Sự áp đảo của Nhật Bản đã được đền đáp khi Ingrid Engen đưa bóng về lưới nhà sau nỗ lực cản phá cú tạt bóng từ Hinata Miyazawa. Na Uy phản ứng ngay lập tức, gỡ hòa bằng cú đánh đầu của Guro Reiten để rồi sau đó trở lại thế trận phòng ngự chắc chắn.
Nếu như ở trận thắng 4-0 gây kinh ngạc trước Tây Ban Nha, Nhật Bản chỉ giữ bóng 23%, thì trong cuộc đối đầu với Na Uy ở vòng 1/8, đại diện châu Á đã thống trị về khía cạnh này. Cho đến khi kết thúc hiệp 1, họ kiểm soát 67% thời gian, nhưng không đủ để phá vỡ bức tường mà đội tuyển Bắc Âu dựng nên. Thực tế, Nhật Bản không thực hiện được cú sút nào trúng khung thành (tổng cộng 9 pha dứt điểm).
Những pha đột phá của Risa Shimizu từ phía sau, sự cơ động của Miyazawa giữa các tuyến để mở ra những khoảng trống, hay khả năng cầm bóng uyển chuyển của Yui Hasegawa đã bị nhấn chìm mỗi khi đi đến 1/3 cuối sân, nơi Na Uy bố trí hàng phòng ngự gồm 5 người. Đội bóng Scandinavi thắng 55% trong các cuộc đấu tay đôi và buộc người Nhật phải luôn thử vận may từ bên ngoài vòng cấm (5 trong 9 cú sút).
Tại vòng bảng, không đội nào ở World Cup này thực hiện nhiều cú sút trúng khung thành hơn Nhật Bản (26, cùng với Tây Ban Nha). Sức mạnh tấn công đó rốt cuộc đã đem lại hiệu quả khi Risa Shimizu nâng tỷ số lên 2-1 ở đầu hiệp 2 và Hinata Miyazawa ấn định chiến thắng 3-1 vào cuối trận.
Na Uy lẽ ra có thể rút ngắn khoảng cách khi cú đánh đầu cận thành của Karina Saevik bị thủ môn Ayaka Yamashita cản phá ngoạn mục ngay trên vạch vôi.
Đối với Hinata Miyazawa, đây đã là bàn thắng thứ 5 tại giải của cô, cộng thêm 1 pha kiến tạo), tham gia trực tiếp vào 42,8% số bàn của Nhật Bản. Mặc dù lần đầu tiên tham dự World Cup nhưng cô đã là cầu thủ Nhật Bản ghi nhiều bàn thắng thứ ba tại các kỳ World Cup, chỉ sau Homare Sawa (8 trong 24 trận) và Aya Miyama (6 trong 17 trận).