Michel Platini & Sepp Blatter: Từ đồng minh đến tử địch

thứ năm 4-2-2016 15:37:47 +07:00 0 bình luận
Ngày 2/6/2015, trong căn phòng tuyệt đẹp với tầm nhìn nghẹt thở 360 độ ra hồ Leman ở Lausanne, Michel Platini ung dung theo dõi buổi truyền hình trực tiếp của FIFA. Ở Zurich cách đó hơn 200km, Sepp Blatter vừa xuất hiện với gương mặt mệt mỏi, thông báo ông sẽ từ chức Chủ tịch FIFA. Chỉ 3 ngày sau khi tái cử.

Khi đó là cuối buổi chiều và trên thực tế thì từ sáng, tất cả Chủ tịch các liên đoàn châu lục đã nhận được tin nhắn của Blatter về việc ông sẽ ra đi. Nhưng Platini thì không. “Lâu rồi ông ấy không gọi tôi. May là tôi đã cài ứng dụng báo tin “FIFA” trên điện thoại nên cũng biết mọi chuyện” - Platini cười nói với một người bạn trong phòng.

2onggia

Chính xác hơn, Platini chỉ lâu không chuyện trò với Blatter trên điện thoại còn ở ngoài đời, cách đó đúng 3 hôm, cả hai vừa chạm mặt nhau trong một tình huống gay cấn ngay tại Zurich. Đó là 29/5/2015, ngày mà Sepp Blatter, giữa cơn bão tố pháp lý đổ xuống đầu FIFA, vẫn được bầu tái cử Chủ tịch nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp. Chỉ một ngày trước đó, FBI và cảnh sát Thụy Sỹ đã lần lượt bắt giam 7 thành viên cao cấp FIFA, đẩy tổ chức này vào thời khắc tồi tệ nhất trong lịch sử. Đó cũng là ngày Platini chính thức cắt đứt mối quan hệ đồng minh hơn 2 thập kỷ với Blatter khi kêu gọi vị Chủ tịch 79 tuổi này ra đi.

Nhưng Blatter không chỉ không ra đi, mà còn chiến thắng. Giữa khán phòng khổng lồ Hallenstadion ở Zurich, Blatter bước vào trong tiếng hoan hô vang dội. Blatter bước đến, ôm hôn, bắt chặt tay từng người một trong số 23 thành viên Ban chấp hành FIFA. Tất cả nín thở chờ đợi giây phút Blatter đứng trước Platini. Mọi ống kính camera đều chĩa vào đó. Sau nhiều năm trời chung chiến tuyến, rồi chiến tranh lạnh và giờ đã nổ súng vào nhau, không ai đoán được 2 con người quyền lực nhất của FIFA và UEFA sẽ phản ứng thế nào. Trái với mọi chờ đợi, cả hai ôm nhau, nắm tay cười nói thắm thiết, như thể giữa họ không có gì ngoài tình bạn.

Daniel Cohn-Bendit, một chính trị gia và trí thức nổi tiếng ở Pháp và là bạn thân lâu năm của Michel Platini, nhận xét: “Thực sự tôi không hiểu được. Bọn họ cười cợt như thể hai chàng trai vừa giã nhau tơi bời trên sân nhưng rồi bỏ hết mọi thứ sau lưng sau tiếng còi chung cuộc. Nhưng đây đâu phải chỉ là câu chuyện thể thao, mà còn là chuyện tham nhũng, là những âm mưu mờ ám”. Khi được hỏi, lúc cả hai tay bắt mặt mừng như thế, ông đã nói gì vào tai Blatter, Platini cười mỉm: “Tôi chỉ nhắc lại cho ông ấy khẩu hiệu của FIFA là ‘Handshake for Peace’ - Bắt tay vì hòa bình”. Một câu trả lời lột tả bộ mặt lạnh lùng và đầy xảo thuật của Platoche, một con người có tài năng chính trị thiên bẩm và đầu óc chiến thuật bậc thầy trong cuộc chơi quyền lực.

Nhưng, để nhìn rõ hơn những gì đã đưa Platini đi từ những đỉnh cao cầu thủ - đỉnh cao HLV - đỉnh cao quan chức cho đến bây giờ, khi đang ở đáy của sự nghiệp và có nguy cơ mất tất cả, cần phải nhìn nhiều hơn vào hành trình đưa nhau đi lên đỉnh cao và giờ đây, dìm nhau xuống đáy giữa Michel Platini và Sepp Blatter, hai nhân vật quyền lực nhất bóng đá thế giới hơn 1 thập kỷ qua.

“Hiệp ước Singapore”

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1987. Tháng 11 năm đó, FIFA tổ chức lễ bốc thăm vòng loại World Cup 1990 và vị Tổng thư ký trẻ tuổi còn ít tiếng tăm Sepp Blatter được Joao Havelange giao trọng trách đạo diễn. Để xóa bỏ sự nhạt nhẽo và đơn điệu quen thuộc, Blatter lần đầu nảy ra ý tưởng biến lễ bốc thăm thành một buổi trình diễn show-biz. Các ngôi sao điện ảnh, nổi bật là Ornella Muti, góp mặt. Có cả Pele, đương nhiên. Và có Michel Platini, vừa giải nghệ nhưng chỉ mới 32 tuổi, tên tuổi lừng danh và đại diện cho cái đẹp lãng mạn của bóng đá phía bên dãy Alps. Cả hai gặp nhau và nhanh chóng bắt sóng. Blatter vốn luôn ngưỡng mộ các cầu thủ lớn, lại tài hoa như Platini còn Platini, khi đó vừa treo giày, luôn có cảm tình với các nhà quản lý năng động như người đàn ông Thụy Sỹ.

Chịu ảnh hưởng lớn của hai người thầy Jean-Luc Lagardere, một tài phiệt trong ngành công nghiệp và báo chí Pháp, và Giovanni Agnelli, cựu Chủ tịch Fiat và CLB Juventus, Platini hiểu rằng muốn đi lên trên con đường quyền lực, cần phải nắm bắt mối quan hệ với những nhân vật như Sepp Blatter. Cả hai dễ dàng thiết lập quan hệ đồng minh. Nhưng rồi nhanh chóng đến lúc phải phân chia quyền lực. Sau 24 năm cai trị FIFA, bố già Joao Havelange quyết định sẽ về hưu năm 1998. Là cánh tay phải của Havelange, Sepp Blatter đương nhiên là một ƯCV sáng giá. Nhưng còn Lennart Johansson, khi đó là Chủ tịch UEFA. Và còn Michel Platini đang như ngôi sao sáng trên bầu trời với cương vị đồng Chủ tịch Ủy ban tổ chức World Cup tại Pháp.

Thời khắc của Hiệp ước cũng đến. Tại “Football Expo 98” ở Singapore, Blatter và Platini bí mật gặp nhau trong phòng riêng của Blatter và đồng ý phân vai. “Khi Platini bước ra, tôi hỏi thế nào rồi và anh ta nhún vai ‘Rất tốt. Chúng tôi quyết định Sepp sẽ là Chủ tịch FIFA còn tôi là cố vấn kỹ thuật” - Leiblang kể.

Nhờ tên tuổi và uy tín của Platini trong giới bóng đá, Blatter nhanh chóng gom phiếu. Tháng 3/1998, Platini thậm chí còn bỏ tiền túi ra tổ chức họp báo kêu gọi tranh cử cho Blatter tại Paris. Tháng 6/1998, Blatter hạ gục Lennart Johansson với số phiếu 111-80. Công sức của Platini được đền đáp, ngay khi lên ngôi, Blatter giao cho Platini phụ trách phân chia khoản tiền khổng lồ của dự án “Goal” cho 207 liên đoàn thành viên. Đó là một công việc bằng vàng, vừa đầy quyền lực về tài chính, vừa quý báu về quan hệ và người như Platini nhanh chóng thuộc bài.

Nhìn cách thức Blatter điều hành và nắm quyền ở FIFA, Platini nhận ra công thức chiến thắng. Với cơ chế mỗi LĐ 1 lá phiếu, tiếng nói của một LĐ bé nhỏ như Lào hay Campuchia cũng có trọng lượng ngang Đức hay Anh và để lên nắm quyền, cần phải vuốt ve thế giới thứ 3 nghèo đói và dễ mua chuộc hơn là làm vừa lòng các LĐ giàu có, nhiều yêu sách. Platini đã làm đúng bài đó với UEFA năm 2007 và tống cổ ông già tham quyền cố vị Lennart Johansson về hưu. Đó là thời khắc rực rỡ với cả Platini lẫn Blatter, một trị vì liên đoàn châu lục giàu có nhất, một ngồi ở ngôi Vua toàn cầu.

Nhưng, đó cũng là thời khắc đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc chiến ngầm. Những người hiểu Platini đều biết tham vọng của “Platoche” không dừng ở đó. Sẽ có một ngày Platini phải lật đổ Blatter. Francois Manardo, phụ trách quan hệ báo chí của Platini, nhận định: “Michel Platini có bản năng của một con vật thông minh. Anh ấy ngửi thấy mọi việc, ngửi thấy người nào ra sao. Anh ấy ngửi được từng bước đi”. Philippe Piat, Chủ tịch FIFPro (Liên đoàn cầu thủ chuyên nghiệp) thì cho rằng Blatter đã tính sai nước cờ: “Blatter đã rất sai lầm khi giúp Platini hạ cánh xuống UEFA bởi Platini mạnh hơn Johansson rất nhiều”.

Chỉ có điều, Blatter cũng không cai trị bóng đá thế giới mấy chục năm trời chỉ nhờ may mắn. Nếu Platini là một chiến thuật gia xuất sắc thì Blatter là một bố già lão luyện. Blatter không bao giờ quên đường lùi. “Cái bẫy” đã được cài sẵn từ vài năm trước. Một khoản tiền 2 triệu franc Thụy Sỹ với ghi chú “trả công cho thời gian làm việc của Platini từ 1999-2002” với các tình tiết bất minh đủ để phá hỏng ván cờ của huyền thoại người Pháp. Blatter không chấp nhận chết một mình. Sau màn nổ súng công khai trong Đại hội FIFA cuối tháng 5/2015 tại Zurich, Blatter quay lại phản công. Chi tiết hé lộ về khoản tiền 2 triệu franc đóng sập cánh cửa tham vọng của Platini. Cuối tháng 12/2015, Ủy ban đạo đức FIFA treo Platini 8 năm không được tham gia bóng đá (cùng Blatter) vì các cáo buộc “lạm dụng chức vụ”, “xung đột lợi ích”, “quản lý bất minh”. Vài tuần sau, Platini buộc phải tuyên bố từ bỏ vị trí ƯCV cho chức Chủ tịch FIFA và ngay cả việc có giữ được Ngai vàng ở UEFA hay không cũng là dấu hỏi. Ở tuổi 60, Platini có nguy cơ mất sạch sự nghiệp.

Với Blatter, đó có thể coi là một thắng lợi. Người đàn ông 79 tuổi này chưa hết đam mê quyền lực nhưng cũng hiểu rằng thời của mình đã hết. Ở tuổi đó, nghỉ ngơi cũng không phải là lựa chọn tồi. Càng không tồi chút nào khi được chứng kiến đồng minh thân thiết một thời, kẻ “đệ tử phản trắc” đang sống dở, chết dở trong cơn vẫy vùng quyền lực. Đó là sự kết thúc của một câu chuyện dài, theo cách mà cả hai đều không muốn nhất.

"Thực sự tôi không hiểu được. Bọn họ cười cợt như thể hai chàng trai vừa giã nhau tơi bời trên sân nhưng rồi bỏ hết mọi thứ sau lưng sau tiếng còi chung cuộc. Nhưng đây đâu phải chỉ là câu chuyện thể thao, mà còn là chuyện tham nhũng, là những âm mưu mờ ám”.

Daniel Cohn-Bendit

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm