Kỳ 2: Xã “xuất khẩu lao động” tại Quảng Bình: Khi bóng đá không là số 1

Trần Khánh
thứ tư 13-11-2019 16:10:00 +07:00 0 bình luận
Là một trong xã giàu nhất Việt Nam, Thanh Trạch còn được biết đến là xã có nhiều cầu thủ đã và đang theo nghiệp bóng đá chuyên nghiệp.

>>>  Kỳ 1: Chuyện bóng đá ở xã “xuất khẩu lao động” tại Quảng Bình

Giấc mơ lớn với trái bóng tròn

Bóng đá với người dân Thanh Trạch không chỉ đá cho vui mà đá thật. Con em nơi đây từng ăn tập ở nhiều lò nổi tiếng ở Việt Nam. Có đến 8 thanh thiếu niên đã và đang ăn tập cùng bóng đá chuyên nghiệp.

Đó là Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Tiến Hoài, Nguyễn Ngọc Biển (HAGL); Trần Tài, Trần Tú (Viettel), Nguyễn Tiến Sĩ (PVF) và Phi Hùng, Phi Hoàng (SHB Đà Nẵng). Trong số đó, Tiến Hoài là người con tiêu biểu của đất Thanh Trạch khi thi đỗ khóa đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal-JMG.

“Năm 2005, bố đưa những tờ rơi tuyển sinh Học viện HAGL, tôi cùng anh trai Tiến Đạt và bạn Ngọc Biển đi thi tuyển. Lúc đó, mấy anh em ai cũng có niềm đam mê với bóng đá cả. Hồi nhỏ tôi hay xem bóng đá, cũng thích như cầu thủ lớn là được đá cho các đội lớn, muốn ghi bàn, muốn nổi tiếng, đi đá cho ĐTQG.

Thời điểm đó, chúng tôi không biết nhiều các CLB. Mọi người biết HAGL thông qua tờ rơi hay thông tin trên mạng. HAGL có chuyên gia nước ngoài tuyển chọn nên chúng tôi kỳ vọng sẽ phát triển tương lai”, Hoài kể.

Trong số 3 người đi thi tuyển, Hoài đậu Học viện còn Đạt và Biển đậu Năng khiếu. Tuy nhiên, Hoài là người trụ lại lâu nhất tới 9 năm ở đội bóng phố Núi. Đạt chỉ tập đúng 1 tháng rồi về vì không cảm thấy hạnh phúc khi tập cho lớp Năng khiếu nhưng lại ở TP. HCM. Biển vì chấn thương phải từ bỏ đam mê. 

Kỳ 2: Xã “xuất khẩu lao động” tại Quảng Bình: Khi bóng đá không là số 1
Thời niên thiếu của Tiến Hoài ở HAGL. Ảnh: NVCC

“Khi hai người nghỉ thì không tác động nhiều đến việc đi hay ở của tôi. Được vào HAGL là điều tôi đã ước mơ từ nhỏ, đặt đúng niềm tin, muốn sống trong bóng đá”, Hoài thổ lộ.

Từ bỏ vì không nuôi được bản thân

Năm 2015, cùng với Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Hoài được đôn lên đội 1 thi đấu ở V.League. “Tôi cố gắng mỗi ngày để tốt hơn. Tôi cảm thấy càng ngày càng tự tin hơn”, Hoài giãi bày.

Ấy vậy, chàng trai cao 1,64m này quyết định từ bỏ bóng đá sau một năm thi đấu ở V.League. “Khi thay đổi BHL, dẫn đến thay đổi nhân sự, tôi không được trọng dụng, ít được thi đấu, nhiều yếu tố không cảm thấy vui vẻ. Ban đầu tôi vẫn buồn về thể hình nhưng sau đó, nhìn các cầu thủ khác, nhìn khả năng của mình thì không lo lắng. Điều làm tôi buồn nhất là không được ra sân thi đấu.

Việc không được ra sân cũng là điều bình thường trong bóng đá. Nhưng với tôi, bóng đá chỉ là đam mê chứ không phải mưu sinh duy nhất”, Hoài chia sẻ.

Kỳ 2: Xã “xuất khẩu lao động” tại Quảng Bình: Khi bóng đá không là số 1
Đó là giấc mơ với cầu thủ sinh năm 1996 này. Ảnh: NVCC

Cũng như người anh Tiến Đạt và người em trai Tiến Sĩ, Hoài gác lại giấc mơ theo nghiệp quần đùi áo số vì không còn thấy thoải mái. “Nghỉ bóng đá, cuộc sống của tôi không gặp khó khăn khi có công việc ổn định, thu nhập cao, lại cảm thấy thoải mái”, Hoài lý giải. Gia đình Hoài có bốn anh em, anh trai Tiến Đạt đi du học ở Australia, em trai Tiến Sĩ xuất khẩu lao động ở Đức.

Hoài về phụ trách gia đình quản lý kinh doanh dịch vụ. Anh cũng đang ấp ủ giấc mơ xuất ngoại sang Đức. Ở Thanh Trạch, không chỉ Hoài mà nhiều người từ bỏ bóng đá để tìm kiếm hướng đi mới. Có đến 6 cầu thủ đã không còn theo nghiệp quần đùi áo số. Tất cả đều đang có công việc ổn định cùng mức thu nhập khá tốt.  

“Mấy anh em theo bóng đá chuyên nghiệp mà nghỉ đều vì lý do như nhau. Khi đi vì đam mê nhưng càng dấn thân càng thấy không như màu hồng. Điều này làm không vui, không hạnh phúc, không còn hứng thú và đến độ tuổi trưởng thành, không có sự thành công trong bóng đá thì liên quan đến kinh tế sau này. Mấy anh em cũng bỏ bóng đá để về, làm công việc khác, có sự thoải mái hơn.

Kỳ 2: Xã “xuất khẩu lao động” tại Quảng Bình: Khi bóng đá không là số 1
Tiến Hoài cùng Ngọc Biển có cuộc sống sung túc khi không còn theo bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: Trần Khánh

Một cầu thủ bóng đá không được thi đấu nhiều sẽ ảnh hưởng đến tương lai, kinh tế, số tiền đó không bằng về quê làm việc khác và có tương lai xán lạn hơn. Bỏ bóng đá về quê có kinh tế tốt hơn, tinh thần thoải mái hơn. Điều này khiến tôi không muốn tiếp tục với bóng đá”, tâm sự của Hoài. Đó cũng là nỗi lòng của Biển cũng như bao chàng trai theo nghiệp bóng đá ở Thanh Trạch.

Về quê, Hoài và Biển là hai trụ cột để giúp Thanh Trạch vô địch giải huyện Bố Trạch 2019 vừa rồi. “Vô địch giải huyện, tôi cảm thấy tự hào, vẻ vang như lúc trúng vào Học viện. Bà con nơi đây tôn sùng bóng đá. Đó cũng là niềm hạnh phúc với bản thân tôi”, Hoài đúc kết.

Ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Khi hết đá bóng, trở về quê hương các em đều có công ăn việc làm: hoặc là ổn định công việc địa phương, hoặc cho các cháu xuất khẩu lao động. Khi về vừa đóng góp phong trào địa phương vừa ổn định về làm ăn”.


Công việc hiện tại của các cầu thủ, cựu cầu thủ ở Thanh Trạch:

Nguyễn Tiến Đạt: Du học ở Australia

Nguyễn Tiến Hoài: Quản lý kinh doanh gia đình

Nguyễn Tiến Sĩ: Xuất khẩu lao động ở Đức

Nguyễn Ngọc Biển: Quản lý nhà máy nước đá, đông lạnh ở địa phương

Trần Tài: Tập luyện ở Trẻ SHB Đà Nẵng

Trần Tú: Du học ở Canada

Phi Hùng: Tập luyện ở Trẻ SHB Đà Nẵng

Phi Hoàng: Đang làm giấy tờ đi xuất khẩu lao động ở Đức

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm