1. Chỉ ít ngày sau khi Jose Mourinho chua chát thừa nhận bị học trò phản bội để rồi phải bật bãi ở Chelsea, đến lượt chiến lược gia danh tiếng khác - Louis van Gaal đối mặt nguy cơ bị chính các học trò lật úp cái ghế HLV trưởng vốn đang xập xệ. Hai tuần trước Van Gaal vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm từ BLĐ Man Utd, sau thất bại ở Champions League. Nhưng giờ Louis van Gaal chưa chắc có thêm 2 trận để chứng tỏ năng lực và đặc biệt, tương lai của ông có thể chẳng do lá phiếu nào từ các thành viên BLĐ Man Utd phán quyết mà nó nằm ở đôi chân của các học trò mà cụ thể là ở “một đám cầu thủ đang muốn ông thầy của họ… biến khỏi Old Trafford càng sớm càng tốt” - như báo giới Anh hé lộ.
Hãy khoan đoán già đoán non xem “bè lũ áo Đỏ” gồm những ai. Bởi nếu Van Gaal bị sa thải sau một kết quả tiêu cực nữa và ai đó lên thay - Jose Mourinho chẳng hạn - thì sớm hay muộn CĐV Man Utd cũng réo tên những kẻ đó ra chửi rủa giống như NHM Chelsea vừa làm ở trận thắng Sunderland. Nhưng nói gì thì nói, điều đó vẫn chẳng thay đổi được gì, thậm chí chẳng giúp ít nhiều CĐV vơi đi nỗi bức xúc. Còn nếu Man Utd gục ngã trước Stoke City vào 26/12 này, Van Gaal chắc chắn sẽ nhận hộp quà tồi tệ nhất, với cái trát sa thải bên trong đó, trong ngày Boxing Day.
2. Tất nhiên, nếu thua Stoke thì đấy sẽ lại là một trận đấu… dở hơi của đám cầu thủ Man Utd, đặc biệt là các trụ cột, những ngôi sao nhẽ ra phải cho thấy tầm quan trọng, bản lĩnh, ngọn lửa chiến đấu cùng quyết tâm gồng lên đưa đội bóng vượt qua khó khăn. Sau cùng, điều người ta ức chế và muốn chất vấn nhiều hơn, đấy là với “bè lũ nổi loạn”, nếu mỗi tuần họ bỏ túi hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm nghìn bảng tiền lương và ngày càng hợm hĩnh trong việc đàm phán hợp đồng, liệu quyền lực của họ còn bành trướng đến đâu nếu ngay cả tương lai của HLV đội bóng cũng nằm trong những đôi chân thích đá hay thì đá mà thích đá dở để… đá bay ghế HLV cũng được?
Còn nhớ, thống kê gần nhất liên quan đến chuyện lương bổng tại Premier League (09/2014) chỉ ra rằng, lương bình quân của mỗi cầu thủ tại giải Ngoại hạng thuộc mức cao nhất thế giới, xấp xỉ 2,3 triệu bảng/năm, tức 43.717 bảng/tuần. Mức này nhiều hơn 60% so với mức mà các đồng nghiệp đang hưởng ở Bundesliga (1,46 triệu bảng/năm) và bỏ xa các cầu thủ đang chơi bóng tại Serie A (1,3), La Liga (1,2) hay Ligue 1 (0,99). Đãi ngộ tốt là thế, dự kiến với bản hợp đồng BQTH trong 3 mùa tới tăng lên trên 5 tỷ bảng/mùa, lương các cầu thủ tại giải Ngoại hạng có thể còn tăng gấp rưỡi hoặc thậm chí gấp đôi. Rõ ràng, chơi bóng tại Premier League giờ toàn là… triệu phú. Nhưng lương cao, thưởng lớn, sự trọng vọng, quyền lực trong việc quyết định tương lai của chính mình xem ra vẫn chưa làm thỏa mãn một bộ phận không nhỏ, chủ yếu là những ngôi sao. Mà giờ họ còn muốn được tự quyết sẽ chơi bóng thế nào, ra sân với thái độ ra sao và đặc biệt các HLV cũng phải làm cho “đám sao” này thấy hài lòng. Nếu không, hậu quả sẽ là thành tích đội bóng sa sút và mọi tội vạ trút lên đầu ai thì tất cả đều đã thấy. Hẳn mọi người vẫn còn nhớ Jose Mourinho chua chát thừa nhận ông bị phản bội vì “nhiều cầu thủ trên sân tập thực hiện đúng chỉ đạo nhưng ra sân lại… đá khác hẳn”. Giờ có lẽ người ta cũng phải đặt nghi vấn liệu có hay không chuyện “trên bảo dưới không nghe” ở Man Utd. Và tại Premier League nói riêng và nhìn rộng hơn một chút, trong 5 giải hàng đầu châu Âu, còn những CLB nào mà ở đó những ngôi sao đang át cả tiếng của HLV.
3. Dễ thấy, trong tình cảnh bấp bênh như Louis van Gaal đó là Rafa Benitez tại Real Madrid, bất kể đội này vừa thắng Vallecano 10-2 tại La Liga. Ở đó, Benitez bị học trò gọi là “Số 10” sau lưng ông trong phòng thay đồ - nhằm chế giễu việc HLV này chưa từng chơi bóng đỉnh cao khi là cầu thủ. Tất nhiên, ở Old Trafford, đám sao và những công thần của Man Utd không dám “ì xèo” chế giễu sau lưng Van Gaal. Nhưng họ cũng chẳng ngại thể hiện sự phản đối ông thầy người Hà Lan bằng những màn trình diễn èo uột ở trên sân. Đó là sự thách thức, màn đáp trả, rằng: Một khi ông dùng kỷ luật thép, quát mắng chúng tôi trên sân tập, trong phòng thay đồ, thì chúng tôi sẵn sàng “chơi” lại khi thi đấu. Mà nếu trò có “hư” hay đá kém thì từ trên tầng cao khán đài, ông chủ đội bóng sẽ chỉ thấy mọi tội lỗi ở… trên đầu ông thầy.
Lịch sử bóng đá có lẽ chưa và sẽ càng không có trong môi trường bóng đá kim tiền hiện tại, đó là một đội bóng sẵn sàng đuổi cổ một loạt trụ cột, ngôi sao - những mầm mống nổi loạn - để giữ lại HLV. Thay vào đó, triết lý muôn thủa đấy là: Quân thua trảm tướng, bởi suy cho cùng, thay 1 người vẫn dễ hơn thay… nửa đội bóng. Thế khác nào quá đỗi nghiệt ngã với một HLV!
Khi Giggs át cả “Gaal”
Trong trận thua Norwich, Louis Van Gaal như mất hồn trên khu vực kỹ thuật. Trong khi đó, trợ lý Ryan Giggs đứng bên đường piste chỉ đạo chẳng khác nào HLV trưởng. Thực tế, Giggs từng được xem như người kế nhiệm Van Gaal trong tương lai. Tuy nhiên, người ta cũng từng thấy cảnh Van Gaal hét vào mặt và… bóp cổ Giggs (dù chỉ là hành động phấn khích khi đội nhà ghi bàn). Đó có thể là cách Van Gaal thể hiện quyền lực của “người đàn ông số 1” tại Man Utd. Nhưng giờ tiếng nói của Van Gaal ngày càng mất trọng lượng. Và khi ông chưa chắc trụ thêm 1 tuần nữa chứ đừng nói đến hết hợp đồng (06/2017), có lẽ Giggs là người quyền lực nhất trong phòng thay đồ và biết đâu cựu ngôi sao này chính là một phần nguyên nhân khiến đám ngôi sao bất mãn với ông thầy người Hà Lan.