Những giải pháp giúp FIFA tồn tại: Việt Nam gặp Brazil tại “World Cup kiểu mới”

thứ ba 9-6-2015 17:20:25 +07:00 0 bình luận
Các vụ lem nhem tiền bạc xoay quanh Qatar 2022 và Nam Phi 2010 đang tạo tiền đề cho World Cup phá cách, hoặc chính xác hơn là quay trở về gần với dáng vẻ nguyên thủy của nó.

Hãy để tất cả đều có thể góp vui

Trong lịch sử World Cup, Uruguay 1930 là kỳ duy nhất mà mọi thành viên của FIFA đều được mời chào dự giải nhân lễ bách niên mừng nước này độc lập. Nhưng do thời đó vượt biển còn khó, chỉ có 4 đại diện của châu Âu góp mặt (Pháp, Bỉ, Nam Tư và Romania), 9 đội còn lại đều ở châu Mỹ. Đến World Cup sau với VCK tại Italia, các đội cần phải vượt qua vòng loại và thể thức thi đấu ấy tồn tại đến bây giờ.

12d

Phải chăng tới lúc FIFA cần tính toán đến một thể thức thi đấu khác cho World Cup

Nhưng giờ đây, sau nhiều rắc rối do tranh quyền đăng cai VCK gây ra, phải chăng tới lúc FIFA cần tính toán đến một thể thức thi đấu khác cho World Cup. Chẳng hạn như thay vì vòng loại và VCK, các đội sẽ bước vào giải ở vạch xuất phát như nhau và cùng đua đến trận chung kết theo thể thức đá loại trực tiếp 2 lượt đi – về. Sức hấp dẫn của phương án này là có thể đem đến những niềm vui tưởng chừng không bao giờ trở thành hiện thực đối với các nền bóng đá vùng trũng, như Việt Nam được so giày cùng Brazil ở một giải chính thức, thay vì chỉ đá giao hữu theo kiểu “được chăng, hay chớ”. Thậm chí, nếu gặp nhiều may mắn, Việt Nam có thể chen vào tứ kết nhờ gặp các đối thủ vừa tầm.

Đừng lo World Cup sẽ nhàm chán

Dĩ nhiên, một giải lớn có quá nhiều bất ngờ sẽ chẳng còn thú vị, kiểu như các anh tài như Argentina, Brazil, Đức, Tây Ban Nha đua nhau bị loại sớm. Đây chính là bài học mà Cúp C1 châu Âu từng mắc phải, khi để Bayern Munich (Đức) gặp Saint-Etienne (Pháp) ngay vòng 1 mùa 1969/70, hoặc Real Madrid (Tây Ban Nha) đấu với Napoli (Italia) của Diego Maradona ở vòng 1 mùa 1987/88. Hệ quả là danh sách các nhà vô địch châu Âu từng có những tên tuổi xa lạ như Red Star Belgrade (Nam Tư) hoặc Steaua Bucurest (Romania). Tuy nhiên, những trường hợp bất ngờ như vậy vẫn hiếm.

12d2

Để các nền bóng đá vùng trũng, như Việt Nam được so giày cùng Brazil ở một giải chính thức?

Do đó, chỉ cần đề ra danh sách hạt giống, FIFA có thể đảm bảo World Cup vẫn hứa hẹn bất ngờ, nhưng không rối như canh hẹ. Ví dụ như các đội đứng ở nhóm đầu bảng xếp hạng của FIFA hoặc có mặt ở tứ kết/bán kết của các kỳ World Cup trước sẽ được đặc cách một số vòng, chẳng hạn như vào thẳng vòng 1/32 có 64 đội. Cách xếp hạng giống này còn có ưu điểm là người hâm mộ trên khắp thế giới sẽ được xem các siêu cường như Brazil đá 12 trận, nhiều hơn 5 trận so với VCK World Cup hiện nay. Lúc đó, bản quyền truyền hình có lẽ chỉ càng tăng chứ không giảm.

Dẹp hẳn những trận đấu tẻ nhạt

Một World Cup phá cách còn hứa hẹn sẽ giảm bớt sự nhàm chán. Nhàm chán này phần nào là do vòng loại và vòng bảng của VCK gây ra, khi các đội mạnh có thể lơi chân do sớm đủ điểm đi tiếp, hoặc an tâm là rủi sảy chân một lần vẫn còn cơ hội cứu vãn tình thế. Nhưng nếu đấy là thể thức đá loại trực tiếp, chắc chắn không đội nào dám vừa đi bộ, vừa đá bóng. Bởi lẽ, thể thức đá loại trực tiếp ở mọi giải khắp thế giới đều không thiếu những đội mạnh phải khóc hận do chủ quan.

Thay đổi phương thức thi đấu của World Cup còn giúp bóng đá thế giới bớt đi những trận đấu giao hữu vô nghĩa. Điều này sẽ giảm thiểu những tranh chấp không đáng có giữa FIFA, ĐTQG với các CLB. Dĩ nhiên là nếu World Cup mới có thể diễn ra mỗi năm một lần thay vì VCK cách nhau 4 năm, khán giả càng đỡ phải chờ đợi, mà FIFA càng có thêm thu nhập. Chỉ có điều là nếu làm như vậy, FIFA cần cân nhắc tới cảm giác của các LĐBĐ khu vực do bị đoạt mất “nồi cơm”, nhất là châu Âu với EURO cũng hấp dẫn chẳng kém. Nhưng dù thế nào đi nữa thì sau vụ bê bối mới đây, FIFA cần xem xét “World Cup kiểu mới” nhằm giữ chân các nhà tài trợ hiện đang chán ngấy cái “ổ Mafia” của “Don” Sepp Blatter lắm rồi.

Blatter không xuống đài, Mông Cổ tổ chức World Cup 2050? Trước lúc Sepp Blatter từ chức, truyền thông Anh tiết lộ Blatter từng hứa hẹn giao quyền tổ chức World Cup 2050 cho Mông Cổ. Vì vậy, cho dù phải 35 năm sau mới có World Cup 2050, Mông Cổ sớm đề ra kế hoạch tổ chức Asian Cup 2035 cùng giải này, cũng như thử nộp đơn đăng cai các World Cup 2042 và 2046. Kế hoạch này được phê duyệt hôm 26/1/2011, đúng ngày Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj gặp Blatter ở Zurich. Điều đáng lưu ý là nếu đúng như vậy thì khi bỏ phiếu chọn nước đăng cai World Cup 2050, Blatter khó còn sống do cần phải thọ đến 105 tuổi. Nhưng xem ra, FIFA có bí mật để ông ta tin rằng tới lúc đó, không ai dám chống lại chỉ thị của mình.

Minh Châu

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm