 3-3 với đội Lão tướng Spartak Moskva trên sân Hàng Đẫy, một mình Chiến “San” ghi cả 3 bàn cho đội Lão tướng Hà Nội. Các đồng đội của ông trong trận đó là cựu danh thủ Ba Đẻn, HLV Mai Đức Chung đều hết lời khen ngợi. Trong nhiều trận gặp các đội khác như Cựu danh thủ Đan Mạch (có anh em nhà Laudrup), cựu danh thủ Thái Lan, ông Chiến đều nổ súng.
Bóng đá là lẽ sống
Năm 15 tuổi, Chiến “San” được tuyển vào trường Huấn luyện ở Quần Ngựa, “cắt hộ tịch” ăn ở tập trung, cuối tuần mới được về nhà.
Ông vẫn nhớ như in những buổi tập, chạy bộ từ Quần Ngựa ra Bờ Hồ, chạy tiếp 2 vòng quanh hồ rồi nhảy tàu điện leng keng về trường. Năm 17 tuổi, ông là 2 cá nhân xuất sắc nhất trong số 50 thành viên của lứa Trẻ Xây dựng Hà Nội được đôn lên đội 1 đá giải A1 toàn quốc. Trong những năm từ 1982 đến 1990, Hữu Chiến là tiền đạo “số má” của Xây dựng Hà Nội và Công an Hà Nội.
Năm 1991, khi CAHN xuống hạng, nhiều trường hợp phải giảm biên chế, lãnh đạo muốn cho Chiến một công việc làm trong ngành nhưng ông từ chối vì thích đá bóng hơn. Chiến “San” xin ra khỏi ngành dù đó là một quyết định không dễ dàng. Ông ở nhà 1 tháng rồi lại theo tiếng gọi đam mê nhảy tàu vào Nam chơi cho Công an Vũng Tàu, thời điểm mà tiền đạo này kể rằng 1 năm trời mới về thăm cô con gái đầu lòng. Cuối năm 1993, khi mới nghỉ chuyên nghiệp, ông về Thoát nước làm công nhân, đi thông tắc cống nhiều người nhận ra, ban đầu còn xấu hổ nhưng rồi quen vì “có một công việc lương thiện lại được đá bóng là vui rồi”. Hỏi có tiếc khi ra khỏi ngành Công an không, ông cười: “Không tiếc vì khi đó và đến tận bây giờ vẫn chỉ thích đá bóng hơn”.
Trong mắt các chiến hữu, Chiến “San” luôn là người hết lòng vì bạn. Trận giao hữu Lão tướng Hà Nội gặp đội cựu danh thủ Thái Lan năm 1990 trên sân Hàng Đẫy, “huyền thoại” Sáu Bò tới dự khán, đem theo một chiếc cat-set, một hộp gỗ sơn mài bên trong có 200 ngàn đồng, một quyển album ảnh. Tất cả những món đồ này được treo thưởng tặng cho cầu thủ ghi bàn đầu tiên. Chiến “San” mở tỉ số, ẵm giải thưởng và ngay trong buổi tối đem toàn bộ chiến lợi phẩm đó tặng cho đồng đội Lã Xuân Thắng làm quà cưới.
Giữa năm 2015, ông Chiến được phát hiện mắc bệnh u phổi. Ông kiêng hẳn rượu bia, thuốc lá dù trước đó cũng rất ghiền nhưng có một thứ không thể bỏ là bóng đá. Dù bị bệnh, ông vẫn xách giày ra sân Đường Sắt 2 trận/tuần đá cùng các đồng đội một thời ở lứa Xây dựng Hà Nội 82-84. Với ông, bóng đá là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, từ thời thơ ấu bêu nắng trên sân Long Biên say mê thế nào thì giờ vẫn vậy.
Chiến “San” từng chơi chuyên nghiệp trong màu áo Xây dựng Hà Nội, Công an Hà Nội, Công an Vũng Tàu. Trên sân phủi, ông chơi rất nhiều đội trong đó có một số cái tên từng nổi đình nổi đám một thời như Thoát nước, Hàng Khoai, Bốc xếp Đồng Xuân, Văn Miếu…
Chiến “San” là cậu ruột của hậu vệ Quốc Long, cầu thủ trưởng thành từ lò Thể Công, thành danh trong màu áo Hà Nội T&T và mới chuyển qua CLB Hà Nội. Ông là bố vợ của hậu vệ Trịnh Phong Thu, cựu cầu thủ HN.ACB.
Tiền đạo Cường “U Lý”: "Tôi học được nhiều từ anh Chiến, từ miếng cài đè đến cách sống. Anh ấy là người hiền lành, hết lòng vì bạn”.
Hậu vệ Tú “mẩu”: "Anh Chiến khỏe như trâu mộng, đá hậu vệ mà để anh ấy tựa lưng vào thì chỉ có chết. Tôi toàn phải lựa né ra, từ xa ập vào cắt bóng chứ không dám đứng sát anh Chiến”.