Từ sự xuất hiện của tiền đạo số “8 rưỡi” cho đến sự trở lại của bóng dài. Báo cáo kỹ thuật của UEFA về kỳ EURO vừa qua cho chúng ta thấy xu hướng chiến thuật mới của bóng đá đương đại.
Những HLV hay chuyên gia bóng đá là Sir Alex Ferguson, David Moyes và Gareth Southgate đã giúp UEFA hoàn tất bản báo cáo kỹ thuật của vòng chung kết EURO 2016. Sau đây là những điểm đáng chú ý mà nghiên cứu này chỉ ra cho thấy sự thay đổi trong chiến thuật của môn thể thao Vua.
18 trong tổng số 24 đội tham dự VCK EURO 2016 chỉ tung ra sân duy nhất một tiền đạo. Thậm chí Đức còn nhiều trận không sử dụng trung phong nào.
Bồ Đào Nha là đội hiếm hoi sử dụng 2 chân sút ở phía trên nhưng thành công của tân vương châu Âu không đến từ sự phối hợp giữa bộ đôi tấn công đó. Việc các tiền đạo ghi ít bàn ở vòng bảng cho thấy vai trò mới của họ trong bóng đá hiện đại.
Trên đất Pháp, những cầu thủ chơi cao nhất được yêu cầu gây sức ép và kết nối với các đồng đội hơn là tự xoay sở để ghi bàn. Đa số các bàn mở tỷ số đều đến từ những quả tạt hay sút xa. Trong khi chỉ có 7 bàn được ghi sau 36 trận vòng bảng là do phối hợp.
Leicester đã đăng quang thần kỳ ở Premier League nhờ những pha phản công chớp nhoáng. Nhưng vũ khí này không còn lợi hại như ở 2 kỳ EURO gần đây.
Tại EURO 2008, 46% các bàn mở tỷ số được ghi trước khi hiệp 1 kết thúc. Nhưng tại EURO 2012 và 2016, chỉ số này giảm còn 23%.
Tại Pháp, đa số những bàn thắng được ghi nhờ phản công thường đến rất muộn vì 2 đội đều “sợ” nhau và chỉ dồn lên vào cuối trận khi bắt buộc phải vậy. Rốt cục, chỉ có 3 bàn mở tỷ số đến từ các tình huống phản công.
Nhiều đội cố tình tạo ra khoảng trống nhưng đối thủ của họ vẫn không sẵn sàng lao lên. Bản báo cáo của UEFA ghi: “Tối thiểu hóa rủi ro” là xu hướng chung của các đội tuyển.
Tại EURO 2012, các đội bóng lớn hiếm khi sử dụng lối chơi bóng dài. Nếu phải chuyền dài thì họ cũng chỉ thực hiện ít hơn 10% tổng số đường chuyền. Nhưng 4 năm sau, không đội tuyển nào chuyền dài ít hơn 10% (Tây Ban Nha 10%, Pháp 11% và Đức, Anh đều 12%).
Italia: 15% (tổng số đường chuyền)
Bỉ: 14%
Bồ Đào Nha: 13%
Anh, Đức: 12%
Pháp: 11%
Tây Ban Nha: 10%
Dẫn chứng rõ nét nhất là trận đấu giữa Ý và Tây Ban Nha. Khi phải đối mặt với sức ép từ các học trò của Antonio Conte, De Gea thực hiện tới 19 đường chuyền dài. Cả 3 trận ở vòng bảng, thủ thành này chỉ 20 lần chuyền bóng như thế.
Đức thì lạm dụng những đường phất bóng vượt tuyến ra cánh để các cầu thủ tấn công có thể nhanh chóng tiếp cận vòng cấm địa đối phương.
Nên nhớ Tây Ban Nha có nhiều năm được xây dựng lối chơi xung quanh việc sở hữu bóng vượt trội như Barca hay Bayern của Pep Guardiola. “Nhưng việc hậu vệ đối phương chơi thấp khiến các đội tuyển phải trở lại với phương án tấn công trực diện này” – trích báo cáo của UEFA.
Sơ đồ 4-2-3-1 được ưu thích nhất kỳ EURO vừa qua khi có 10/24 đội tuyển sử dụng – giống với tại Ba Lan và Ukraina cách đây bốn năm. Khi ấy giải đấu chỉ có 16 đội thì bảy đội tuyển đá 4-2-3-1, năm đội đá 4-3-3, bốn đội đá 4-4-2 và duy nhất Ý chơi 3-5-2.
Tuy nhiên mùa Hè tại Pháp sơ đồ 4-5-1 trở nên linh hoạt hơn rất nhiều. Albania và Bắc Ireland lúc đầu áp dụng sơ đồ này nhưng sau đó lại chuyển thành 3-5-2. Xứ Wales đá 3-4-3 để Ramsey và Bale hỗ trợ trung phong.
CH Ireland thi triển sơ đồ 4-1-4-1 trước Iceland rồi lại 4-4-2 trước Thụy Điển. Dù 4-5-1 được ưa thích nhưng các HLV phải thay đổi cách tiếp cận cũng như mục tiêu đề cho phù hợp với những đối thủ mới.
Một giải pháp để đối phó với các hàng phòng ngự lùi sâu là lật cánh. Tại EURO 2012, trung bình một trận có 26,1 quả tạt bóng. Con số này ở Pháp nhảy vọt lên 40,76, tăng 56%.
Đây cũng là xu hướng ở Champions League khi mùa trước số bàn thắng đến từ những quả tạt tăng 24% còn 35% các bàn mở tỷ số tại giải đấu này cũng đến từ lật bóng ngoài vòng cấm.
Tân vương Bồ Đào Nha cũng là đội tuyển "vô địch" ở khoản tạt bóng. Cả giải họ lật cánh 204 lần, trung bình 29 quả tạt/trận. Xếp thứ 2 là ĐT Đức (179-29,8), Pháp (174-25), Bỉ (143-28,6).