Lịch sử của những kỉ lục chuyển nhượng trong một thế kỉ

thứ năm 28-1-2016 17:05:30 +07:00 0 bình luận
Hơn 1 thế kỷ trôi qua chứng kiến hàng nghìn thương vụ chuyển nhượng cầu thủ trên khắp thế giới. Theo thời gian, các CLB ngày càng chịu chi hơn để quyết tâm mang về bằng được những cầu thủ giỏi, đôi khi với những mức giá điên rồ.

1893 – 1925: Sự khởi xướng của các CLB Anh

Cầu thủ đầu tiên được trao đổi giữa hai CLB là Willie Groves, tiền đạo người Scotland. Năm 1893, Groves chuyển từ West Brom tới Aston Villa với giá chỉ 100 bảng, mức giá khổng lồ ở thời điểm bấy giờ.

Đó là lần đầu tiên một đội bóng chiêu mộ thành công một cầu thủ từ CLB khác, tuy nhiên FA không cho phép điều này và Villa bị phạt tiền. Villa cũng chẳng lấy làm buồn bởi Willie Groves đã giúp CLB đoạt cúp vô địch quốc gia ở mùa giải tiếp theo.

Willie Groves.

Willie Groves.

Tới thế kỷ 20, kỉ lục chuyển nhượng bị phá vỡ bởi một cầu thủ Scotland khác, Andy McCombie. Hậu vệ phải được Newcastle mua từ Sunderland với giá 700 bảng. McCombie chơi cho Chích Chòe 6 năm và gia nhập ban lãnh đạo sau khi giải nghệ.

Tiền đạo người Anh Alf Common sau đó trở thành cầu thủ đầu tiên được mua với giá 1000 bảng khi rời Middlesbrough tới Sunderland. Chỉ có điều, Middlesbrough không mua Common để cạnh tranh danh hiệu mà để phục vụ cho cuộc chiến trụ hạng. Cuối cùng họ đã trụ hạng thành công.

1928 – 1951: Nhu cầu mua sắm ngày càng gia tăng

Năm 1928, Arsenal là CLB đầu tiên bỏ ra hàng chục nghìn bảng để mua cầu thủ - David Jack từ Bolton Wanderers. HLV Arsenal bấy giờ Herbert Chapman tận dụng cuộc khủng hoảng tài chính ở Bolton để mang về David Jack. Chapman đã quay BLĐ của Bolton như chong chóng và cuối cùng chỉ phải bỏ ra một khoản tiền ‘chấp nhận được’ là 10 890 bảng. Những nỗ lực thương thuyết của ông đã được đền đáp khi Jack giúp Arsenal lần đầu tiên vô địch nước Anh mùa 1930-1931. Tiền đạo này ghi hơn 100 bàn cho Arsenal trước khi treo giày vào năm 1934.

David Jack.

David Jack.

Thời điểm đó, bóng đá bắt đầu lan tỏa và phát triển mạnh trên khắp thế giới đặc biệt là Nam Mỹ. Ở Argentina, Bernabe Ferreyra là một trong những ngôi sao bóng đá đầu tiên của quốc gia này. Việc mua được tiền đạo này từ Club Atletico Tigre là thành công rất lớn của River Plate khi Ferreyra giúp họ đoạt 3 chức vô địch quốc nội. Ferreyra giữ kỉ lục chuyển nhượng trong 17 năm trước khi Johnny Morris và Eddie Quigley phá vỡ nó vào năm 1949.

Năm 1950, các CLB trở nên bạo chi hơn (cùng với lạm phát) khi các giải bóng đá sôi động trở lại sau Thế chiến II. Trevor Ford thiết lục kỉ lục mới khi được bán với giá 30.000 bảng.

1952 - 1973: Ý và Tây Ban Nha gia nhập cuộc đua

Khoảng thời gian từ 1950 đến 1970 đánh dấu sự trỗi dậy của các CLB Ý và TBN. Real Madrid liên tục thu về các loại cúp châu Âu, còn ở Serie A, có tới 7 đội bóng thay nhau vô địch qua các mùa giải.

Hans ‘Hasse’ Jeppson, tiền đạo người Thụy Điển, là người đầu tiên được bán với giá hơn 50.000 bảng. Thương vụ này tốn tổng cộng khoảng 105 triệu lira (tiền tệ cũ của Ý) – khoản tiền khiến Jeppson được mệnh danh là “nhà băng của xứ Naples”.

Hans 'Hasse' Jeppson.

Hans 'Hasse' Jeppson.

AC Milan và Juventus trong nhiều năm sau đó thay nhau xô đổ kỉ lục chuyển nhượng cho tới khi Inter Milan chơi cú tất tay khi mua Luis Suarez từ Barcelona với giá 100.000 bảng – một mức giá trên trời. Trong lúc Barca vẫn mải mê đếm tiền, Inter mang về 3 chức vô địch Serie A và 2 cúp châu Âu liên tiếp.

12 năm sau, Barcelona tiếp cận ngưỡng 1 triệu bảng khi họ chi 922.000 bảng để mua Johan Cruyff từ Ajax. Khi đó, Cruyff vừa giành được 3 cúp châu Âu liên tiếp với Ajax. Ông mang theo triết lí bóng đá tấn công đặc trưng của Hà Lan tới TBN và đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng đội bóng xứ Catalan. Giờ đây Barca đã trở thành CLB thành công nhất trên thế giới.  

1975-1997: Những CLB triệu phú

Năm 1975, Napoli chi 1,2 triệu bảng để mua tiền đạo người Ý Giuseppe Savoldi. Dù không thể giúp CLB vô địch Serie A, Savoldi vẫn đưa Napoli giành Coppa Italia và League Cup. Kỉ lục chuyền nhượng tiếp tục bị xô đổ khi Paolo Rossi chuyển đến Vicenza và đến năm 1982, đến lượt một tiền đạo người Argentina làm được điều này. Đó là Diego Maradona.

Diego Maradona.

Diego Maradona.

Maradona phá vỡ kỉ lục chuyển nhượng tới 2 lần, vào năm 1982 và 1984. Ông nhanh chóng hòa nhập với bóng đá châu Âu khi được Barcelona mua về và bắt đầu tỏa sáng trong màu áo Napoli. Trong 7 mùa giải ở Serie A, Maradona ghi tổng cộng 115 bàn cho đội bóng xứ Naples trên các mặt trận.

Những năm 80 và 90, các CLB Italia rất mạnh dạn mua sắm, giúp cho Serie A trở thành giải đấu hấp dẫn nhất trên thế giới. Mọi ngôi sao đều muốn chuyển đến chơi cho một CLB Ý với hi vọng được chứng tỏ bản thân ở giải đấu chất lượng nhất hành tinh.

Huyển thoại Roberto Baggio tới Juventus với giá 8 triệu bảng trước khi tiền đạo người Pháp Jean-Pierre Papin vượt lên với giá 10 triệu bảng. Ở Anh, Newcastle tiêu 15 triệu bảng để mang về Alan Shearer năm 1996 và sau đó Shearer trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh (260 bàn).

1998-2013: Real Madrid nắm trùm

Bước vào kỉ nguyên mới, Real Madrid không có đối thủ trong việc phá vỡ kỉ lục chuyển nhượng và thậm chí họ còn làm điều đó một cách đều đặn. Mọi chuyện bắt đầu khi Florentino Perez tiếp quản CLB vào năm 2000 và điều đầu tiên ông làm đó là đưa về Luis Figo từ Barcelona với giá 37 triệu bảng. Trong một trận siêu kinh điển, tiền vệ người Bồ Đào Nha đã đi quá giới hạn khi cố tình chọc tức các CĐV trên sân Nou Camp. Hậu quả là anh bị ném một cái thủ lợn vào người.

Một năm sau, Zinedine Zidane chuyển đến Real từ Juventus với mức phí kỉ lục 45,6 triệu bảng. Tiền vệ người Pháp đưa CLB Hoàng gia TBN tới chiếc cúp C1 thứ 9 với cú vô-lê lịch sử vào lưới Bayer Leverkusen.

Cristiano Ronaldo.

Cristiano Ronaldo.

Năm 2009, Real tiêu tổng cộng 136 triệu bảng cho thương vụ của Ricardo Kaka từ AC Milan và Cristiano Ronaldo từ Manchester United. Trong khi Kaka thất bại ở sân Bernabeu vì những chấn thương, Ronaldo đã thể hiện cho cả thế giới rằng không cầu thủ nào đủ sức vượt qua mức giá 80 triệu bảng của anh.

Màn trình diễn bùng nổ của Ronaldo giúp Real Madrid đoạt La Decima khi anh ghi tới 17 bàn ở Champions League mùa đó. Anh trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Real với 338 bàn thắng tính tới năm 2015, một trong 5 kỉ lục của Ronaldo mà phải rất lâu nữa mới có người đủ sức chinh phục.

Năm 2013, chủ tịch Tottenham Hotspurs Daniel Levy chứng minh mình là một nhà kinh doanh tài giỏi khi bán Gareth Bale với mức giá kỉ lục 86 triệu bảng. Bale sau đó đã chứng tỏ giá trị với chức vô địch Copa del Rey và Champions League.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm