Trong lúc châu Âu có Alisher Usmanov, Roman Abramovich, Maxim Demin, Ellis Short, Katharina Liebherr, Straumur Bank, Giampaolo Pozzo; châu Mỹ có Stan Kroenke, John W Henry, Randy Lerner, gia đình Glazer thì châu Á cũng góp đến 4 đại diện như Farhad Moshiri, Lakshmi Mittal, Tony Fernandes, gia đình Srivaddhanaprabha. Ngược lại, châu Phi khá khiêm tốn với vỏn vẹn 2 đại diện là Brian Katzen và gia đình Assem Allam.
Xét ra rộng hơn, số lượng các nhà đầu tư vào bóng đá của lục địa đen cũng ít tới mức truyền thông không khó thống kê gần hết. Bởi lẽ, trong nhóm những người nổi bật nhất đã bao gồm cả các ông chủ của những CLB ở châu Phi, và dĩ nhiên, toàn những đội hàng đầu. Chẳng hạn như Kaizer Motuang, người sáng lập CLB Kaizer Motaung (Nam Phi) rồi đem bán 40% cổ phần với giá 4 triệu USD, trước lúc mua lại vào vài năm sau ở mức 7 triệu USD khi đội bóng này đã trở thành một trong những thương hiệu bóng đá lớn nhất nước.
Trong khi ấy, tỷ phú Patrice Motsepe mua Mamelodi Sundowns (Nam Phi) như một món đồ chơi, vì tiền bạc đối với ông không thành vấn đề khi vừa quyên góp hết nửa khối tài sản vào từ thiện. Ngược lại, triệu phú Moise Chapwe mua TP Mazembe (Congo) như một phần quảng bá tên tuổi để làm chính trị, trước lúc trở thành Thống đốc tỉnh Katanga. Về phần Irvin Khoza, ông chỉ trở thành chủ nhân của Orlando Pirates sau thời gian dài hợp tác làm ăn với CLB danh tiếng này của Nam Phi.
Còn ở bên ngoài khu vực, số lượng các nhà đầu tư châu Phi càng hiếm. Thông thường, truyền thông chỉ ghi nhận những lời dạm mua của họ tại Úc hoặc đâu đó trên thế giới như Sheffield Wednesday của Championship, nhưng ít khi ý tưởng có thể thành hiện thực. Một vài trường hợp hiếm hoi thành công có thể nhắc đến như Sporting – đội bóng vừa thành công chiêu mộ HLV lừng danh Jorge Jesus từ kình địch Benfica.
Sở dĩ có hiện tượng này là do các doanh nhân châu Phi xem đội bóng là món đồ chơi như Motsepe cực hiếm, cũng như không quan niệm quản lý đội bóng theo kiểm doanh nhân người Mỹ gốc Pakistan Shahid Khan: “Tôi không xem mình như ông chủ Fulham, mà chỉ như người đại diện các CĐV giám sát CLB”. Theo góc nhìn của họ, mua đội bóng là để kiếm lời, nên chỉ có những đội giá hời mới đáng chú ý do dễ kiếm lời.
Câu chuyện về Mohamed Al Fayed ở Fulham có thể xem như ví dụ tiêu biểu xác nhận điều đó. Vào năm 2013, tỷ phú người Ai Cập đã bán Fulham lại cho Khan với giá 300 triệu USD sau khi than rằng ông bị lỗ nhẹ. Thế nhưng, có lẽ chỉ những người ngây thơ mới tin vào điều ấy, vì trước đó 6 năm, Al Fayed chỉ phải bỏ ra khoảng 10 triệu USD để thâu tóm đội chủ sân Craven Cottage. Thử hỏi trong kinh doanh, dễ có khoản đầu tư nào tốt như thế? Câu chuyện về gia đình Assem Allam là một ví dụ khác chứng tỏ sự thận trọng của các nhà đầu tư châu Phi, khi vào năm 2010, họ chỉ phải bỏ ra 1 bảng tượng trưng mua Hull, đội bóng hiện có giá trị ước khoảng 75 triệu bảng!
Thiên Tứ