Mùa Hè năm 2002, khi mà những người Đức bước vào kỳ World Cup trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc trong nỗi lo về một cuộc khủng hoảng thế hệ, thì Oliver Kahn và Michael Ballack đã xuất hiện. Cả hai đều thi đấu cực kỳ xuất sắc để tái hiện những hình ảnh cuối cùng về một Die Mannschaft mang đậm “chất Đức” truyền thống. Tuy nhiên, chỉ như thế vẫn là chưa đủ để đưa “Cỗ xe tăng” bước lên đỉnh thế giới.
Bản thân Oliver Kahn, mặc dù đã giành được hầu hết mọi vinh quang trong cuộc đời cầu thủ nhưng danh hiệu World Cup thì vẫn sẽ mãi mãi là giấc mơ dang dở đối với thủ thành huyền thoại sinh năm 1969 này, một kẻ từng phải độc bước dưới ánh hoàng hôn của nền bóng đá Đức trong giai đoạn đầu thiên niên kỷ mới.
MÓN QUÀ ĐỊNH MỆNH THUỞ ẤU THƠ
Xuất thân trong một gia đình có đôi chút “truyền thống” thể thao, với người cha từng là một cầu thủ chuyên nghiệp, Oliver Kahn ngay từ nhỏ đã được làm quen cùng trái bóng. Thế nhưng, yếu tố quyết định khiến anh lựa chọn trở thành một thủ môn sau này chính là nhờ món quà đến từ bà nội vào năm lên 6 tuổi.
Khi ấy, bà đã mua tặng Kahn một bộ đồ của cựu danh thủ Sepp Maier, thủ thành từng đoạt chức vô địch World Cup với ĐT Tây Đức năm 1974. Rất nhanh chóng, cậu bé Kahn sung sướng mặc nó lên mình trong niềm háo hức được trở thành một “người gác đền” đứng trong khung gỗ. Để rồi, trong suốt sự nghiệp lẫy lừng của một thủ môn huyền thoại, Oliver Kahn chẳng bao giờ phải suy nghĩ lại về con đường mà anh đã quyết định lựa chọn ngay từ thời thơ ấu.
Trải qua 12 năm liên tục ăn tập cùng các đội trẻ của Karlsruher SC, CLB địa phương nơi Kahn lớn lên, đồng thời cũng là nơi cha anh từng thi đấu, chàng trai gốc Latvia chính thức nhận được bản hợp đồng chuyên nghiệp vào năm 1987, khi anh mới chỉ 18 tuổi.
Giai đoạn tiếp theo, Kahn dễ dàng khẳng định được vị trí số một trong khung gỗ nhờ vào phản xạ cực kỳ nhạy bén của mình. Khoác áo Karlsruher SC trong vòng 7 năm, ấn tượng lớn nhất mà thủ thành người Đức từng để lại chính chặng hành trình kỳ diệu giúp cho đội bóng quê hương lọt vào tới tận bán kết UEFA Cup mùa 1993/94. Tại lượt về vòng 1/8, Karksruher SC của Kahn từng vùi dập Valencia với tỷ số… 7-0, trận đấu sau đó đã được giới truyền thông Đức ca ngợi là “điều kỳ diệu ở Wildparstadion”.
CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH HUYỀN THOẠI
Phong độ xuất sắc trong màu áo Karlsruher SC nhanh chóng đưa Oliver Kahn cập bến “gã khổng lồ” Bayern Munich vào mùa Hè năm 1994, với mức giá kỷ lục dành cho một thủ môn vào thời điểm bấy giờ, 4,6 triệu Mác (tương đương khoảng 2,4 triệu euro).
Bất chấp việc dính phải một chấn thương dây chằng tương đối nghiêm trọng ngay ở mùa giải đầu tiên, nhưng bằng tinh thần nỗ lực luyện tập không ngừng nghỉ, Kahn cũng chẳng cần mất quá nhiều thời gian để trở lại đỉnh cao. Mùa bóng 1995/96, Hùm xám đánh bại Bordeaux của Pháp với tỷ số 3-1 trong trận chung kết để giành UEFA Cup, danh hiệu đầu tiên tại sân Olympic cho chàng trai đến từ vùng Baden-Wurttemberg.
Bước sang mùa giải 1996/97, Kahn tiếp tục giành chức vô địch Bundesliga đầu tiên trong màu áo Munich, một cột mốc hết sức quan trọng giúp cho đội bóng xứ Bavaria thống trị nền bóng đá Đức sau này.
Mặc dù vậy, trong suốt hơn một thập kỷ chơi bóng đỉnh cao cùng Hùm xám, khoảng khắc ám ảnh nhất đối với Oliver Kahn có lẽ chính là thất bại cay đắng 1-2 trước Man United ở trận chung kết Champions League mùa 1998/99.
Chỉ trong vòng vỏn vẹn 3 phút “điên rồ”, khi mà trận đấu thậm chí đã bước sang những phút bù giờ, lần lượt Teddy Sheringham và Ole Solskjaer đã kịp mang về chiến thắng cho M.U. Với những người Đức, đó là một trận thua… không tưởng. Còn về phần Kahn, câu chuyện buồn tại Nou Camp chắc chắn sẽ đi theo anh cho đến suốt cuộc đời.
Dẫu vậy, ngôi sao sinh năm 1969 chưa bao giờ là một người chấp nhận đầu hàng số phận. Bằng ý chí nghị lực của bản thân, Oliver Kahn dẫn dắt Bayern lọt vào trận chung kết Champions League hai mùa giải sau đó (2001), nơi anh tỏa sáng rực rỡ với 3 tình huống cản phá thành công trong loạt sút luân lưu, qua đó giúp Hùm xám đánh bại Valencia để bước lên ngôi vô địch.
Báo giới châu Âu đặt cho Kahn biệt danh là “Der Titan” (nghĩa là Người khổng lồ), nhưng người hâm mộ thì lại thích cách điệu cái tên của thủ môn người Đức thành “Vol-kahn-o” (nghĩa là núi lửa) bởi mỗi khi bước ra sân, Kahn vẫn luôn thể hiện một tinh thần chiến đấu mãnh liệt bằng việc thường xuyên hò hét hay thậm chí là quát tháo các đồng đội xung quanh mình.
Những năm tháng cống hiến không ngừng nghỉ trong màu áo Bayern Munich đã mang về cho Oliver Kahn tổng cộng 8 chức vô địch Bundesliga, 6 danh hiệu Cúp Quốc gia Đức, 1 Champions League và 1 UEFA Cup.
Đó là chưa kể đến những thành tích cá nhân nổi bật khác như Thủ môn xuất sắc nhất Thế giới (1999, 2001, 2002), Thủ môn xuất sắc nhất châu Âu (1999, 2000, 2001, 2002), Thủ môn xuất sắc nhất Bundesliga (7 lần), hai mùa giải liên tiếp lọt vào đội hình tiêu biểu của năm do FIFA bầu chọn (1999/2000, 2000/01), Cầu thủ xuất sắc nhất nước Đức (2000, 2001), đứng thứ ba trong cuộc đua giành Quả bóng Vàng (2001, 2002)… Để rồi, đến khi Kahn bất ngờ tuyên bố giải nghệ vào giữa năm 2008, sau khi chính thức hoàn thành hợp đồng với Bayern, cả thế giới đều cảm thấy vô cùng hụt hẫng và thực sự nuối tiếc cho một huyền thoại của bóng đá đương thời.
VÀ GIẤC MƠ KHÔNG BAO GIỜ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC
Có một sự thật hết sức trớ trêu là Oliver Kahn từng đạt đến đỉnh cao sự nghiệp đúng vào thời điểm mà nền bóng đá Đức đang suy thoái trong giai đoạn đầu thiên niên kỷ mới. Trải qua vinh quang tại VCK EURO 1996 (lúc này Kahn vẫn chỉ là một thủ môn dự bị), Die Mannschaft rơi vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, cả về mặt con người lẫn định hướng lối chơi.
Lần lượt bị loại khỏi EURO 2000 và EURO 2004 ngay từ vòng bảng, người Đức chỉ thực sự là chính mình ở kỳ World Cup 2002 trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc, một giải đấu mà bộ đôi Oliver Kahn-Michael Ballack đã thi đấu cực kỳ xuất sắc để tái hiện những hình ảnh cuối cùng về một “Cỗ xe tăng” theo kiểu cổ điển, không cần phải cầu kỳ hoa mỹ nhưng đặc biệt thực dụng và hiệu quả.
Mùa Hè năm ấy, ĐT Đức mặc dù không được đánh giá cao nhưng vẫn “lầm lũi” tiến vào đến trận chung kết với chỉ 1 bàn thua duy nhất. Đương nhiên, ngôi sao sáng nhất trên chặng hành trình “thần thánh” của Die Mannschaft, không ai khác chính là Kahn, người đã khiến cho tất cả các chân sút bên phía Paraquay, Mỹ hay chủ nhà Hàn Quốc – hiện tượng của giải đấu phải nản lòng.
Video: Kỳ World Cup 2002 vinh quang và cay đắng của Oliver Kahn
Liên tiếp trong cả 3 trận knock-out, người Đức đều giành được chiến thắng sát nút 1-0 trước khi chạm trán Brazil ở trận chung kết. Những tưởng Oliver Kahn sẽ tiếp tục trở thành vị thần giúp cho “Cỗ xe tăng” đứng vững thì chấn thương rách dây chằng ngón nhẫn từ trước đó đã khiến anh mắc sai lầm tai hại khi không thể bắt dính bóng trong tình huống Ronaldo “béo” ập vào sút bồi, mở tỷ số cho Brazil.
Chung cuộc, ĐT Đức thất trận 0-2 và lỗi hẹn với chức vô địch. Còn bản thân Oliver Kahn, mặc dù đã trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất tại kỳ World Cup năm ấy nhưng anh vẫn sẽ không bao giờ có thể hoàn thành được giấc mơ bước lên đỉnh thế giới, một cái kết thực sự quá cay nghiệt dành cho huyền thoại sinh năm 1969 này.
Kết thúc kỳ EURO 2004 “thảm họa” với thành tích bị loại ngay từ vòng đấu bảng, Oliver Kahn chấp nhận nhường lại chiếc băng thủ quân ĐT Đức cho Michael Ballack, trước khi anh dần dần lùi vào dĩ vãng trong kỷ nguyên Juergen Klinsmann, người đã quyết định lựa chọn Jens Lehmann cho vị trí thủ môn chính thức của Die Mannschaft ở World Cup 2006.
Lần cuối cùng người hâm mộ được chứng kiến Kahn chơi bóng trong màu áo ĐTQG chính là trận tranh HCĐ tại World Cup 2006, khi Đức vượt qua Bồ Đào Nha với tỷ số chung cuộc 3-1.
Xuyên suốt sự nghiệp lẫy lừng của mình, Oliver Kahn chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi trước bất kỳ chân sút nào. Đối với cựu danh thủ đến từ Karlsruher, nguyên tắc quan trọng để vươn đến thành công chính là “không bao giờ được từ bỏ”. Vài năm trước, trong một lần trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình, Kahn chia sẻ: “Tôi không được phép run sợ trước bất kỳ tiền đạo nào, cho dù đó là những người xuất sắc nhất thế giới. Tất nhiên, tôi cũng dành sự tôn trọng cho một vài người, như Filippo Inzaghi hay Roy Makaay chẳng hạn, họ là những chân sút cực kỳ nhạy bén”.
***
Hình ảnh Oliver Kahn lặng lẽ ngồi tựa vào cột khung thành sau khi trận chung kết World Cup 2002 kết thúc, dường như cũng chính là khoảnh khắc lột tả đầy đủ và chân thật nhất về cuộc đời và sự nghiệp chơi bóng vô cùng trớ trêu của thủ môn sinh năm 1969 này. Từng được xem là một kẻ xuất chúng bậc nhất trong thế hệ của mình, nhưng rồi cựu ngôi sao Bayern Munich đã chẳng thể nào gồng gánh được cả một nền bóng đá đang suy thoái đến mức cùng cực. Giữa những nỗi vinh quang và cay đắng cứ thế đan xen lẫn lộn trong suốt hơn hai thập kỷ theo đuổi trái bóng tròn, Oliver Kahn chính là một kẻ không may mắn khi phải độc bước dưới ánh hoàng hôn…