Nếu như người Anh phát minh ra bóng đá vào thế kỷ XIX đồng thời nổi tiếng với lối chơi “kick and rush” (chạy và sút) thuần túy thì người Brazil sau đó lại trở thành những nghệ sĩ đích thực trên sân cỏ, những người luôn mang cảm hứng vào trái bóng.
Tương tự, bóng đá Ý bị ám ảnh bởi chiến thuật và các hệ thống phòng ngự cứng nhắc. Trong khi người Đức sở hữu điểm mạnh nhất chính là tính kỷ luật cũng như tinh thần chiến đấu kiên cường. Về phần mình, Cruyff đã biến bóng đá trở thành một màn so tài liên quan đến cách thức kiểm soát không gian trong mỗi trận đấu. Bên nào khai thác không gian tấn công tốt hơn đồng thời hạn chế được những khoảng trống dành cho đối thủ sẽ là người giành chiến thắng (hoặc ít nhất cũng được xem là chiến thắng).
Trong nhiều thế kỷ, dân tộc Hà Lan thường xuyên phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng cao đe dọa cuộc sống. Do đó, những người Hà Lan cũng đặc biệt thông minh và tài tình trong lĩnh vực kiểm soát, khai thác không gian để sinh tồn. Cá nhân Johan Cruyff, phải chăng cũng là một người thành công nhờ việc thừa hưởng những phẩm chất mà cha ông di truyền lại? Tất nhiên, không ai dám chắc về điều này nhưng rõ ràng, các trường phái bóng đá tổng lực của ngày nay vẫn chủ yếu dựa trên những kỹ năng luân chuyển bóng theo không gian sao cho phù hợp và linh hoạt nhất, bất chấp sự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh.
Ở thập niên 70, sơ đồ chiến thuật 4-3-3 chính là tiền đề của bóng đá tổng lực dưới thời Rinus Michels. Trải qua nhiều năm, khi mà tính chất của các trận đấu ngày càng trở nên chặt chẽ hơn, đồng nghĩa rằng hệ thống tấn công trong bóng đá tổng lực cũng bắt buộc phải biến chuyển đa dạng để tìm kiếm không gian (theo đúng triết lý của Cruyff). Tại World Cup 1986, ĐT Đan Mạch mặc dù không đoạt được danh hiệu nhưng đã gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ bằng lối chơi sử dụng cặp wing-back (chạy cánh thuần túy) tấn công, một dạng thức liên quan đến phong cách tổng lực (cầu thủ chạy cánh vừa lên công vừa về thủ).
Nhìn vào danh sách những trụ cột của đội bóng Bắc Âu khi ấy, cũng không khó để nhận ra rằng nhiều người trong số này như Jesper Olsen, Soren Lerby, Jan Molby hay đội trưởng Morten Olsen chẳng hạn đều từng làm việc cùng Johan Cruyff tại Ajax Amsterdam. Bản thân Olsen sau đó đã trở thành huấn luyện viên ĐTQG Đan Mạch đồng thời tiếp tục truyền bá thứ chủ nghĩa Cruyffian cho nền bóng đá nước này.
Trên một phương diện khác, người ta cũng cần phải lý giải về sự mâu thuẫn giữa Cruyff và Louis van Gaal, người từng giúp Ajax vô địch Champions League vào năm 1995. Về mặt triết học, Van Gaal luôn tự xem mình là một “đệ tử” chân chính của HLV Rinus Michels nhiều hơn là sự ảnh hưởng đến từ những ý tưởng phát triển của Cruyff. Trong khi “ bông Tu-lip thép” đặc biệt đề cao tính hệ thống thì Cruyff lại ưa thích sự sáng tạo. Điều này đã trở thành nguyên nhân dẫn đến những khác biệt trong phương pháp làm việc của hai vị chiến lược gia người Hà Lan.
Vào cuối những năm 2000, khi mà hệ thống tiki-taka đã giúp cho ĐT Tây Ban Nha vươn lên thống trị châu Âu và thế giới (2008-2012), bằng hàng loạt các danh hiệu lớn (EURO 2008, 2012, World Cup 2010), thứ bóng đá tổng lực đã thực sự được nâng tầm trở thành một biến thể mới, hoàn thiện và cơ động hơn. Những phân tích chuyên môn cũng chỉ ra rằng, vai trò của bộ ba tiền vệ Busquets-Xavi-Iniesta chính là chìa khóa giúp cho Barca và Tây Ban Nha duy trì sự thống trị trong giai đoạn này. Mặc dù vậy, xét trên khía cạnh tổng thể, đương nhiên thứ bóng đá tốc độ của người Tây Ban Nha vẫn chỉ được bắt nguồn từ nguyên tắc “kiểm soát không gian” mà Cruyff đặt nền móng từ trước đó.
Thierry Henry, một tiền đạo chơi bóng theo phong cách “Cruyffian” từng khẳng định rằng bóng đá tổng lực không hề quan trọng hóa vấn đề sơ đồ chiến thuật hay đội hình: “Đối với chúng tôi (khi ấy là Arsenal), sơ đồ 4-3-3 hay 6-4-0 đều không thực sự mang nhiều ý nghĩa bởi đội bóng có thể tấn công bất kỳ lúc nào và xuất phát từ mọi vị trí. Mọi người cùng nhau tấn công và mọi người cùng nhau phòng ngự, đó chính là phong cách tổng lực. Tại Arsenal, sơ đồ chiến thuật 4-4-2 thường xuyên được sử dụng trong đội hình xuất phát nhưng đôi lúc, chúng tôi cũng đá 4-3-3 hoặc 3-4-3. Yếu tố quyết định ở đây chính là khả năng tương tác, di chuyển và phối hợp giữa các cầu thủ trên sân”.
Thực tế là một nền bóng đá bảo thủ như Anh quốc cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng từ những phong cách bên ngoài trong thời gian gần đây. Thay vì lối chơi bóng dài truyền thống, nhiều CLB tại Premier League bây giờ đã chịu khó kiểm soát bóng nhiều hơn trước. Không khó để nhận thấy rằng, sự xuất hiện của những HLV xuất thân hoặc phần nào chịu ảnh hưởng từ phong cách bóng đá Hà Lan đã thay đổi tư duy chơi bóng tại xứ sở sương mù, đơn cử như Wenger của Arsenal, Van Gaal tại M.U, Guus Hiddink ở Chelsea, Roberto Martinez dẫn dắt Everton hay Juergen Klopp tại Liverpool chẳng hạn, đều là những người đang theo đuổi thứ chủ nghĩa Cruyffian. Mùa giải năm nay, khi Pep Guardiola cập bến Man City, sẽ chẳng quá bất ngờ nếu như đội bóng chủ sân Etihad cũng chuyển sang chơi tiki-taka, một biến thể dựa trên nền tảng bóng đá tổng lực thuần túy.
Tại nước Ý, trong những năm cuối thập niên 1980, Arrigo Sacchi chính là chiến lược gia đã đưa AC Milan trở thành một đại diện tiêu biểu của phong cách tổng lực sau khi mang về sân San Siro bộ ba người Hà Lan bay (Gulit, Van Basten, Rijkaard). Cùng với những Paolo Maldini, Franco Baresi, Carlo Ancelotti… Milan sau đó cũng liên tiếp giành được hàng loạt chức vô địch châu Âu bằng lối đá kiểm soát không gian cực kỳ hiệu quả. Tất nhiên, các đội bóng Calcio đều muốn được như Rossoneri nhưng xét về mặt bản chất, bóng đá Italia vẫn không thay đổi. Vẻ đẹp đến từ phong cách tấn công thăng hoa mang âm hưởng Hà Lan của AC Milan không phải thứ mà các tifosi thực sự ngưỡng mộ.
Cho đến thời điểm bây giờ, Bayern Munich của Pep Guardiola, Barca của Luis Enrique hay PSG của Laurent Blanc, đều là những đội bóng hàng đầu châu Âu vẫn đang chịu ảnh hưởng đáng kể từ bóng đá tổng lực. Đành rằng yếu tố cân bằng đã được các chiến lược gia đương đại chú trọng nhiều hơn nhằm thích ứng với tư duy bóng đá mới. Thế nhưng, xét về cơ bản, những nguyên tắc kiểm soát bóng, đoạt bóng, khai thác không gian… mà Johan Cruyff từng tạo tiền đề trong quá khứ vẫn không hề thay đổi. Tất cả đều là bằng chứng sống động nhất để mô tả về một thứ tôn giáo có phần “lãng mạn” trong thế giới bóng đá, một chủ nghĩa Cruyffian đã ăn sâu trên khắp hành tinh này.
"Johan Cruyff xây dựng nhà thờ và công việc của chúng tôi chỉ là làm thế nào để tiếp tục duy trì nó”", Pep Guardiola
"Ông ấy giống như bố già của bóng đá Hà Lan", Frank Rijkaard
"Chơi bóng rất đơn giản nhưng chơi thứ bóng đá đơn giản lại là điều khó nhất", Johan Cruyff
"Ông ấy chắc chắn là cầu thủ xuất sắc nhất mà châu Âu từng sản sinh", Franz Beckenbauer
"Không Cruyff, không Dream Team. Không Cruyff, không Cantera. Không Cruyff, không Joan Laporta. Không Cruyff, không Frank Rijkaard. Không Cruyff, không Pep Guardiola", Graham Hunter.
"Trước khi tôi mắc sai lầm, tôi không phạm sai lầm", Johan Cruyff
"Nếu muốn, ông ấy sẽ là cầu thủ hay nhất ở bất kỳ vị trí nào trên sân", Eric Cantona