Gương mặt sân phủi - Đạt “võ lâm”: Một “đặc sản” Triều Khúc

thứ bảy 16-1-2016 23:17:52 +07:00 0 bình luận
Không ồn ào hoa mỹ, không dữ dằn như đa phần các hậu vệ, Đạt “võ lâm” luôn để lại hình ảnh một cầu thủ kỹ thuật, chơi bóng nhẹ nhàng và đầy chất thép. Và khi thiếu vắng anh, cả một khoảng trống mênh mông sẽ hiện ra.

Niềm tự hào

Nhắc đến bóng đá Triều Khúc khoảng chục năm trở lại đây là phải nhắc đến Quân “trễ”, Tuấn “ếch”, Hiệp “trĩ”, Đạt “võ lâm”… những gương mặt xuất sắc nhất của mảnh đất này. Họ từng chơi bóng cùng nhau từ hồi còn chạy chân đất đá bóng nhựa sân gạch, lớn lên cùng với những trận “đá độ” hay những “trận chiến phân đàn” trong làng. Đạt và Tuấn “ếch” từng khoác áo đội xóm Cầu vô địch 2 năm liền giải Thiếu niên làng Triều Khúc trong giai đoạn 1997-1998. Đạt được thừa hưởng gen đá bóng từ các chú ruột của anh, những người đá trung vệ rất hay trong quá khứ. Sau này khi Quân “trễ” ra ngoài đá phủi, đã kéo theo lứa đàn em là Hiệp, Đạt, Tuấn. Bộ khung của Triều Khúc kết hợp với nhiều hảo thủ khác đã giúp Cường Quốc vô đối các giải phủi trong những năm 2008-2009. Trong giai đoạn đó, Đạt nổi lên là một hậu vệ cánh công thủ toàn diện, chơi tốt cả sân 5, sân 7 và sân 11, thi đấu quyết liệt, khôn khéo trong tranh chấp tay đôi, rất lì lợm.

Gương mặt sân phủi - Đạt “võ lâm”: Một “đặc sản” Triều Khúc

Cái đầu lạnh và xử lý điềm tĩnh, Đạt có được sự lỳ lợm mà ngay đến đối thủ nhiều khi phải thán phục. Từng có thời điểm, nguyên tổ Cường Quốc xuống Hải Phòng “nghênh chiến” và bất chấp sức ép trong lẫn ngoài sân đầy tiếng leng keng, Đạt vẫn chơi tốt, có thể “phang lại” khi đúng tình huống.  

Sau khi Cường Quốc chuyển giao thế hệ, Đạt và các anh em về Triều Khúc, vực dậy đội bóng quê hương, trở thành một “xứ Basque giữa lòng Hà Nội”. Trong thời kì đỉnh cao, Đạt leo biên ấn tượng, tốc độ và nhiều lần solo qua 3, 4 người ghi bàn. Sau này khi Giang Nguyên Công trưởng thành, đá biên tốt thì Đạt lui về đá trung vệ và trở thành một trong những thòng hay nhất phủi Hà Nội.

Khác biệt

Có thời điểm, Đạt đá “sung quá”, được rất nhiều đội nhờ đi đá. Vốn đam mê lại dễ tính, Đạt nhận lời hết và ngày nào cũng “cày” 2-3 trận, đến nỗi quá tải, chán bóng đá và bỏ luôn. Bập vào game “Võ lâm truyền kỳ”, càng chơi càng say, Đạt luyện game thâu đêm suốt sáng, gầy đi 6-7kg, tóc để dài không thèm cắt nên từ đó được bạn bè đặt cho biệt danh Đạt “võ lâm”. Với nhiều bạn bè từ nhỏ, họ quen gọi anh với biệt danh Đạt “xì xồ” hơn. Còn với Đạt, anh lại ưa thích nickname “Kim Yến Tây” và đặt cho trang Facebook cá nhân của mình. Lý giải cho cái tên này, Đạt cười hề hề nói: “Ngày xưa xem phim Kim Phấn thế gia thích nhân vật Kim Yến Tây quá nên đặt tên như thế, đơn giản vậy thôi”.  

Gương mặt sân phủi - Đạt “võ lâm”: Một “đặc sản” Triều Khúc

Dù chưa từng ăn tập chuyên nghiệp nhưng Đạt có những kỹ năng chơi bóng mà dân chuyên nghiệp đôi khi cũng phải tấm tắc. Đặc điểm nữa, cầu thủ này rất nghiêm túc khi thi đấu, luôn đến sân sớm, chơi hết mình, ít khi phản ứng với trọng tài. Dù là một hậu vệ nhưng Đạt không phải mẫu người nhiều tiểu xảo, hay dùng quái chiêu dù các kỹ năng thì có thừa. Theo lời HLV Quân “trễ”, Đạt là người có chuyên môn tốt nhưng rất thật thà, hiền lành. Có tiếp xúc với Đạt mới biết, anh chỉ nói chuyện nhiều một chút và tự nhiên khi “chat” trên mạng chứ ở ngoài đời rất ít nói hay ngượng.

Từng có thời điểm chán đá bóng nhưng khi đã trở lại, Đạt nhiệt không ai bằng. Ở vòng 5 HPL-S3, vợ bị sốt cao phải nằm truyền nước, không có ai trông con gái, Đạt đã bế cô Công chúa sang sân, gửi CĐV và nhảy vào thi đấu. Trong thời điểm Ngoại hạng phủi mùa thứ 3 diễn ra, cứ mỗi chiều Chủ nhật, vợ chồng Đạt lại đóng cửa hàng bán vịt quay để cùng sang sân, chồng thi đấu thì vợ bế con cổ vũ.

Và một vẻ đẹp

Đạt không phải mẫu cầu thủ sinh ra để làm đội trưởng. Anh không thích nói nhiều, luôn thi đấu cần mẫn, âm thầm. Suốt bao năm qua, FC Triều Khúc tham dự các giải lớn nhỏ, trong đó có 3 mùa dự HPL đều với một bộ khung trục dọc không thể thay thế là Đạt “võ lâm” - Hiệp “trĩ”-Tuấn “ếch”. Họ được coi là bộ ba “xe pháo mã” làm nên cái hồn của “xứ Basque giữa lòng Hà Nội”. Nếu như trong thời gian gần đây, Duy “dấm” và Thuận “bờm” đã phần nào giảm tải được cho tiền vệ Hiệp “trĩ’ thì vị trí của Đạt “võ lâm” vẫn là một thách thức với nhiều trung vệ lớp dưới. Ở HPL-S3, Đạt là cầu thủ duy nhất không có thời gian để tập luyện cùng toàn đội Triều Khúc trước và trong giải.

Gương mặt sân phủi - Đạt “võ lâm”: Một “đặc sản” Triều Khúc

Tuy nhiên, trong những trận thắng của Triều Khúc trước Du Lịch, Hanel, Tin lớn & Anh em, hòa Tô Ký, hòa Thành Đồng, kể cả trận thua MV Corp, hòa Top Group đều có dấu ấn đậm nét của Đạt “võ lâm”. Trong khi đó, ở vòng 9 khi gặp Moon - Quang Trung, Triều Khúc đã thua tức tưởi vì thiếu vắng Đạt. Anh là một trong số hiếm hoi trung vệ đá nhiều trận nhất giải bởi phong cách chơi bóng đầu óc, ít dính thẻ và chấn thương. Và tại HPL-S3, với chính các HLV với cầu thủ vẫn có tranh cãi trong việc bình chọn thòng hay nhất giữa Đạt và Cường “trắng”.

Bao năm qua vẫn vậy, những ấn tượng của Đạt đọng lại trong lòng nhiều người vẫn là một hậu vệ tập trung chơi bóng, không ồn ào, lầm lì, mộc mạc và có phần dễ mến. Anh luôn cống hiến âm thầm và chỉ đến khi không đứng trên sân, người ta mới nhận ra khoảng trống khó san lấp mà anh để lại.

ảnh quote"Đạt là một trong những học trò ưu tú của tôi. Nó đá giải nào cũng tốt bởi tâm lý vững, thi đấu lăn xả mà lại ngoan ngoãn, ít nói”. - HLV Tiến Thiết
ảnh quoteDù chơi hậu vệ nhưng Đạt rất hiếm khi đá bậy. Cậy ấy mộc mạc, mẫu mực trong thi đấu, ít khi nói về mình, xứng đáng là tấm gương để các em trẻ học tập”. - Chuyên gia Hải “bạc”
Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm