Phục vụ nhà Đài, “Quỷ đỏ” hụt hơi
Nếu coi trận thua Wolfsburg vừa qua là một trong những thất bại tai hại ở mùa này thì chắc chắn nó chưa thể khiến HLV Louis van Gaal mất chức. Vì sao ư? BLĐ đội bóng vẫn ủng hộ Van Gaal bởi theo họ, giá trị hợp đồng BQTH khổng lồ mà BTC Premier League đã ký kết cho giai đoạn 2013-2016 và 3 năm tới (2016-2019) mới là tác nhân đang và sẽ còn “bóp chết” cơ hội giành chiến thắng ở Cúp châu Âu của các CLB Anh.
Theo quan điểm của lãnh đạo Man Utd, một khi các nhà đài lớn như Sky hay BT Sports sẵn sàng chi tới 5,1 tỷ bảng để thâu tóm BQTH giải Ngoại hạng ở thị trường nội địa trong 3 năm tới (tăng tới 71% giá trị so với gói 2013-2016), họ sẽ can thiệp tối đa vào việc sắp xếp lịch thi đấu.
Nói rõ hơn, Sky hay BT Sports không đời nào chịu đẩy 1-2 trận đấu của những đội bóng Anh tranh tài tại Champions League lên đá sớm vào tối ngày thứ Sáu để rồi lượng khán giả xem trực tiếp qua ti-vi sụt giảm đáng kể. Rõ ràng, điều này ảnh hưởng tới doanh thu của các nhà đài.
Mặt khác, nếu đá vào tối thứ Sáu theo giờ Anh sẽ tương ứng với 1 hoặc 2h sáng hoặc thậm chí muộn hơn tại thị trường châu Á, như thế, lượng người xem ở các khu vực này cũng sẽ sút giảm. Nên nhớ, Premier League đang đặt mục tiêu kiếm hơn 3 tỷ bảng từ việc bán BQTH giải Ngoại hạng giai đoạn 2016-2019 tại châu Á nên các nhà đài và BTC cũng buộc phải chiều lòng khán giả ở đây vốn đã quen xem vào “khung giờ vàng” đó là tối thứ Bảy và tối Chủ nhật.
Chưa hết, đá vào tối thứ Sáu cũng tương ứng với đầu giờ làm việc buổi chiều ở Bắc Mỹ và như thế khán giả cũng như những nhà đài ở đó khó chấp nhận.
Tuy nhiên, mặt trái của việc từ chối để các đội bóng tranh tài tại Champions League được đá sớm đó là chính những các CLB này sẽ chẳng có thêm thời gian phục hồi thể lực nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Cúp châu Âu. Và giờ chỉ một mình người Anh phải đối phó với vấn đề này bởi Bundesliga, Ligue 1 đã tạo điều kiện từ lâu, còn Serie A cũng rục rịch thay đổi ở 2 mùa trở lại đây và thậm chí tại La Liga, khung giờ thi đấu của Real Madrid và Barca cũng đã được đẩy lên đá sớm hơn để giúp hai đại gia này chuẩn bị tốt nhất cho Champions League.
Sau cùng, không thể quên câu chuyện lịch thi đấu dày đặc trong giai đoạn cuối năm và việc không có một kỳ nghỉ Đông - chỉ để chạy theo yêu cầu của các nhà đài nhằm phục vụ khán giải - cũng đã rất nhiều lần được chỉ ra là nguyên nhân khiến các đại diện Premier League hụt hơi khi vòng knock-out Champions League trở lại vào mùa Xuân (giữa tháng 2).
Khi Premier League là nơi hái ra tiền
Tất nhiên, mọi thứ đều có giá của nó. Nếu các đội bóng Anh ca thán rằng LTĐ dày đặc, không được nghỉ Đông hay các đại diện tranh tài tại Cúp châu Âu không được tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất thì hãy nhớ rằng, tiền đã, đang và sẽ chảy vào két sắt của họ ngày một nhiều hơn.
Thống kê chỉ ra rằng, mùa giải năm ngoái nhà VĐ Premier League, Chelsea bỏ túi tới 99 triệu bảng, kế đến Á quân Man City nhận 98.5 triệu bảng và đội thứ 3 Arsenal kiếm về 96,5 triệu bảng. Riêng nguồn thu từ BQTH, mỗi CLB đều nhận được 54,1 triệu bảng và mỗi trận đấu họ được Sky hoặc BT Sports lựa chọn phát sóng trực tiếp giúp CLB bỏ túi thêm 875.000 bảng/trận.
Mà nên nhớ mùa trước Man Utd được lên sóng nhiều nhất, 27 trận, tức họ kiếm thêm 21,47 triệu bảng từ nguồn này và tổng số tiền “Quỷ đỏ” nhận được mùa 2014/15 là 96,75 triệu bảng, tức còn nhỉnh hơn Arsenal ở vị trí thứ 3 dù thầy trò Louis van Gaal xếp thứ 4.
Thử làm một phép so sánh, mùa trước tại Champions League, Á quân Juventus kiếm được nhiều tiền nhất với 65,25 triệu bảng (tương đương 89,1 triệu euro). Trong đó tiền thưởng từ UEFA chỉ là 22,4 triệu bảng (30,9 triệu euro) còn lại phần lớn là nguồn thu từ bản quyền truyền hình (Market-pool).
Nhưng bởi năm ngoái chỉ có 3 CLB Ý tranh tài, trong đó chỉ Juve cùng Roma tiến vào vòng bảng và chỉ có Juve tiến sâu nhất nên “Bà đầm” cũng nhận được miếng bánh BQTH lớn nhất trong phần riêng UEFA phân bổ cho Serie A. Dẫu vậy, số tiền Juve kiếm được cũng chỉ bằng 2/3 con số Man Utd bỏ túi sau mùa giải tại Premier League.
Còn mùa này, tính sơ bộ hành trình ở Champions League mang lại cho Man Utd chừng 28-30 triệu bảng. Theo đúng kế hoạch Man Utd tính toán, đội bóng vào tứ kết và sẽ kiếm thêm 15-17 triệu bảng. Nhưng dù thêm chừng ấy chảy vào két sắt thì nó cũng chưa bằng phân nửa số tiền Man Utd nhận được sau mùa giải Ngoại hạng này.
Và hãy nhớ rằng từ bản hợp đồng bom tấn phát sóng truyền hình Premier League 3 năm tới (giá trị có thể lên tới 9 tỷ bảng), tính ra bình quân đội bóng vô địch sẽ nhận được 146 triệu bảng/mùa, còn đội xếp thứ 4 như Man Utd mùa trước sẽ có 140 triệu bảng và ngay cả đội rớt hạng cũng kiếm được tương đương… nhà vô địch mùa trước (Chelsea) là 97 triệu bảng.
Rõ ràng, thiên đường chẳng ở đâu xa mà ngay trước mắt Man Utd và các đội bóng Anh. Thi đấu tốt ở đó, họ có thể kiếm tiền gấp đôi hoặc thậm chí gấp 3-4 lần so với việc tranh tài ở Champions League. Vậy thì đâu cần nhọc sức đi khắp châu Âu chinh chiến vì số tiền hẻo để rồi chuốc thêm mệt mỏi khi trở lại thi đấu ở ngôi nhà thân quen dễ hái ra tiền, Premier League
Khi giải Ngoại hạng “béo bở” hơn cả Champions League
100 triệu euro, đó là tối đa tiền thưởng và tiền bản quyền truyền hình mà một CLB ở Anh, Ý, TBN hay Đức kiếm được nếu vô địch Champions League năm nay. Nó tương đương 72,55 triệu bảng, tức cũng chỉ bằng hơn 2/3 số tiền mà một CLB ở Top đầu Premier League mùa này sẽ bỏ túi và chỉ bằng 1/2 trong giai đoạn 3 mùa kế tiếp, khi giải Ngoại hạng phân chia nguồn thu khổng lồ dự kiến từ 8,5-9 tỷ bảng từ tiền bán BQTH.