Dân đi Phượt không chỉ gặp nhiều rủi ro vì xe cộ mà còn có thể gặp phải những vấn đề yêu cầu khả năng tự vệ. Nhưng người đi phượt nên tự vệ thế nào cho đúng?
Bất cứ người đi phượt nghiêm túc nào cũng tự trang bị kiến thức y tế, sửa chữa xe máy... nhưng liệu đã có bao nhiêu người nhận ra rằng họ có thể phải đối mặt với bạo lực trong rất nhiều trường hợp, từ va quẹt xe cộ, nạn xin đểu dọc đường hay dính phải côn đồ ở các quán "cơm tù" chặt chém?
Đừng đụng tới con dao!
Hầu hết người đi phượt đều có mang theo dao để cắm trại, nấu nướng và cho rằng đây là công cụ hiệu quả để tự vệ. Có người còn mang theo các loại dao găm quân dụng vì sở thích và chất lượng
Thực tế thì ngược lại. Những con dao (dù bình thường hoặc dao găm) hay những vật nhọn như tua vít đều có thể dẫn tới án mạng dù chỉ bằng một cú đâm ẩu lúc hoảng loạn.
Nhiều người đi phượt thường mang theo dao găm quân dụng vì tính đa năng và chất lượng.
Cũng đừng nghĩ rằng bạn có thể đem dao ra "hù" rồi êm chuyện. May mắn rằng chưa có sự việc nào quan trọng xảy ra trong giới đi phượt, nhưng lượn một vòng báo đài, không khó để tìm thấy một vụ đâm chết người chỉ vì cãi nhau và tay đang cầm sẵn dao.
Bảo hộ đầy đủ
Lợi thế của người đi phượt là có đồ bảo hộ tốt. Một võ sĩ Muay không thể mang bảo hộ đi đường nhưng người đi phượt có thể mang bảo hộ ống chân, cùi chỏ, găng tay với gù bảo hộ, mũ bảo hiểm kín đầu (full face) chạy xe cả ngày.
Tập Boxing rồi bạn sẽ hiểu, không gì thiệt thòi hơn là việc phải để đầu trần và đấm nhau với một người đội mũ bảo hộ đâu.
Bảo hộ cẩn thận không chỉ giúp bạn giảm bớt chấn thương tai nạn giao thông mà còn tự vệ tốt hơn.
Hãy cố gắng bảo hộ bản thân đầy đủ, vừa để an toàn khi tham gia giao thông, vừa để tự vệ trước những tay lái ham bạo lực hoặc côn đồ dọc đường.
Tập một môn võ đối kháng thể thao
Nghe có vẻ thiên vị, nhưng thực sự các môn đối kháng "thể thao" như Boxing, Muay Thái, Jiujitsu... lại giúp bạn học tự vệ nhanh và hiệu quả hơn vì nó đặt bạn vào tình huống và áp lực nguy hiểm thực sự.
Mặt khác, các môn võ đối kháng rất chú trọng thể lực và khiến bạn làm quen với việc tìm cách "sống sót" trước đối thủ kể cả khi đã đuối sức. Đó cũng chính là tình huống tự vệ thực tế thường xảy ra với những tay lái đường dài.
Đừng "độc hành" khi không đủ bản lĩnh
Nhiều người đi phượt thích độc hành (đi một mình) vì cảm thấy thoải mái, tự do hơn. Tuy vậy, đây không phải là lựa chọn hay cho người mới đi phượt.
Bản lĩnh chưa "cứng", đừng thử độc hành.
Độc hành không chỉ đem lại những rủi ro khi bạn phải một mình đối mặt với tai nạn, bệnh tật dọc đường mà còn khiến bạn trở thành "con mồi" ngon mắt đối với cướp, côn đồ hay nạn xin đểu. Bạn cũng dễ bị bắt nạt hơn nếu như xảy ra va quẹt và đối phương không muốn giải quyết vấn đề bằng phương án hòa bình.