Tạt cánh đánh đầu là lối chơi truyền thống của người Anh cũng như bóng đá thế giới, nên đương nhiên Jeff Astle - nhân vật xấu số được nhắc đến trong kỳ 1 không phải nạn nhân duy nhất của “không chiến”…
Cúp Vàng trả giá bằng… não
Năm 2014, 12 năm sau cái chết của Jeff Astle và sau rất nhiều tranh cãi, điều tra, người ta mới đi được đến kết luận huyền thoại của West Brom chết vì chấn thương mãn tính ở não (CTE), hệ quả của những cú đánh đầu liên tục, lặp đi lặp lại trong suốt sự nghiệp.
Từ thời điểm ấy, truyền thông, các tổ chức y tế, xã hội và đặc biệt là giới khoa học mới nhìn nhận nghiêm túc về tác hại của bóng đá đối với bộ não của người chơi, dễ mắc các bệnh về não như chấn thương mãn tính ở não (CTE), chứng mất trí (DP), bệnh bệnh Alzheimer (AD)…
Jeff Astle chỉ là cầu thủ đầu tiên được xác định chết vì bóng đá. Vậy câu hỏi đặt ra là, kể từ khi người Anh phát minh ra môn bóng đá hiện đại, đã có bao nhiêu cầu thủ chết vì môn thể thao mà họ đam mê? Câu hỏi thống kê này thì hẳn đến… Chúa cũng lắc đầu. Nhưng có thể khẳng định, tác hại của những cú đánh đầu lặp đi lặp lại trong suốt sự nghiệp có tác động rất xấu tới não bộ của cầu thủ khi họ đã giải nghệ. Thế hệ vàng của ĐT Anh - những người đoạt danh hiệu World Cup năm 1966 là một ví dụ.
Ngày 30/06 vừa qua, người Anh tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày “Tam sư” đăng quang tại World Cup. Trong số những người hùng của nửa thế kỷ trước, nay chỉ còn 8 người. Và 4 trong số đó gặp vấn đề với bộ não của họ.
Ray Wilson, Martin Peters và Nobby Stiles đang chiến đấu với căn bệnh Alzheimer, trong khi đó Jack Charlton bị bệnh mất trí nhớ từ cuối thập niên 1970, tức không lâu sau thời điểm huyền thoại này giải nghệ. Jack Charlton thậm chí còn cho biết, ông chẳng còn hồi ức nào trong đầu về vinh quang mùa Hè 1966.
Trước đó, rất nhiều cựu cầu thủ về với Chúa vì những căn bệnh liên quan đến não. Điển hình như tháng 12/1993, đội trưởng Tottenham - Danny Blanchflower được xác định chết vì bệnh Alzheimer. Nhưng khác với Jeff Astle, chẳng ai nghi ngờ nguyên nhân dẫn tới bệnh Alzheimer của Blanchflower là do những cú đánh đầu trong quá khứ…
Bóng đá cũng nguy hiểm như… hút thuốc
Thật khó tin nhưng các nhà khoa học cùng nhiều tổ chức xã hội khác đã lên tiếng tố cáo bóng đá có hại cho sức khỏe của con người, một chiến dịch phản đối chẳng kém gì họ tố cáo thuốc lá gây hại cho nhân loại trong quá khứ.
Tiến sĩ Michael Grey - nhà sinh lý học thần kinh của Trường Đại học Birmingham cho biết: “Bóng đá có hại cho sức khỏe của con người không ư? Tôi so sánh cuộc tranh luận này giống như cuộc tranh luận về hút thuốc lá trong quá khứ. Những thập niên 1950 và 1960. Ban đầu người của ngành công nghiệp thuốc lá cho rằng, thuốc lá chẳng liên quan gì đến ung thư phổi và hàng tá bệnh khác. Kết quả thế nào thì ngày nay mọi người đã rõ”.
Thuốc lá là kẻ thù của sức khỏe, là tác nhân gây ra hàng trăm căn bệnh. Nguy hiểm và phổ biến nhất là ung thư. Theo Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) thì khói thuốc được xếp vào bậc 1 trong số các chất gây ra ung thư. BBC thậm chí còn xếp thuốc lá ở vị trí số 1 trong số những phát minh giết người nhiều nhất trong lịch sử hiện đại, trên cả súng tiểu liên AK-47, bom nguyên tử và thuốc nổ dynamite.
Vì tác hại của thuốc lá, ban huấn luyện, ban lãnh đạo mọi đội bóng đều cấm giới cầu thủ hút thuốc. Nhưng theo tiến sĩ Michael Grey, với giới cầu thủ, đánh đầu cũng nguy hiểm chẳng kém gì khói thuốc.
Nhà sinh lý học thần kinh nổi tiếng người Anh cho biết: “Chúng tôi chưa có bằng chứng cụ thể để thuyết phục tất cả, nhưng rồi mọi chuyện sẽ sớm sáng tỏ. Ngay từ thời điểm này, chỉ cần nhìn vào tỷ lệ những cầu thủ của lứa vô địch World Cup 1966 bị ảnh hưởng não, bạn có thấy điều không bình thường”.