Lịch đấu quen thuộc và chất lượng cao của bóng đá châu Âu đang có nguy cơ bị đảo lộn bởi dòng chảy của đồng Nhân dân tệ.
“Bao cấp” cho các CLB sắm ngoại binh
Nguyên nhân đến từ 3 sự kiện. Trước hết là vụ China Media Capital mua bản quyền truyền hình Chinese Super League với giá 1,3 tỷ USD, vượt quá 20 lần so với giá trị hợp đồng cũ.
Với vụ giao dịch này, thật khó tưởng tượng China Media Capital có lợi nhuận.
Sống ở Trung Quốc khoảng 30 năm qua, Rowan Simons – tác giả cuốn “Những trụ thành bằng tre” nói về lịch sử bóng đá nước này nhận định: “Từng xu một trong vụ ký kết này đều vì mục đích chính trị”.
Không khó lý giải suy nghĩ của Rowan Simons, vì sự kiện này có thể xem như lời hưởng ứng cho chiến dịch tập trung vào bóng đá nhằm đẩy mạnh hình ảnh đất nước của chính quyền Trung Quốc.
Nhờ đó, lại thêm các “đại gia” hà hơi tiếp sức, các CLB Trung Quốc thoải mái vung tiền mua sắm ngoại binh nên không chỉ tranh đoạt tài năng với các đội mạnh ở châu Âu, mà còn khiến đối thủ tốn kém hơn nhiều do giá cầu thủ tăng phi mã.
Chẳng hạn mới đây, Shanghai SIPG bỏ ra tới 56 triệu euro để kéo Hulk rời Zenit St Petersburg.
Shandong Luneng rước Graziano Pelle rời Southampton chỉ với 13 triệu bảng, nhưng mức lương 260.00 bảng/tuần đủ để anh xếp thứ 6 trong danh sách lương cao nhất thế giới.
Tất nhiên, cũng có những trường hợp làm ngơ lời mời từ Trung Quốc như mới đây là Gonzalo Higuain. Tiền đạo người Argentina đã lắc đầu với mức lương 50 triệu euro mà Hebei China Fortune hứa hẹn.
Một trong những nguyên nhân chính khiến Higuain nói không được cho là vì e ngại lời hứa "ảo". Didier Drogba từng than thở bị xù lương khi bỏ Shanghai Shenhua.
Quan trọng hơn nữa là khi Gonzalo Higuain quyết định không đến Trung Quốc thì để giữ giá của anh, Juventus buộc phải bỏ ra 94 triệu euro cho Napoli để giải phóng hợp đồng.
China Cup và ý đồ phá rối Champions League
Sự kiện thứ 2 mà Trung Quốc đang khiến giới quản lý bóng đá châu Âu lo lắng là khai sinh China Cup từ đầu năm 2017.
Cuộc vận động hành lang của họ với FIFA dù chưa đem đến kết quả chính thức, nhưng nhiều khả năng China Cup sẽ trở thành giải thường niên trong lịch đấu của FIFA.
Thoạt đầu, China Cup sẽ là giải tứ hùng, rồi nâng lên thành 8 đội với khách mời đến từ châu Âu và Nam Mỹ.
Với Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, China Cup trong tháng 01 chẳng có gì ghê gớm, vì giai đoạn đó chủ yếu để dành cho các giải vô địch bang, nên không khó xoay nguồn cầu thủ.
Ngược lại, các giải VĐQG hàng đầu châu Âu đang nghỉ đông trong giai đoạn này, nên các ông chủ CLB chắc chắn không hài lòng nếu có cầu thủ bị gọi lên Tuyển.
Còn sự kiện thứ 3 mà Trung Quốc đang hướng đến càng táo bạo hơn: Sáng lập giải đấu đối kháng với Champions League của UEFA để các CLB hàng đầu châu Âu tranh tài.
Ngân sách tổ chức giải thì Trung Quốc chắc chẳng thiếu, vì theo Bloomberg, từ trước năm 2010, họ chẳng đầu tư xu nào thì từ 2015 đến nay, số tiền các công ty Trung Quốc bỏ ra cho bóng đá lên tới 1,5 tỷ euro.
Hơn nữa, những công ty đại diện Trung Quốc đứng ra kêu gọi tẩy chay Champions League đều thuộc loại “thứ dữ” như Dalian Wanda của tỷ phú Wang Jianlin với cam kết các CLB tham dự sẽ được nhận tiền bản quyền truyền hình nhiều hơn.
Tuy nhiên, ý tưởng này có lẽ chỉ đủ làm dao động vài CLB ở Serie A và La Liga có thu nhập èo uột, chứ chưa hẳn đánh động được các đại diện Premier League.
Ý tưởng của người Trung Quốc càng khó khả thi do giải đấu của họ chắc chắn không nhận được sự công nhận từ UEFA và có thể cả FIFA.
Hậu quả sẽ là chẳng có CLB nào dám tham dự do CLB sợ bị loại khỏi giải VĐQG và không được thi đấu quốc tế.
Dù vậy, kế hoạch này của Trung Quốc chẳng phải là không có ảnh hưởng: UEFA rất có thể bị ép buộc phải nghĩ ra một hình thức đặc cách như trong quần vợt để trao cơ hội dự giải cho các CLB lớn vừa qua một mùa tệ hại như Man Utd hay Inter Milan, Ac Milan.