Ngôi sao bóng đá Anh tán gia bại sản: Giỏi đá bóng, “đóng phim” tồi

thứ ba 10-11-2015 22:42:17 +07:00 0 bình luận
Sự nghiệp bóng đá kéo dài 10-15 năm hay thậm chí 20 năm suy cho cùng vẫn chỉ là một chặng đường trong cả hành trình cuộc đời. Và nếu một thống kê chỉ ra rằng: 40% cầu thủ ở Premier League phải tuyên bố phá sản trong vòng 5 năm kể từ khi giải nghệ, thì có thể hiểu rằng phần còn lại của cuộc đời sau khi treo giày là “trận đấu” khốc liệt hơn nhiều với mỗi cầu thủ.

Tờ Sunday Times vừa hé lộ thông tin gây sốc khi một loạt cựu ngôi sao của Premier League đang thua lỗ cả trăm triệu bảng và thậm chí đối mặt nguy cơ tán gia bại sản vì các hoạt động kinh doanh không liên quan đến bóng đá. Trong số này có thể kể ra những cái tên đình đám một thời như Rio Ferdinand, Martin Keown, Andy Cole, Danny Murphy hay Robbie Savage. Họ đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về tài sản cá nhân vì những vụ đầu tư… làm phim và kinh doanh bất động sản.

Một điểm chung giữa những cựu ngôi sao Premier League kể trên và hơn 100 cầu thủ khác đó là việc họ góp vốn thông qua Kingsbridge Asset Management. Hiểu nôm na thì đây là một công ty quản lý tài chính chuyên nhận tiền ủy thác của các cầu thủ rồi đem đi đầu tư. Nhưng trong khi những kẻ đứng đầu công ty như David McKee và Kevin McMenamin được hưởng tới 5 triệu bảng tiền hoa hồng từ các khoản đầu tư thì giới cầu thủ phải cay đắng nhìn nguồn vốn đóng góp của họ “bốc hơi” cùng những dự án sai lầm. Kevin Campbell, cựu tiền đạo Everton đã mất 7 triệu bảng vì 5 dự án phim và sắp phải tuyên bố phá sản. Murphy, Cole, Keown cũng bị thiệt hại nặng nề vì giấc mộng làm giàu bằng phim ảnh. Trong khi Rio Ferdinand không chỉ mất 2,3 triệu bảng vì những khoản đầu tư bất động sản sai lầm mà còn được hé lộ là “nạn nhân lớn nhất trong vụ đầu tư cho phim ảnh”. Tất nhiên, khi thua lỗ xảy ra, những kẻ như McKee hay McMenamin nhanh chóng phủi tay và tuyên bố: “Các khách hàng đủ nhận thức khi quyết định đầu tư”. Giờ một loạt cầu thủ đang tính khởi kiện. Nhưng có lẽ đòi lại dù chỉ… 1 bảng cũng là chuyện không tưởng chứ đừng mong thu hồi tiền đầu tư. Thật nghiệt ngã!

Còn nhớ cách đây đúng 1 năm, cựu ngôi sao Premier League là thủ môn David James cũng đã phải… bán sạch những gì có thể để trang trải nợ nần. Một cựu danh thủ khác, Keith Gillespie, lại đốt hơn 7 triệu bảng và trở thành tay trắng vì… máu me trò đỏ-đen. Rõ ràng, có quá nhiều cạm bẫy, rủi ro bủa vây lấy các cầu thủ sau khi họ treo giày hay nói chính xác là bủa vây túi tiền của họ.

Thường thì sau khi giải nghệ, hầu hết các cầu thủ đều chưa có một định hướng cụ thể về cuộc sống-không-bóng đá. Nếu trong sự nghiệp họ kiếm tiền dễ dàng bao nhiêu thì tốc độ tiêu xài hoang phí cũng nhanh tương tự khi họ cho phép mình xả hơi sau nhiều năm cày ải. Và khi theo số đông đổ tiền vào kinh doanh ở một lĩnh vực nào đó, hoặc rót tiền cho một công ty hay tổ chức quỹ với hy vọng ngồi rung đùi thu lãi, hầu hết các cựu cầu thủ đều không nhận được sự tư vấn hợp lý, đúng đắn. Có thể, khi còn thi đấu những Ferdinand, Keown hay Cole đều bản lĩnh và lỳ lợm, nhưng làm kinh doanh đòi hỏi có tư duy nhạy bén với thời cuộc, cái duyên và đương nhiên cần trang bị đầy đủ kiến thức thông qua việc học tập, rèn luyện trong môi trường đúng đắn và kể cả những va vấp. Như thế, có thể hiểu vì sao những cựu danh thủ kể trên dễ dàng thất bại.

Còn nhớ hồi năm ngoái, Xpro - một tổ chức từ thiện bảo vệ quyền lợi cho những cầu thủ đã giải nghệ đưa ra thống kê khiến nhiều người phải giật mình đó là có tới 40% số cầu thủ ở Premier League tán gia bại sản chỉ trong vòng 5 năm sau khi treo giày. Nói cách khác, nếu cả đời đá bóng chăm chỉ tích cóp được 1-2 triệu bảng hoặc có thể nhiều hơn, tưởng như sau khi giải nghệ sẽ được sống sung túc an nhàn như một triệu phú đúng nghĩa, thì cứ 4/10 cựu cầu thủ lại rơi vào cảnh tay trắng bần hàn. Mà khi đó, không thể đá bóng nữa, họ còn có thể làm gì để kiếm sống khi mà hầu hết đều học hành dang dở và không có kỹ năng làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào khác?

Rõ ràng, bóng đá chỉ là một chặng đường dài trong cả bộ phim lớn về cuộc đời. Hầu hết cầu thủ đều không nhận ra rằng họ đã phải đối mặt nhiều rủi ro ngay từ khi còn thi đấu (như chấn thương, ảnh hưởng về tâm lý, bỏ lỡ cơ hội học hành đến nơi đến chốn…), và đến lúc giải nghệ còn nhiều hơn nữa những rủi ro khác. Không phải cầu thủ nào cũng nhanh nhạy như David Beckham để mà lấn sân các lĩnh vực khác như giải trí, làm ông chủ CLB và gặt hái thành công. Thế giới cũng chỉ có một Cris Ronaldo sở hữu tài năng tuyệt vời cùng thân hình hoàn hảo để từ đó anh biết khai thác tối đa lợi thế giúp cho việc làm ăn bên ngoài bóng đá, như phát triển thương hiệu CR7, đóng quảng cáo, bán nước hoa, kinh doanh đồ lót. Số đông, đang và sẽ phải lọ mọ từng bước để đi tiếp cuộc sống thường ngày. Rất nhiều người đã cạn nhẵn túi và hẳn giờ họ đã hiểu, nếu bóng đá từng cho họ tiền bạc, danh vọng, thì nó cũng sẵn sàng trao cả những tấn bi kịch cay đắng nhất về cuối đời. 

Theo Xpro có tới 40% cựu cầu thủ Premier League phá sản trong vòng 5 năm kể từ khi giải nghệ. Nhưng so với những lĩnh vực thể thao khác con số này còn chưa thấm tháp gì. Hồi tháng 08 vừa qua Sport Illustrated thống kê rằng 78% số cầu thủ ở giải bóng bầu dục Mỹ (NFL) phá sản chỉ 2 năm sau khi giải nghệ và 60% số cầu thủ tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) đã phá sản trong vòng 5 năm sau khi giải nghệ.

Lương trung bình của một cầu thủ ở Premier League hiện tại là 2,3 triệu bảng/năm, tương đương 43.717 bảng/tuần, cao nhất trong số những giải hàng đầu châu Âu. Vậy mà số lượng cựu cầu thủ EPL phá sản sau khi giải nghệ vẫn lên tới 40% và có thể còn tăng thì thật không chấp nhận nổi.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm