Cho đến bây giờ vẫn vậy. Song nếu nhìn vào những thương vụ bom tấn trên thị trường chuyển nhượng được người Trung Quốc kích nổ thời gian qua, sự chuyển giao quyền lực bóng đá, từ Tây sang Viễn Đông, được tin sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Vì bóng đá cũng như hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, những đồng tiền có tiếng nói to nhất.
Tiền giải thích vì sao Ramires, một cầu thủ từng vô địch Premier League, Champions League, FA Cup, League Cup với Chelsea quyết định gia nhập Jiangsu Suning - đội bóng xếp thứ 9 tại China Super League (CSL - giải đấu cao nhất Trung Quốc). CSL vẫn bị coi là vùng trũng của bản đồ bóng đá thế giới. Nhưng hề gì, bởi tới đây tiền vệ người Brazil nhận mức lương gấp đôi ở Stamford Bridge.
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc là một người hâm mộ bóng đá. Ông gần đây thổ lộ 3 điều ước liên quan đến bóng đá nước nhà: Đầu tiên, giành quyền tham dự World Cup; thứ hai, giành quyền đăng cai World Cup; cuối cùng, vô địch World Cup. Và sau tấm ảnh selfie với Sergio Aguero trong chuyến đi tới nước Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình, những câu chuyện như thương vụ Ramires đang ngày càng quen thuộc như một bước trong tham vọng biến điều ước của ông Tập Cận Bình thành sự thật.
Dẫu vẫn có cảm giác hệt như chuyện đùa khi nghe về những điều ước của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, rõ ràng bóng đá châu Âu có lý do để mà lo sẽ đánh mất uy quyền vào tay các CLB Trung Quốc khi họ đang trở thành điểm hút các ngôi sao nhờ chiến thuật “sóng tiền”. Đó là viễn cảnh hiển hiện trước mắt.
Khi đồng tiền lên tiếng, nó luôn lấn át phần còn lại. Như câu chuyện bầu Đức từng nói thẳng toẹt, rằng “sa thải HLV Miura đi, tôi sẵn sàng chi để mời HLV giỏi hơn. Nếu VFF không đủ tiền cho đội tuyển đi tập huấn nước ngoài, tôi lo!”. Không ai trong VFF phản ứng lời của ông Đức bất chấp nó trái với phép tắc vì ông Đức nói trong tư cách một quan chức VFF.
Cuộc chơi bao giờ cũng vậy, người có tiền luôn nói to hơn.