Bóng đá nữ: Bị khai tử trên chính quê hương bóng đá

thứ ba 23-6-2015 20:51:05 +07:00 0 bình luận
Luôn tự hào là quê hương của bóng đá, nhưng nước Anh cũng chính là quốc gia duy nhất trên thế giới thẳng tay giết chết giấc mơ của những người phụ nữ chơi môn thể thao này, trong suốt nửa thế kỷ dài dằng dặc.

Đằng thẳng mà nói, trong suốt lịch sử của mình, người Anh chưa bao giờ công nhận bóng đá nữ là một môn thể thao chính thống. Song song với sự phát triển của môn bóng đá, bóng đá nữ của Anh có sự phát triển khá sớm. Ban đầu, chỉ là để thỏa mãn đam mê của những phụ nữ có xu hướng yêu thích môn thể thao vốn được coi là chỉ dành cho nam giới này. Ngay từ đầu thế kỷ 20, các đội bóng đá nữ đã được manh nha thành lập ở Anh và Scotland.

_79634469_1921_llanelli_women

Nổi bật nhất ở thời kỳ đó là đội bóng nữ “The Dick, Kerr Ladies” với chân sút số 1 Lily Parr. Được thành lập từ 11 nữ công nhân làm cùng nhà máy ở Preston, The Dick, Kerr Ladies nhanh chóng trở thành một đội bóng tên tuổi với những chiến thắng vang dội, trong đó công lao lớn nhất phải kể đến Lily Parr. Chiều cao vượt trội 1m83 là lợi thế lớn giúp cầu thủ này có được thành tích huy hoàng với hơn 1.000 bàn thắng trong sự nghiệp 31 năm chơi bóng, trong đó có 34 bàn được ghi ở mùa giải đầu tiên, khi Lily mới 14 tuổi.

Thời thế tạo anh hùng

Thế chiến thứ nhất nổ ra. Một thế hệ nam thanh niên Anh quốc lên đường nhập ngũ để phục vụ cho đế chế. Hậu phương thiếu vắng bóng đàn ông. Giải bóng đá quốc gia bị tạm dừng vào cuối mùa giải 1914 – 1915 để tập trung cho cuộc chiến.

Cũng từ đây, phụ nữ Anh tạm rời khỏi công việc nội trợ gia đình để tham gia vào sản xuất. Hình ảnh những nhà máy sản xuất vũ khí tràn ngập bóng hồng dần trở nên quen thuộc. Cuối ngày, những nữ công nhân được giải phóng khỏi việc tề gia nội trợ bắt đầu làm quen với việc chơi bóng như một thú vui tiêu khiển. Trên khắp đất nước, các đội bóng đá nữ lũ lượt được thành lập và ngày càng chuyên nghiệp, thậm chí được khuyến khích như một hình thức nâng cao sức khỏe, giúp đáp ứng những công việc nặng nề đáng ra dành cho đàn ông. Ban đầu, những trận đá bóng được tổ chức để quyên góp từ thiện từ khán giả, để giúp đỡ gia đình những thương binh.

Cầu thủ Bella Reay
Cầu thủ Bella Reay

Với sự chuyên nghiệp được đẩy lên, các trận bóng đá nữ không còn đơn thuần là trò mua vui, mà dần trở thành một hoạt động thể thao thực thụ. Giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên mang tên Munitionnettes’s Cup được tổ chức vào tháng Tám năm 1917, với trận thắng đầu tiên của Blyth Spartans trước Bolckow Vaughan of Middlesbrough với tỷ số đậm 5-0. Tiền đạo ngôi sao Bella Reay ghi một hattrick trong trận này, và 130 cả thảy khi mùa giải kết thúc.

Tình yêu bóng đá của các nữ cầu thủ được đẩy lên cao hơn bao giờ hết. Người ta kể rằng cầu thủ chạy cánh Blyth Jennie Morgan đã từ đám cưới của mình lao thẳng ra sân để tham gia thi đấu, và ghi 2 bàn trong trận đấu đấy.

4833626

Nổi tiếng nhất trong thời điểm này vẫn là Dick, Keer Ladies FC từ Preston. Những trận đấu của họ thường xuyên có sự góp mặt của trên 10.000 khán giả. Năm 1920, trận đấu vào ngày Boxing Day của họ với St Helen’s Ladies thu hút được đến 53.000 khán giả, lấp kín sân Goodison Park, bên cạnh đó là 14.000 người phải ở ngoài vì sân quá tải.

Cái chết bất ngờ

Rồi chiến tranh cũng đi qua. Những người lính trở về. Những nhà máy sản xuất vũ khí lần lượt đóng cửa. Phụ nữ lặng lẽ trở lại với thiên chức bao đời. Cuộc sống bình thường trở lại. Và rồi đột nhiên, người Anh nhận thấy rằng việc phụ nữ chơi bóng trên sân, thay vì lo công việc nội trợ trong bếp trở nên lố bịch, và cần phải đặt họ vào đúng chỗ của mình.

Đội bóng Dick, Kerr Ladies đã có những chuyến du đấu khắp châu Âu và Bắc Mỹ
Đội bóng Dick, Kerr Ladies đã có những chuyến du đấu khắp châu Âu và Bắc Mỹ

Lúc này, bóng đá không còn là một môn thể thao được khuyến khích để nâng cao sức khỏe, mà lại trở nên “không phù hợp, vượt quá giới hạn thể chất của phụ nữ” – ý kiến đến từ những nhà chuyên môn hàng đầu, như tiến sỹ danh tiếng Mary Scharlieb – cũng là một phụ nữ, chẳng hạn.

Bất chấp những lời cảnh báo, bóng đá nữ Anh, mà đại diện là Dick, Kerr Ladies liên tục vươn tới những đỉnh cao mới bằng những chiến tích vươn ra tầm châu lục ở những chuyến du đấu xa nhà. Tuy nhiên, đấy chỉ là điểm sáng chói lọi trước khi tắt ngấm.

Ngày 5/12/1921, hiệp hội bóng đá Anh chính thức tuyên bố bóng đá không thích hợp với phụ nữ. Theo đó, các CLB bóng đá thuộc hiệp hội bị cấm cho các cầu thủ nữ thi đấu trên sân vận động của mình. Lệnh cấm thay đổi lịch sử bóng đá nữ Anh quốc mãi mãi.

Ngày trở về muộn màng

Tròn 50 năm sau, năm 1971, với sức ép đến từ việc UEFA khuyến khích bóng đá nữ, cũng như đưa bóng đá nữ vào sự quản lý của các liên đoàn bóng đá quốc gia, cũng như sức ép từ quyền bình đẳng giới, FA chính thức xóa bỏ lệnh cấm bóng đá tại quốc gia này. Ở thời điểm này, công cuộc phục hưng bóng đá nữ trên toàn châu Âu và phần còn lại của thế giới đã bắt đầu.

Với sự trở lại của bóng đá nữ, giải vô địch châu Âu lần đầu tiên được tổ chức chính thức tại Thụy Điển vào năm 1984, tiếp theo là World Cup đầu tiên được tổ chức năm 1991 và nhanh chóng dấy lên thành hiện tượng toàn cầu. Trận chung kết Olympic 2012 trên sân vận động huyền thoại Wembley giữa Nhật Bản và Mỹ phá vỡ kỷ lục khán giả với 83.000 người góp mặt.

Nữ danh thủ Lily Parr
Nữ danh thủ Lily Parr

Mặc dù vậy, bóng đá nữ Anh chưa bao giờ lấy lại được hình ảnh và vị thế của họ tròn một thế kỷ trước. Trên đấu trường quốc tế, họ chưa bao giờ đi quá được vòng tứ kết, thậm chí có đến 3 lần không vượt qua được vòng loại (trên 7 lần World Cup được tổ chức). Với cả bóng đá lẫn nữ quyền, người Anh đã ghi vào đấy một vết nhơ không thể gột rửa.

Cuối cùng, vào năm 2002, Lily Parr, chân sút với hơn 1.000 bàn thắng ngày nào cũng được trở thành người phụ nữ đầu tiên được tôn vinh tại Ngôi nhà danh vọng của Bảo tàng Bóng đá Quốc gia đặt tại quê nhà Preston, 24 năm sau ngày bà mất.

KIM THIỀN

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm