Miroslav Klose: Cú santo và sự vĩ đại ẩn trong vẻ khiêm nhường

thứ năm 3-11-2016 12:46:07 +07:00 0 bình luận
“Có thể dùng được Klose. Kỹ thuật cậu ta rất tốt”, HLV huyền thoại Otto Rehhagel từng nhận định về Klose trong giai đoạn đầu sự nghiệp của tiền đạo này như vậy.

“Có thể dùng được Klose. Kỹ thuật cậu ta rất tốt”, HLV huyền thoại Otto Rehhagel từng nhận định về Miroslav Klose trong giai đoạn đầu sự nghiệp của tiền đạo này như vậy.

Nhưng để có được sự thừa nhận của “King Otto”, Klose đã phải trải qua hành trình khởi đầu sự nghiệp ngụp lặn đầy khó khăn, thậm chí còn bị đánh giá không có tố chất đá chuyên nghiệp. Trùng hợp là, cái cách Klose bước lên sân khấu bóng đá thế giới, đi vào ngôi nhà huyền thoại bóng đá Đức sau này cũng tương tự.

Con đường bóng đá chuyên nghiệp của Klose không đi theo công thức chung là đi từ tuyến trẻ lên dần. Năm 8 tuổi (1986), Klose theo cha mẹ rời Ba Lan chuyển sang Tây Đức sinh sống. Cha anh, một người gốc Đức, trước đó chơi cho CLB hạng 3 Ba Lan là Trzecia Liga, trong khi người mẹ Ba Lan của anh là tuyển thủ bóng chuyền, đã có 62 trận chơi cho ĐT bóng chuyền quốc gia Ba Lan.

Miroslav Klose: Cú santo và sự vĩ đại ẩn trong vẻ khiêm nhường
Klose khi còn nhỏ

Dù có cái nôi gia đình truyền thống và đam mê thể thao, nhưng trong thời gian đầu sang Tây Đức, Klose lại được định hướng sau này trở thành thợ mộc trong khi theo tập cùng đội bóng làng Blaubach-Dielekopf, nơi gia đình anh chọn để định cư.

Tuy nhiên, những buổi tập ở đội bóng hạng 7 trong hệ thống bóng đá Đức thời điểm đó không chỉ giúp Klose cải thiện kỹ năng chơi bóng mà gieo cho anh đam mê trái bóng tròn.

Miroslav Klose: Cú santo và sự vĩ đại ẩn trong vẻ khiêm nhường
Klose (vòng tròn đỏ) trong đội hình Blaubach-Diedelkopf năm 1994

Ở tuổi 16, Klose được cho thử vận may ở trường thể thao Edenbach trong tư cách một hiện tượng. Song dường như Chúa thử thách quyết tâm của Klose, anh bị gửi trả về “địa phương” ngay sau ngày đầu tiên tập thử. Nếu một tài năng bị từ chối ở độ tuổi đó, anh ta sẽ dễ rơi vào trạng thái chán nản và khó có thể tạo ra đột phá vào bóng đá chuyên nghiệp.

Klose, dù vậy, vẫn kiên trì ở lại Blaubach-Dielekopf trước khi chuyển tới FC Homburg năm 1998. Đội bóng hạng 3 ban đầu đăng ký Klose vào đội hình 2 (khi đó đang tham dự giải hạng 5) và sau một thời gian mới đôn anh lên đội một. Trớ trêu là, một trong những yếu tố đưa đến quyết định này của BLĐ CLB không phải vì Klose phát tiết tài năng, mà FC Homburg đang đối mặt với rắc rối tài chính và buộc họ phải đưa một số cầu thủ từ đội 2 lên.

Chỉ một năm sau, cơ hội đến với Klose. Trong một chuyến thăm bất ngờ các cộng đồng làng xã bị cô lập, đại diện Kaiserslautern phát hiện ra Klose và đưa anh về đội 2 của họ.

Trở lại năm 1999, bóng đá Đức chưa có nhiều đất cho các cầu thủ trẻ, và các cầu thủ của đội 2 hiếm khi được cất nhắc lên đội một. HLV đội 2 Kaiserslautern, Michael Dusek đã nhìn thấy điều gì đó đặc biệt trong Klose và ông không ngừng nghỉ nói đi nói lại với Otto Rehhagel – HLV đội một K’Lautern thời điểm đó - về việc mình đang có trong tay một tài năng. Sau cùng, King Otto cũng bị thuyết phục tới xem trực tiếp Klose chơi bóng, và rồi thừa nhận: “Cậu ta có thể dùng được. Kỹ thuật cậu ta rất tốt”.

Sau nhiều năm, kể từ lần bị trường thể thao Edenbach từ chối phũ phàng, Klose mới thấy ánh sáng trong sự nghiệp.

Miroslav Klose: Cú santo và sự vĩ đại ẩn trong vẻ khiêm nhường
Sau nhiều năm kiên trì, Klose cũng đã được khoác áo Kaiserslautern anh yêu mến

Klose có trận đầu tiên tại Bundesliga vào tháng 4/2000 và dưới thời Rehhagel, anh được bố trí đá tiền vệ. Khi Andres Brehme và Reinhard Stumpf được chọn thay thế King Otto, họ đã có quyết định, có lẽ sáng suốt nhất trong nghiệp HLV, đó là đẩy Klose lên đá tiền đạo - sau này khi chuyển sang Bremen, dưới sự chỉ dẫn của Thomas Schaff, Klose định hình tốt hơn phong cách của một tiền đạo - và ở vị trí này anh ghi 16 bàn trong 25 trận đá chính ở mùa 2000/01 cho Kaiserslautern. 

Mới chỉ một năm trước, Klose còn sắm vai CĐV đội bóng khoác áo CLB ngồi trên khán đài Betzenberg. Nhưng giờ, anh bắt đầu trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Như một lẽ tự nhiên, HLV ĐTQG Rudi Voeller không thể bỏ qua Klose. Ông triệu tập tiền đạo gốc Ba Lan cho trận đấu gặp Albania vào tháng 3/2001, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2002.

Sự kiên trì cho ra trái ngọt

Đó là một cột mốc không thể quên trong sự nghiệp Klose. Bảy năm trước, anh bị trả về nhà dù được đánh giá là một hiện tượng tài năng; 3 năm trước anh còn chơi ở hạng 5, và giờ là một trong số ít những cá nhân có thể đặt kỳ vọng trong việc giúp Die Mannschaft có mặt ở Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm sau.

Mọi thứ thay đổi như trong mơ đối với Klose: Đi từ hạng 5 lên ĐT Đức, bất chấp HLV ĐT Ba Lan Jerzy Engel đích thân bay sang Đức thuyết phục anh lựa chọn phục vụ cho quốc gia anh sinh ra. 

ảnh quote“Tôi có hộ chiếu Đức”, Klose tiết lộ lý do vì sao từ chối lời mời gọi từ quê mẹ. “Và nếu mọi thứ cứ diễn ra như bây giờ, tôi có cơ hội chơi cho Rudi Voeller”.anh quote

ĐT Đức dưới thời Rudi Voeller thường tỏ ra khó khăn trong việc phá vỡ hệ thống phòng ngự của những đối thủ bị đánh giá yếu hơn. Trước Albania, bộ mặt này không thay đổi. Albania đưa trận đấu về vạch xuất phát sau bàn mở tỷ số của Sebastian Deisler, và Voeller buộc phải hướng về băng ghế dự bị tìm kiếm sự khác biệt. Miroslav Klose, khi đó 23 tuổi, được tung vào sân thay Oliver Neuville trong hy vọng mang đến hơi thở mới cho hàng công ĐT Đức.

Hai phút trước khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên,các tờ báo thể thao của Đức đã phải thay đổi title bài vốn đã được họ gõ sẵn. Ở thời điểm tất cả NHM Đức chuẩn bị đối diện thêm một thảm họa, Klose mang lại sự sống cho Die Mannschaft. Từ pha băng ra cản bóng không thành của thủ môn Foto Strakosha vì áp lực tranh chấp từ Carsten Jancker, bóng đến vị trí của Klose cách khung thành chỉ chưa đầy 2 mét, và tiền đạo này quyết định tung người tầm thấp đánh đầu thay vì dứt điểm bằng chân đưa bóng vào gôn trống.

Một tình huống lập công trái ngược hoàn toàn với phong cách và công thức các tiền đạo hiện đại, và sau đó là cú lộn santo ăn mừng của Klose - sự khởi đầu của hình ảnh sau này trở thành  biểu tượng của riêng Klose và đưa anh bước vào ngôi nhà huyền thoại bóng đá Đức.

Video:  71 bàn thắng đầu tiên cho ĐT Đức của Klose

Bàn thắng vào lưới Albania của Klose không hề khó, không được thực hiện bởi kỹ thuật điêu luyện, không hoành tráng về hình ảnh nhưng nó cho thấy sự nhạy cảm về không gian, thời gian và bản năng “ngửi bàn thắng” tiền đạo này. Phong cách đó tiếp tục được Klose thể hiện trong 7 bàn thắng tại vòng loại trước khi cùng Die Mannschaft đến Hàn Quốc-Nhật Bản cũng như xuyên suốt sự nghiệp, và giúp anh được so sánh với những tiền đạo săn bàn theo kiểu “ăn cắp trứng gà” nổi tiếng của bóng đá Đức như Gerd Mueller, Uwe Seeler, Juergen Klinsmann, Oliver Bierhoff cũng như chính ông thày trên ĐT Rudi Voeller.

Phong độ cao trong màu áo CLB và ĐTQG giúp Klose trở thành mũi tấn công chính của Die Mannschaft tại VCK World Cup 2002. Ở châu Á, Klose lập hat-trick ngay trong trận mở màn gặp Saudi Arabia trong màn hủy diệt đối thủ tới 8-0 của đoàn quân HLV Rudi Voeller; và anh ghi thêm 2 bàn vào lưới Ireland và Cameroon sau đó. Đáng chú ý, Klose trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử World Cup ghi cả 5 bàn thắng đều bằng đầu trong một VCK, khi Đức đi vào đến trận chung kết và để thua Brazil.

Kẻ sống sót sau cuộc cách mạng

Đầu những năm 2000 là giai đoạn khó khăn đối với bóng đá Đức. DFB cùng với các CLB đã quyết định mạnh tay thực hiện một cuộc cách mạng về hệ thống đào tạo trẻ, cũng như triết lý chơi bóng ở từng CLB nhằm có được sự xuyên suốt, chấp nhận đập bỏ thứ bóng đá xơ cứng từng làm nên thương hiệu “Những cỗ xe tăng”.

Cuộc cách mạng khiến các cấp đội tuyển Đức trải qua sự thay đổi lớn về cấu trúc trong đó có sự ra đi của Rudi Voeller và Juergen Klinmanns được chọn, và nó thực sự mang lại hiệu quả sau gần một thập kỷ. Klose là người trong cuộc, đi cùng cuộc chuyển giao mang tính lịch sử đó.

ảnh quoteNghiêm túc thực hiện những đòi hỏi mới giúp Klose có chỗ đứng trong ĐTQG, dù ở thời điểm nào. Urs Siegenthaler, trưởng bộ phận tìm kiếm tài năng của DFB, từng miêu tả Klose như một "bức tường", mẫu cầu thủ biết cách chiếm không gian giữa hàng thủ và hàng tiền vệ đối phương, giữ được bóng và tạo điều kiện cho các tiền vệ tham gia đợt tấn công, hoặc anh có thể nhanh chóng tung ra đường chuyền đẩy mạnh tốc độ lên bóng.anh quote

Trong hầu hết sự nghiệp quốc tế của mình, Klose nhận được sự hỗ trợ khá hạn chế từ hàng tiền vệ. Nhưng khi anh có cơ hội, anh thường biết cách chớp lấy nó.

Ví dụ như cú đánh đầu buộc Argentina phải bước vào hiệp phụ tại World Cup 2006, hay những bàn thắng vào lưới Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ ở tứ kết và bán kết EURO 2008. Đức trong cả 2 giải đấu này đều không bước lên đỉnh, song sẽ không quá nếu nói rằng vị trí thứ năm 2006 và thứ nhì năm 2008 của Die Mannschaft có được nhờ phần lớn đóng góp từ Klose.

Khi không ghi bàn, Klose tạo cơ hội cho đồng đội bằng khả năng chạy chỗ hút hậu vệ đối phương hay những đường chuyền. Sự khác biệt Klose mang lại giúp anh luôn trở thành sự lựa chọn ưu tiên của Juergen Klinmanns trước Mario Gomez, bất chấp Super Mario có thời điểm thể hiện tần suất ghi bàn tốt hơn.

Dù vậy, Klose hiểu giới hạn của mình và sẽ không phải lúc nào cũng được chào đón ở đội tuyển. Khi anh lựa chọn tiếp tục cống hiến cho Die Mannschaft sau World Cup 2010, đó là quyết định mang tính rủi ro. Bởi khi bước vào EURO 2012, anh đã 34 tuổi. Nhưng trong suốt hành trình vòng loại để đến Ba Lan-Ukraine, Klose đều ghi ít nhất 1 bàn mỗi lần được ra sân. Chỉ có 6 trận vào sân, anh vẫn ghi tới 9 bàn và 2 pha kiến tạo, trở thành tiền đạo có hiệu suất cao thứ nhì thời điểm đó sau Klaas-Jan Huntelaar.

Miroslav Klose: Cú santo và sự vĩ đại ẩn trong vẻ khiêm nhường
Cúp vàng là cái kết tuyệt vời cho sự nghiệp quốc tế của Klose

Hai năm sau, ở tuổi 36, Klose chứng minh anh vẫn có điều gì đó để lại cho “Cỗ xe tăng”. Thậm chí trong năm tháng hoàng hôn của sự nghiệp, Klose vẫn có 2 bàn tại World Cup 2010. Bàn gỡ hòa trước Ghana của anh đóng vai trò quan trọng trong việc giữ tinh thần cho Die Mannschaft ở vòng bảng, trong khi bàn thứ 2 đưa anh san bằng kỷ lục ghi bàn của “Rô béo” tại các kỳ World Cup.

Klose không có tiếng nói quyết định ở trận chung kết trên đất Nam Phi, nhưng anh đã chơi trận cuối cùng trong sự nghiệp quốc tế không thể chê trách. Không còn nhanh nhẹn và thể chất tốt nhất, Klose vẫn có mặt trên sân 88 phút trước khi bị thay ra.

Không nhiều cầu thủ có cơ hội giải nghệ với chức vô địch World Cup, và Klose là một đặc quyền. Anh xứng đáng có được vinh dự đó, sau những gì đã cống hiến.

Sự vĩ đại ẩn trong bức tranh một màu

“Khi tôi có trận đầu tiên cho ĐTQG năm 2001, Jens Jeremies và Carsten Ramelow vẫn chơi. Sau một thời gian, những cầu thủ như Philipp Lahm và Bastian Schweinsteiger xuất hiện. Và giờ là làn sóng cầu thủ trẻ ở ĐTQG”, Klose chia sẻ về giai đoạn chuyển giao của bóng đá Đức, và việc anh phải thích nghi với triết lý chơi mới dưới thời Klinsmann. “Đội tuyển chơi linh hoạt hơn. Chúng tôi có thể triển khai với các hệ thống khác nhau. Toni Kroos, Schweinsteiger, Mesut Oezil sở hữu kỹ năng tuyệt vời. Và bản thân tôi cũng cần phải thay đổi, phải chơi tốt hơn”.

Klose là vậy, luôn khiêm nhường và chấp nhận dìm cái tôi của mình xuống vì cái chung, dù ở ĐTQG hay trong những năm tháng ở Bremen, Bayern và CLB cuối cùng trong sự nghiệp là Lazio. Vì vậy, giữa làn sóng cầu thủ trẻ đầy tài năng của thế hệ bóng đá Đức mới, Klose vẫn chiếm một phần trong trái tim của một quốc gia anh tự hào gọi là quê hương mình.

Miroslav Klose: Cú santo và sự vĩ đại ẩn trong vẻ khiêm nhường
Khác với Ballack, Klose trụ lại lâu hơn ở Die Mannschaft sau cuộc cách mạng

Hiếm khi lên sóng hay nói những lời đao to búa lớn, những hành động trên sân của Klose nói thay cho tất cả về con người anh: Từng từ chối một quả penalty mà anh nghĩ mình không xứng đáng khi còn chơi cho Bremen năm 2005, hay thừa nhận ghi bàn bằng tay với các trọng tài trong màu áo Lazio.

Giữa thời đại bóng đá chỉ gắn với tiền bạc, Klose là một trong những đại diện cho hình ảnh tích cực của bóng đá, mãi sẽ được nhớ đến là “một huyền thoại giản dị” như NHM đặt cho anh.

Nhìn lại sự nghiệp của Miroslav Klose

Danh hiệu: 2 Cúp QG Đức, 1 Siêu cúp Đức, 2 Bundesliga, 1 Cúp QG Italia, 1 World Cup

Kỷ lục cá nhân: Một trong 4 cầu thủ dự 4 kỳ World Cup liên tiếp; Ghi ít nhất 5 bàn trong mỗi kỳ World Cup, cùng với Teofilo Cubillas và Thomas Mueller; Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất tại các kỳ World Cup (16); Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho ĐT Đức (71)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm