Người hâm mộ bóng đá thế giới đã có quãng thời gian dài như vô tận trong trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan tại VCK EURO 2020/2021. Đội trưởng ĐT Đan Mạch Christian Eriksen đột ngột gục xuống sân, nằm bất động. Bộ phận y tế ngay lập tức lao vào sân thực hiện các biện pháp hô hấp nhân tạo giữa "hàng rào" được thiết lập bởi các đồng đội Eriksen.
Điều tồi tệ đã không xảy ra! Nỗ lực của bộ phận y tế đã có hiệu quả. Eriksen đã tỉnh và vẫy tay như ra hiệu mình ổn với đồng đội và các CĐV trên sân khi anh được đưa ra xe cứu thương bằng cáng. Thông tin sau đó cho biết, Eriksen đã ở trong tình trạng ổn định.
Cầu thủ bóng đá đổ gục xuống sân trong lịch sử không hiếm. Fabrice Muamba từng bị trụy tim khi khoác áo Bolton gặp Tottenham tại FA Cup ngày 17/3/2012. Không giống Eriksen, Muamba thậm chí còn cận kề cửa tử hơn khi nỗ lực sơ cứu của nhân viên y tế không giúp anh tỉnh ngay lập tức. Muamba được đưa tới bệnh viện, và mặc dù tim của anh đã ngừng đập tới 78 phút như tiết lộ của các bác sỹ, Muamba được cứu sống.
Chứng kiến Eriksen bị rơi vào tình trạng như mình gần 10 năm trước, Muamba đã gửi tới đồng đội cũ lời chúc ngắn gọn "Cầu Chúa".
Tuy nhiên không phải ai cũng được cứu qua cơn nguy kịch như Eriksen hay Muamba.
Nhiều người chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến Marc-Vivien Foe, người qua đời khi còn chơi cho đội tuyển Cameroon ở tuổi 28, còn cựu hậu vệ đội tuyển Anh Ugo Ehiogu qua đời ở tuổi 44.
Nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Y học New England dựa vào dữ liệu của 11.168 cầu thủ trẻ ở Anh trong 2 thập kỷ chỉ ra rằng các bác sĩ phải có nhiệm vụ bảo vệ các cầu thủ.
Các bệnh liên quan đến tim mạch được coi như những kẻ giết người thầm lặng mà triệu chứng đầu tiên có thể là tim đột ngột ngừng đập.
Đây là lý do tại sao các CLB có chương trình sàng lọc cầu thủ học viện ở độ tuổi 16. Ở độ tuổi này, mức độ nguy hiểm cao hơn các vận động viên chuyên nghiệp do những căn bệnh tiềm ẩn liên quan đến tim.
Trước đây người ta đưa ra ước tính rằng, cứ trung bình 100.000 cầu thủ thì có gần 2 người mắc bệnh tim mạch, nhưng nghiên cứu mới nhất cho biết, con số này cao hơn, với 7 trường hợp trong 100.000 cầu thủ.
Giáo sư tim mạch Sanjay Sharma, người đứng đầu cuộc nghiên cứu tại Đại học St George's của London cho biết: “Chúng ta cần phải thừa nhận thực tế là tỷ lệ tử vong cao hơn chúng ta tưởng, mặc dù chúng vẫn rất hiếm”.
Trong 20 năm sàng lọc, 42 tài năng triển vọng của các học viện bóng đá đã được phát hiện có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Trải qua quá trình điều trị - bao gồm phẫu thuật và thuốc trợ tim - thì 30 cầu thủ có thể tiếp tục sự nghiệp của mình. Những người còn lại được khuyên ngừng chơi các môn thể thao đối kháng.
Trong số 8 cầu thủ đã chết trong quá trình nghiên cứu, 6 người được chẩn đoán có vấn đề về tim do kết quả kiểm tra. Điều đó có nghĩa, quá trình sàng lọc ở CLB không hoàn toàn loại bỏ được nguy cơ.
Giáo sư Sharma cho biết, Liên đoàn bóng đá Anh đã yêu cầu phải sàng lọc bổ sung ở lứa tuổi 18, 20 và 25.
Theo ông, việc xác định vấn đề về tim để chữa trị là tương đối khó đối với các cầu thủ trẻ bởi quyết định phải được sự đồng thuận giữa cầu thủ, cha mẹ và CLB chủ quản.
“Chúng tôi phải trung thực mà nói rằng, cầu thủ có nguy cơ đột quỵ và tỷ lệ tử vong thấp nhưng không thể đoán trước được điều gì”, ông Sharma nói.
Bác sĩ của Crystal Palace, Zaf Iqbal thì đề nghị: “Trong mỗi trận đấu ở Premier League, luôn phải có một bác sĩ trên băng ghế dự bị, 2 nhân viên y tế và trang thiết bị bắt buộc. So với 10 năm trước, tôi nghĩ các cầu thủ được bảo vệ tốt hơn”.
Liên đoàn bóng đá Anh cho biết, họ có một trong những chương trình kiểm tra tim toàn diện nhất trong thể thao và đào tạo khẩn cấp cho các đội y tế tại CLB chuyên nghiệp.