Một con người thầm lặng, khiêm nhường và vô cùng tinh tế. Ngay cả trong những khoảnh khắc vinh quang nhất của cuộc đời, người ta vẫn thấy ở Rui Costa tồn tại một chút gì đấy man mác buồn, chậm rãi và có phần hơi ưu tư. Để rồi, trải qua biết bao nhiêu năm tháng âm thầm cống hiến trên khắp các sân cỏ châu Âu, cả thế giới vẫn luôn nhớ về cựu danh thủ người Bồ Đào Nha như một kẻ tài hoa bậc nhất mảnh đất Calcio xinh đẹp.
BƯỚC HỤT ĐẾN NOU CAMP
Sở hữu niềm đam mê chơi bóng ngay từ nhỏ, cậu bé Rui Costa đã gia nhập đội bóng đá nhà trẻ Damaia Ginasio khi mới 5 tuổi. Chỉ 4 năm sau đó, Rui Costa tiếp tục thử vận may bằng việc tham gia ứng tuyển vào lò đào tạo của Benfica. Bất chấp những ánh nhìn soi xét từ các tuyển trạch viên, cậu nhóc sinh trưởng ở Amadora vẫn hoàn toàn tự tin trình diễn mọi kỹ năng thiên bẩm của mình. Sau đúng 10 phút, huyền thoại Eusebio đã tuyển thẳng Rui Costa vào đội vì quá ấn tượng, bước đầu đưa chàng trai sinh năm 1972 này đến với sự nghiệp bóng đá đỉnh cao.
Năm 1991, tiền vệ thuộc biên chế Benfica giành được chức vô địch thế giới trong màu áo ĐT U20 Bồ Đào Nha. Mặc dù vậy, thế hệ tài năng của những Luis Figo, Rui Costa hay Joao Pinto sau đó lại thất bại trước người Ý ở trận chung kết U21 thế giới. Dường như, đây cũng chính là điểm khởi đầu cho những chặng đường dang dở và tràn đầy nuối tiếc của “thế hệ vàng” Bồ Đào Nha sau này.
Quay trở về Benfica, cá nhân Rui Costa nhanh chóng khẳng định được vai trò nhạc trưởng tại sân Da Luz. Sở hữu nhãn quan chiến thuật của một thiên tài, cầu thủ đến từ Amadora chẳng cần phải chơi bóng bằng sức mạnh hay tốc độ, thế nhưng những giá trị mà anh mang lại cho CLB thì còn hơn cả tưởng tượng. Thi đấu bên cạnh đối tác Joao Pinto, Rui Costa đã hợp thành bộ đôi tiền vệ trung tâm lừng danh giúp cho Benfica đoạt được danh hiệu Cúp quốc gia vào năm 1993 đồng thời tiếp tục vô địch đấu trường quốc nội mùa giải 1993/94.
Tuy nhiên, thật trớ trêu là sau đó Benfica lại rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính nên đã phải chấp nhận “cắn răng” đưa “Il Maestro” (nghĩa là nhạc trưởng) lên thị trường chuyển nhượng.
Ban đầu, ngôi sao người Bồ được HLV Johan Cruyff nhắm tới như một sự bổ sung hoàn hảo dành cho Dream Team của Barca. Thế nhưng, sau khi Damasio trở thành vị chủ tịch “lâm thời” của Benfica, thương vụ này đã chính thức đổ bể. Thay vào đó, Rui Costa phải cập bến Fiorentina theo một bản hợp đồng có trị giá 6 triệu euro. Vào thời điểm đầu thập niên 90, mức giá ấy thực sự là một con số hết sức đáng ngưỡng mộ đối với một tài năng trẻ.
Trên thực tế, cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng bản thân Rui Costa không hề muốn ra đi. Mặc dù vậy, trong hoàn cảnh Benfica quá thiếu thốn tiền bạc, anh cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác để cứu vãn CLB từng nuôi dưỡng mình.
BỨC HỌA BUỒN Ở CALCIO
Khoảng thời gian khoác áo Fiorentina chính là giai đoạn mà Rui Costa viết nên những điệu nhạc lãng mạn nhất trong sự nghiệp của mình. Thi đấu dưới vai trò “số 10” sở trường, ngay phía sau lưng cặp bài trùng Gabriel Batistuta và Edmundo, nói không quá khi tiền vệ người Bồ Đào Nha chính là kẻ đã châm ngòi cho những năm tháng tươi đẹp của đội bóng thành Florence.
Bằng tâm hồn của một người nghệ sĩ đích thực, Rui Costa luôn chơi bóng nhẹ nhàng và mềm mại như thể anh đang tận hưởng từng giây phút trên sân cỏ nước Ý. Cần gì phải sở hữu tốc độ hay sức mạnh cơ chứ, khi mà bản thân chàng trai mang áo số 10 vốn đã có thừa sự tinh tế rồi. Người ta hoàn toàn có thể được chứng kiến Rui Costa bình tĩnh gạt bóng qua chân đối phương, hoặc trong một ngày đẹp trời hơn nữa, khi anh nhẹ nhàng xoay compa khiến cho trái tim các tifosi chìm vào những cảm xúc miên man nhất.
Từng có thời, các tifosi phải tranh cãi xem giữa Zidane và Rui Costa, ai mới là “số 10” hay nhất Serie A. Đương nhiên, đối với một kẻ mang tính cách trầm lắng và chẳng hề ưa thích sự ồn ào giống như cầu thủ người Bồ, sẽ thật khó để anh đi tìm sự thừa nhận. Dẫu vậy thì những vũ điệu cuồng say tại sân Artemio Franchi vẫn cứ được Rui Costa lặng lẽ viết nên vào mỗi dịp cuối tuần, để rồi người Florence lại được lắng mình trong những điệu nhạc bất tận của The Viola, nơi mà Batigol đã chơi bóng bùng nổ bằng một niềm cảm hứng say mê tột cùng, Edmundo thì chẳng khác nào một kẻ nổi loạn, chỉ còn mỗi Rui Costa là chậm rãi, là sự bình yên đến lạ kỳ.
Suốt quãng thời gian 7 năm khoác áo Fiorentina, tiền vệ người Bồ Đào Nha chỉ giành được vỏn vẹn 2 danh hiệu Coppa Italia (1995/96 và 2000/01). Thế nhưng, sẽ là quá đỗi vớ vẩn nếu như người ta đánh giá Rui Costa chỉ bằng những thành tích trong tủ kính. Với tài năng của mình, rõ ràng “Il Maestro” xứng đáng nhận được nhiều hơn thế. Anh không chỉ là một nhạc trưởng lười nhác giống như biết bao kẽ lãng mạn đương thời. Trong hình hài của một “số 10” cổ điển gần như là cuối cùng, Rui Costa sẵn sàng lùi sâu về sân nhà để phân phối bóng, để tham gia phòng ngự, để âm thầm đứng sau những bàn thắng của đồng đội.
Mùa giải 2000/01, khi mà “vị thánh” Batistuta đã rời sân Artemio Franchi, thì Rui Costa vẫn tiếp tục lặng lẽ cống hiến cho đội bóng thành Florence. Chính ngôi sao người Bồ Đào Nha là nhân tố quyết định giúp Fio đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng vào lúc bấy giờ đè bẹp một AC Milan hùng mạnh tới 4 bàn không gỡ. Riêng mình Rui Costa đã ghi 1 bàn thắng và thực hiện 2 pha kiến tạo trong trận đấu ấy.
Nhưng rồi, điều trớ trêu và cay đắng nhất cuối cùng lại xảy đến, khi Batigol trong màu áo AS Roma tung cú volley thần sầu để kết liễu số mệnh của đội bóng cũ. Chân sút người Argentina đã khóc, thế nhưng những giọt nước mắt của “Vua sư tử” cũng chẳng thể thay đổi được điều gì. Trong giờ phút mà Fio cận kề cái chết, người ta lại thấy lòng chung thủy đến tận cùng của Rui Costa. Anh chỉ sẵn sàng chấp nhận ra đi để giải cứu đội bóng khỏi nguy cơ phá sản.
NGƯỜI NGHỆ SĨ KHÔNG CẦN KHÁN GIẢ
Bản hợp đồng sang AC Milan sau đó đã đưa Rui Costa tiệm cận một đẳng cấp mới, khi mức giá chuyển nhượng 45 triệu euro trở thành áp lực khủng khiếp đè nặng lên vai anh. Mặc dù vậy, tiền vệ người Bồ Đào Nha cũng chẳng hề quan tâm đến điều đó. Rui Costa tiếp tục theo đuổi thứ bóng đá lãng mạn và “cô đơn” của mình. Để rồi, trải qua biết bao năm tháng dở dang và nuối tiếc, từ cấp độ CLB đến ĐTQG, cuối cùng thì người ta cũng thấy anh tỏa sáng và tìm thấy vinh quang ở một sân khấu lớn hơn, đó là Champions League.
Mùa bóng 2002/03, Rui Costa chính là “bộ não” đưa Milan bước lên đỉnh châu Âu. Được thi đấu bên cạnh hàng tiền vệ lừng danh dưới thời HLV Carlo Ancelotti, bao gồm Pirlo, Seedorf, Gattuso/Ambrosini, ngôi sao gốc Amadora dễ dàng phát huy trọn vẹn mọi phẩm chất sáng tạo thiên tài của mình. Cùng với “gã hề” Pablo Aimar (Valencia) thì Rui Costa chính là hai cầu thủ kiến tạo nhiều nhất tại Champions League năm ấy (4 lần).
Tuy nhiên, cũng bởi tính cách quá đỗi khiêm nhường của mình mà ngôi sao người Bồ có phần trở nên nhạt nhòa trước những đồng đội như Inzaghi, Sheva, Pirlo hay Maldini… Để rồi, chỉ chưa đầy một năm sau đó, trong vai trò của một người làm nhiệm vụ trực tiếp “dẫn đường chỉ lối” cho tài năng trẻ mới nổi Kaka, bản thân Rui Costa đã lẳng lặng lùi vào dĩ vãng, kết thúc những hoài niệm đẹp đẽ nhất về một “trequartista” chuẩn mực, về một “số 10” cổ điển hào hoa theo đúng nghĩa, về một kẻ tự do và phóng khoáng luôn thích kéo đôi tất xuống quá nửa bọc ống đồng. Ở Rui Costa, người ta có lẽ sẽ chẳng bao giờ tìm thấy bất cứ sự ràng buộc nào cả…
Khoảng thời gian hai năm tiếp theo, do mất suất chính thức vào tay Kaka nên cầu thủ sinh năm 1972 cũng ra sân ít dần trong màu áo Rossoneri. Mùa Hè năm 2006, bất chấp việc vẫn còn hợp đồng với Milan cùng mức lương lên đến 4,6 triệu euro/năm, thế nhưng Rui Costa đã quyết định chia tay sân San Siro chỉ vì anh cảm thấy không còn đóng góp được gì cho đội bóng. Quay trở lại CLB cũ Benfica, cầu thủ người Bồ Đào Nha tiếp tục đề nghị ban lãnh đạo dành cho mình một bản hợp đồng “trắng”, bởi anh cũng chẳng hề quan tâm đến việc sẽ nhận được ban nhiêu. Âm thầm và lặng lẽ, Rui Costa cống hiến trọn vẹn cho Benfica đến khi giải nghệ.
Xuyên suốt cả sự nghiệp của mình, Rui Costa luôn phải đứng sau những ngôi sao sáng giá nhất, từ Batistuta, Zidane, Kaka cho đến Figo. Từng chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân chỉ để cứu rỗi Fiorentina, nhiều người tin rằng “Il Maestro” có thể đã thành công hơn nếu như anh lựa chọn một đội bóng lớn khác. Mặc dù vậy, đối với Rui Costa, tất cả đều vô nghĩa bởi một người nghệ sĩ lặng thầm như anh thì đâu cần đến khán giả, đâu cần phải tìm kiếm sự thừa nhận hay bất cứ ánh hào quang phù phiếm nào khác.
Từng phải chịu những thất bại oan nghiệt cùng ĐT Bồ Đào Nha tại các kỳ EURO 2000 và 2004, thế nhưng Rui Costa cũng chưa bao giờ buông lời oán trách số phận. Đằng sau người đàn ông thầm lặng ấy, chỉ còn đọng lại biết bao nỗi nuối tiếc miên man về một bức bích họa đẹp, nhưng thật buồn…