Câu chuyện thể thao: Cuộc chiến xẻ đôi số phận

thứ bảy 11-7-2015 18:52:33 +07:00 0 bình luận
Những gì không đánh bại được ta, sẽ làm ta mạnh mẽ lên. Chiến tranh tàn phá và xóa bỏ đi rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng cũng có những con người biết vượt qua tất cả những điều đó để vùng lên mạnh mẽ và chiến thắng số phận, mặc cho định mệnh có làm chệch hướng con đường họ chọn – Hasan Salihamidzic là một trong những con người như thế.

Tuổi thơ như mơ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống, ngập tràn hạnh phúc và tràn ngập tình yêu thương, cậu nhóc “Braco” – biệt danh thuở nhỏ của tiền vệ tài năng Hasan Salihamidzic đã từng có một tuổi thơ không thể đẹp hơn. Cũng khó có ai có được niềm tự hào như ông bà Ahmed và Sefica khi đứa con trai thứ Hasan ngay từ khi còn rất nhỏ đã thể hiện tài năng xuất chúng ở rất nhiều những lĩnh vực. Ngày còn học trung học, Salihamidzic là học sinh duy nhất trong vùng được nhận giải thưởng cho học sinh đạt điểm 5 (điểm tối đa trong thang điểm) ở tất cả các môn học. Thời khóa biểu của cậu nhóc Braco ngày ấy bao gồm dậy từ 6 giờ sáng, chạy bộ 90 phút trước khi đến trường, sau giờ học là buổi tập piano, tiếp đó là chuyến xe bus dài 30 dặm đến tập luyện cùng đội bóng Velez và cũng từng đấy quãng đường trở về nhà.

IMG_6272

Tuy con trai phát lộ tài năng ở rất nhiều lĩnh vực, nhưng bà Sefica đã sớm định hướng cho cậu con trai thứ đa tài theo con đường đèn sách với mong muốn sau này cậu sẽ trở thành một giảng viên đại học, hoặc tiến sĩ danh tiếng. Bóng đá chỉ được coi là niềm đam mê thiếu thời, cũng như giúp cậu có được một nền tảng sức khỏe và thể hình tốt. Bù đầu với công việc học hành, nhưng Hasan Salihamidzic cũng đá bóng cực hay, đấy cũng là lý do cậu nhóc 15 tuổi được gọi tham gia trận đấu giữa đội U16 Nam Tư với đảo Síp.

Hành trình định mệnh

Đội tuyển U16 Nam Tư được gọi tập trung vào ngày 1/5/1992 tại Belgrade, vì vậy trước đấy một ngày, ông Ahmed – cha của Hasan Salihamidzic lái xe đưa cậu cùng người đồng đội Vedran Pelic ra sân bay để bắt máy bay đi thủ đô của Serbia lúc ấy. Phải mất 4 tiếng đồng hồ làm thủ tục an ninh, họ mới thoát khỏi trạm gác của lính Serbia để đến được sân bay. Lúc này trời đã sẩm tối, chỉ còn đủ thời gian để hai cậu nhóc làm thủ tục lên chuyến bay cuối cùng trong ngày. Và như định mệnh, đây cũng là chuyến bay dân dụng cuối cùng cho đến tận 4 năm sau đó rời khỏi sân bay này. Sáng hôm sau, Sarajevo rơi vào cuộc bao vây kéo dài và thảm khốc nhất trong lịch sử chiến tranh châu Âu.

Không thể bay trở lại quê nhà sau trận đấu, Salihamidzic cùng hai đồng đội là Pelic và Edis Mulalic tạm thời ở lại tập luyện cùng đội bóng Sao Đỏ Belgrade trong lúc chờ đợi tình hình sáng sủa hơn. Mười tuần trôi qua trong sự chờ đợi vô vọng. Bất chấp lời đề nghị với những điều khoản đối đãi đầy thiện chí của Sao Đỏ Belgrade, Salihamidzic cùng hai cậu bạn quyết định trở về quê nhà theo đường bộ – cuộc hành trình đầu đời và đáng nhớ nhất với cả ba. Vượt hàng ngàn dặm đường, ngày đi đêm nghỉ vòng qua Hungary, Slovenia và Croatia, cuối cùng họ cũng đặt chân được lên mảnh đất quê nhà khi cuộc chiến nơi đây đang đi vào thời kỳ khốc liệt.

Sarajevo_Grbavica

Không thể tiếp tục đi học hay đá bóng trong điều kiện khói lửa mịt mù hàng ngày bao vây lấy quê hương, cậu bé thần đồng ngày nào tạm quên đi đèn sách, cũng như trái bóng tròn đầy mê hoặc để bắt đầu với công việc đầu đời – làm bartender cho một quán bar nhỏ để kiếm tiền duy trì cuộc sống. Trong khi đó, ông bố Ahmed bất chấp mọi khó khăn, tìm mọi cách để liên lạc với thế giới bên ngoài để đưa cậu con trai cưng thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bà con sống ở Đức, cuối cùng cơ hội thoát khỏi quê hương đang đầy đạn bom cũng đã đến với Salihamidzic. Sau ba tháng xin xỏ giấy tờ và làm thủ tục, ông bố Ahmed lại một lần nữa đánh xe đưa cậu con trai tài năng của mình, lần này là đến Zadar (Croatia) để từ đó cậu nhóc 15 tuổi lần thứ hai đơn thân bắt đầu một cuộc hành trình khác, với đích đến là Hamburg, nơi có CLB bóng đá Đức giang tay đón nhận tài năng trẻ người Bosnia.

Đích đến cuối cùng cũng hiện ra trước mắt, nhưng số phận dường như vẫn chưa thôi trêu đùa Salihamidzic khi cậu lạc mất bà dì Djula – người đáng ra phải đón được cậu ngay khi xuống xe tại Hamburg. Mệt mỏi, đơn độc và đầy sợ hãi nơi đất khách quê người, cậu nhóc lê bước đến một quán café nhỏ nằm gần trạm xe bus, thì thào nói với người phục vụ câu tiếng Đức duy nhất cậu biết: “Làm ơn cho xin một cốc nước chanh!”. Với Salihamidzic, đây có lẽ là cốc nước chanh ngon nhất ngon nhất trần đời, với câu nói đi kèm của người phục vụ vốn là người Bosnia: “Tôi có thể giúp gì được cậu, người anh em” bằng tiếng mẹ đẻ.

Đoạt vinh quang bằng ý chí

Những tháng ngày gian khổ đã trui rèn cho Salihamidzic không những là một nền tảng thể lực hoàn hảo, mà còn là một ý chí sắt đá kinh người để vượt lên. Xuất sắc đến mức từng thi đấu cho một lúc ba đội trẻ của Hamburg, nhưng chưa bao giờ cậu có ý định tự mãn với với gì mình làm được. Cùng với việc được đôn lên đội 1 ngay khi bắt đầu bước vào tuổi 18, điều khiến Salihamidzic hạnh phúc nhất là được làm việc dưới sự chỉ đạo của vị HLV được anh đánh giá là một trong những con người quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình – Felix Magath. Trong mắt Salihamidzic, ông là một con người lạnh lùng khi không bao giờ hỏi han cậu học trò của mình nhớ nhà ra sao, cuộc chiến ở quê hương diễn biến thế nào… nhưng lại luôn tin tưởng và tạo mọi điều kiện để cậu phát triển tài năng và sự nghiệp.

wolfsburg-salihamidzic

Ngoài thời gian tập luyện và thi đấu, phần lớn thời gian còn lại của Salihamidzic là dành để… nhớ nhà. Trong một bức thư gửi người thân, cậu viết: “Em nhớ chị gái thân yêu của em rất nhiều. Và con cũng nhớ những lời dạy dỗ của cha, cha luôn biết điều gì là tốt nhất cho con. Ở đây, con luôn nghĩ về mẹ, con sẽ mãi là đứa con bé bỏng của mẹ, con luôn mong một ngày sẽ được trở về để lại ngồi vào lòng mẹ như ngày xưa”.

Trong mùa bóng đầu tiên thi đấu chuyên nghiệp dưới màu áo Hamburg, Salihamidzic ra sân thi đấu 9 lần, nhưng tạo được ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ khi ở lượt đấu cuối cùng của mùa giải, khi đội nhà cần một chiến thắng để đoạt chiếc vé dự UEFA Cup mùa sau, tiền vệ này đã có màn trình diễn không thể tuyệt vời hơn với 2 bàn thắng, cùng 2 pha kiến tạo trong chiến thắng 4-1 trước Eintracht Frankfurt. Một ngày sau trận đấu, Salihamidzic trở thành khách mời danh dự trên show truyền hình của đài ARD, trong đó, đài truyền hình bí mật thiết lập một cầu truyền hình đến tận gia đình anh ở quê hương. Salihamidzic đã khóc như trẻ thơ khi những hình ảnh của gia đình được chiếu trên màn hình, nhưng khi được cho biết những người thân cũng đang theo dõi trực tuyến mình, anh lập tức nín khóc.

2019950_w2

Đi vào lịch sử với vai trò là cầu thủ ghi bàn đầu tiên cho đội tuyển bóng đá của quốc gia Bosnia-Hercegovina độc lập, Hasan Salihamidzic là đại diện tiêu biểu ưu tú nhất cho một thế hệ của quốc gia này vượt lên trên những tàn khốc của chiến tranh, tự định đoạt số phận và mang vinh quang về cho Tổ quốc.

KIM THIỀN

“Con trai tôi có ba ưu điểm: nỗ lực, tham vọng và cầu tiến. Nó có hai nhược điểm: quá tham vọng và không chấp nhận thất bại. Sau mỗi trận thua, nó tắt điện thoại vài ngày và không thèm nói chuyện với bất kỳ ai. Nhưng đó cũng có thể là một điều tốt, là lý do để nó thành công”

Admeh – cha của Hasan Salihamidzic

Cuộc bao vây Sarajevo kéo dài suốt 4 năm, với ước tính 10.000 người thiệt mạng, 56.000 người khác bị thương, trong đó có 15.000 trẻ em. Có khoảng 80.000 trẻ em trong thành phố, ít nhất 40% bị bắn bởi những tay súng bắn tỉa, 51% từng nhìn thấy người khác bị giết, 39% nhìn thấy một hoặc nhiều người thân thiệt mạng, 19% chứng kiến một cuộc thảm sát, 48% có nhà bị chiếm đóng, 73% có nhà bị tấn công hoặc phá hủy, 89% sống ở các hầm trú ẩn dưới lòng đất.

Báo cáo của UNICEF

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm