Vẫn còn nỗi lo Hy Lạp
Trở lại một chút với câu chuyện về Hy Lạp. Ngày 13/7, cuối cùng thì Thủ tướng Alexis Tsipras đã phải chịu nhượng bộ trước những đòi hỏi của các chủ nợ và đồng ý áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy một gói cứu trợ, thứ sẽ giúp nước này tạm thời tránh khỏi mối đe dọa vỡ nợ (đang nợ Quỹ tiền tệ quốc tế 2 tỷ euro, sẽ phải thanh toán cho Ngân hàng Trung ương châu Âu thêm 4,2 tỷ euro nữa vào ngày 20/7) cũng như nguy cơ phải rời khỏi Eurozone. Nói như các nhà quan sát tại lục địa già thì các bên liên quan đã thể hiện thiện chí thương lượng, nhưng việc triển khai các giải pháp thắt chặt (bao gồm cắt giảm lương hưu, tăng thuế…) này không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt khi người Hy Lạp vừa bỏ phiếu chống lại việc thắt chặt chi tiêu trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 5/7.
Điều đó cũng có nghĩa là tương lai của Hy Lạp tại Eurozone vẫn chưa thật sự chắc chắn và đồng euro vẫn tiếp tục bị đánh giá thấp so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác. Dẫn chứng? Ngay cả khi Hy Lạp và EU đạt được thỏa thuận, tỷ giá GBP/EUR vẫn giậm chân tại chỗ ở mức 1.40, cao hơn 10% so với thời điểm đầu năm 2015 và 12% so với giữa năm 2014. Và như đã nói ở kỳ trước, một đồng GBP mạnh hơn sẽ giúp các đội bóng ở Premier League có được lợi thế về tài chính so với phần còn lại của châu Âu.
Lợi thế cho người giàu
Chẳng những tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể trong các vụ chuyển nhượng (ví dụ một cầu thủ có giá 50 triệu euro sẽ tương đương với 39 triệu bảng vào đầu năm 2015 nhưng chỉ còn tương đương với 35 triệu bảng vào lúc này), các CLB tại giải Ngoại hạng cũng sẽ không phải bỏ ra nhiều tiền như trước trong việc trả lương cho những tân binh đến từ châu Âu. Đơn cử, nếu một cầu thủ nào đó (đang nhận lương 100.000 euro/tuần) kỳ vọng được hưởng mức thu nhập tương đương 120.000 euro/tuần khi chuyển sang Anh thi đấu thì số tiền đó sẽ chỉ ngang bằng với 85.000 bảng/tuần vào tháng 7/2015 so với mức 94.000 bảng/tuần ở thời điểm đầu năm.
Nói cách khác, cùng một số tiền lương tính theo bảng (giả sử là 100.000 bảng) sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các cầu thủ đang thi đấu tại khu vực Eurozone, và sức hút của Premier League chắc chắn sẽ gia tăng so với các giải VĐQG lớn khác ở lục địa già. Vấn đề nằm ở chỗ, ngay cả khi chưa tính đến biến động tỷ giá GBP/EUR thì sức mạnh tài chính của Premier League đã đứng đầu châu Âu rồi và sự mất giá của EUR sẽ càng làm cho cán cân tiền bạc trong làng túc cầu lục địa già nghiêng về phía hòn đảo hình con thỏ.
Căn cứ báo cáo kiểm toán của Deloitte, Premier League đã kiếm được tổng cộng 3,9 tỷ euro quy đổi trong mùa giải 2013/14, trong đó có 2,1 tỷ đến từ truyền hình. Để so sánh, Bundesliga kiếm được 2,3 tỷ, La Liga là 1,9 tỷ, Serie A 1,7 tỷ và Ligue 1 đành phải hài lòng với 1,5 tỷ, trong đó không giải đấu nào thu được quá 860 triệu euro từ các nhà đài. Cách biệt về tài chính hứa hẹn sẽ còn tiếp tục được nới rộng trong thời gian tới, bởi bắt đầu từ năm 2016 thì bản hợp đồng truyền hình mới của Premier League (có giá trị lên đến 3 tỷ bảng, tương đương 4,2 tỷ euro/mùa, tăng khoảng 50% so với hiện tại) sẽ chính thức có hiệu lực. Thực ra ngay từ năm 2014 thì Premier League đã trở thành người mua hào phóng nhất trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ: họ đầu tư tổng cộng 1,17 tỷ USD vào việc tăng cường lực lượng, trong đó chi tiêu ròng 645 triệu USD và tham gia vào 9,6% số thương vụ chuyển nhượng trên toàn cầu (chỉ kém mỗi Brazil, 10,02%). Kể cả một giải đấu cỡ như La Liga cũng không thể tránh khỏi bị Premier League “hút máu”: trong năm 2014, đã có tổng cộng 62 cái tên nói lời chào từ biệt xứ sở đấu bò (nhiều nhất trong lịch sử La Liga) để chuyển sang chinh chiến tại xứ sở sương mù. Vậy thì nguồn thu nhập tăng thêm từ gói bản quyền truyền hình mới, cộng thêm hiệu ứng từ việc GBP tăng giá so với EUR, sẽ khiến tài năng trên khắp châu Âu chảy hết về nước Anh?
Thỏi nam châm Premier League
Câu trả lời là “đúng, nhưng không hoàn toàn”. Xét trên tổng thể quy mô của giải đấu thì đúng là Premier League sở hữu nguồn lực tài chính vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, nhưng xét riêng từng CLB thì Man City, Chelsea hay Man Utd lại không phải là quá giàu có so với Real, Barca, Bayern hay PSG. Các đội bóng này vẫn đủ sức chiêu mộ những siêu sao hàng đầu như Suarez, Neymar, James Rodriguez… và thực tế là trong 23 cầu thủ lọt vào danh sách đề cử sơ bộ cho danh hiệu QBV FIFA 2014 thì chỉ có 5 người (Diego Costa, Di Maria, Yaya Toure, Courtois, Hazard) đang chơi bóng ở Anh.
Cũng có nghĩa là nếu chia thị trường chuyển nhượng cầu thủ ra thành nhiều phân khúc thì Premier League không chiếm được ưu thế tại phân khúc “siêu sao” (nơi Real, Barca vẫn là điểm đến được ưa thích nhất), tuy nhiên với phân khúc “khá-giỏi” thì giải Ngoại hạng hứa hẹn sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút cầu thủ trong thời gian tới. Có thể Man Utd không giàu hơn Real và Chelsea không sở hữu sức mạnh tiền bạc như Barca, tuy nhiên một CLB tầm trung ở Premier League chắc chắn là dư dả hơn nhiều so với các đội bóng thuộc đẳng cấp tương tự ở La Liga hay Serie A.
Trong nhóm 40 CLB có doanh thu cao nhất thế giới thì có tới… 20 đội đến từ Premier League, và một CLB thuộc nửa dưới BXH Premier League như West Ham thậm chí còn giàu hơn cả Roma hay Lazio, hai đại diện của Italia tham dự Champions League mùa bóng tới. Dần dần, sẽ chỉ còn Real, Barca, Bayern, PSG hay có lẽ là Juventus đủ sức tham gia vào cuộc đua tiền bạc với các đội bóng Anh, và mặt bằng chung về trình độ cầu thủ ở Premier League gần như chắc chắn sẽ nhỉnh hơn phần còn lại trong nhóm “Big Five”. Đó chưa chắc đã là một kịch bản đáng mừng đối với nền bóng đá Anh nói chung (vì tỷ lệ ngoại binh tại giải Ngoại hạng sẽ tăng vọt), nhưng sẽ là một tin tốt cho Premier League trên con đường tìm lại vị thế ở đấu trường châu Âu…
QUANG HẢI