Willy Bogner từ chối đội trưởng Bayern
Philipp Lahm cần mẫn trên sân cỏ như một chú ong thợ, xưa nay ngoài bóng đá ra, người ta chẳng thấy nhà vô địch Bundesliga và World Cup làm ăn, buôn bán gì. Thu nhập của Lahm từ lương và các bản hợp đồng tài trợ mỗi năm khoảng 13,2 triệu euro. 5 năm trước, khi ông Uli Hoeness còn chưa đi tù vì tội trốn thuế, cựu chủ tịch vĩ đại của Bayern kiêm ông chủ hiệu xúc xích Nurnburger từng gạ Lahm đầu tư làm ăn nhưng anh từ chối. Vì sao? Đội trưởng Bayern trả lời giới truyền thông Đức rằng: “Tôi chẳng biết gì về kinh doanh cả. Tôi cũng là người cầu toàn nên kiếm được bao nhiêu tiền, tôi trích một phần nhỏ làm từ thiện, còn lại tôi gửi hết và ngân hàng”.
Nhưng mỗi tuổi, mỗi giai đoạn, con người ta lại suy nghĩ khác. Lahm sắp bước sang tuổi 32. Mùa hè năm ngoái, sau tột đỉnh vinh quang ở Brazil, Lahm cũng đã tuyên bố từ giã ĐTQG Đức. Anh đã bắt đầu nghĩ tới cuộc sống không bóng đá.
Philipp Lahm không phải mẫu cầu thủ nhạy bén với cuộc sống như David Beckham hay Cristiano Ronaldo nhưng ở Đức, anh vẫn là thương hiệu lớn. Sau VCK World Cup 2014, ngoài Dieter Zetsche (GĐĐH công ty xe hơi Daimler AG), Lahm kết giao với cựu Giám đốc công ty nước hoa nổi tiếng Coty – Bernd Beetz và tập đoàn Fosun của Trung Quốc.
Lahm không hay… làm ăn nhưng đã làm thì phải lớn. Theo tạp chí Manager (Đức), ngôi sao Bayern cùng các nhà đầu tư nói trên hợp tác đề nghị mua đứt Bogner – công ty chuyên sản xuất đồ thể thao và quần áo thời trang. Trong đó, nổi tiếng nhất là các dụng cụ trượt tuyết (do ông chủ Willy Bogner vốn là VĐV trượt tuyết, từng xếp thứ 4 giải VĐTG năm 1966 tại Chile). Lahm cùng các nhà đầu tư bắt đầu đàm phán mua Bogner với giá 270 triệu euro từ tháng 06/2015. Nhưng theo giới truyền thông Đức, Willy Bogner vừa quyết định từ chối bán lại công ty cho nhóm đầu tư của ngôi sao Bayern. Phía Bogner xác nhận: “Bogner sẵn sàng hợp tác với Lahm cùng các đối tác để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, Willy Bogner sẽ không bán công ty của ông ấy”.
Lấn sân sang thời trang
Không phải ngẫu nhiên mà Philipp Lahm muốn thâu tóm công ty sản xuất thời trang và đồ thể thao hàng đầu nước Đức. Hồi tháng 01/2015, tức nửa năm trước khi có ý định đầu tư vào Bogner, đội trưởng Bayern đã thành lập công ty chuyên sản xuất quần áo và dụng cụ thể thao mang tên Sixtus.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Die Welt, hậu vệ 31 tuổi người Đức hồ hởi: “Tôi đang bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường hoàn toàn mới và xa lạ với mình. Rất nhiều thủ thách nhưng thú vị. Kinh nghiệm với tôi là con số 0 nhưng tôi may mắn vì luôn có những cộng sự dày dặn kinh nghiệm từng bước giúp đỡ”.
Tuy mới thành lập nhưng nhờ danh tiếng của Lahm, cùng với sự đầu tư và chiến lược kinh doanh đúng đắn, Sixtus đã được biết đến trên thị trường thể thao nước Đức và được xem là đối thủ khá nặng ký trong tương lai gần của những hãng như Bogner.
Theo Manager, khi kế hoạch thâu tóm Bogner thất bại, Bernd Beetz và tập đoàn Fosun đã quyết định đầu vào Sixtus. Ngoài các mặt hàng truyền thống là dụng cụ và trang phục thể thao, mục tiêu của Lahm cùng các nhà đầu tư lớn là sản xuất các mặt hàng thời trang dành cho nam giới. Một người thân của đội trưởng Bayern tiết lộ: “Philipp không ngừng học hỏi những người đi trước, mọi kế hoạch của anh ấy đều được tính toán kỹ lưỡng. Sixtus dự kiến sẽ cho ra bộ sưu tập thời trang đầu tiên vào năm 2017”.
Trước Lahm, thủ môn Gianluigi Buffon đã phải tháo chạy khỏi tập đoàn may mặc Zucchi với khoản lỗ lên tới 20 triệu euro. Nhưng người ta tin rằng, với mẫu người chịu khó học hỏi, hợp tác và cẩn thận như Lahm, anh sẽ sớm thành công trên thương trường, khi sự nghiệp sân cỏ vẫn còn chưa kết thúc.
TÂN PHONG
Philipp Lahm không phải mẫu cầu thủ nhạy bén với cuộc sống như David Beckham hay Cristiano Ronaldo nhưng ở Đức, anh vẫn là thương hiệu lớn.