MP&Silva “bán mình”
Vụ giao dịch được chốt hôm qua, khi quỹ đầu tư Trung Quốc có tên Thượng Hải Jin Xin đã mua lại 65% cổ phần của MP&Silva. Chi tiết giá trị giao dịch vẫn được giữ kín. Tuy nhiên, Hãng thông tấn Bloomberg hé lộ bên bán và mua đã định giá MP&Silva ở mức 1,4 tỷ đô la. Như thế, số tiền quỹ đầu tư Trung Quốc bỏ ra để thâu tóm 2/3 cổ phần MP&Silva rơi vào khoảng hơn 900 triệu đô la.
MP&Silva được thành lập từ năm 2004, với 2 nhà sáng lập chính Riccardo Silva – Andrea Radrizzani, những người nắm tới 80% cổ phần. Công ty truyền thông này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bản quyền các sự kiện thể thao, đặc biệt là bóng đá. Công ty này nắm giữ BQTH World Cup, các giải bóng đá VĐQG hàng đầu châu Âu, Tennis, đua xe công thức 1… MP&Silva hiện phân phối khoảng 10.000 giờ các chương trình thể thao cho hơn 500 nhà Đài trên khắp thế giới.
Thực tế, cái tên MP&Silva không xa lạ ở Việt Nam. Họ chính là đơn vị từng gây “bão” trên thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam khi rao bán các gói BQTH giải Ngoại hạng, mà gần nhất là gói 3 mùa sắp tới từ 2016 đến 2019.
Bằng việc chia tách thành gói độc quyền và các gói nhỏ, chỉ đàm phán với các nhà Đài riêng lẻ, không đàm phán với Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV), MP&Silva đã khiến các nhà Đài bở hơi tai chạy theo đàm phán. Phía VNPay TV thống nhất không trả quá 20% mức giá so với gói BQTH Premier League 3 mùa vừa kết thúc, tức khoảng 46 triệu đô la. Trong khi đó, có tin MP&Silva đòi tới… 80 triệu đô la.
Sự vụ rốt cuộc cũng kết thúc bằng việc Đơn vị truyền hình số vệ tinh K+ tiếp tục “đánh quả lẻ”, khi đàm phán riêng rẽ với MP&Silva để một lần nữa độc quyền nắm BQTH Premier League. K+ tuyên bố họ mua gói phát sóng 3 mùa tới “với mức giá thậm chí còn… rẻ hơn giá mà VNPay TV đàm phán”. Tuy nhiên, rất khó tin đó là sự thật.
Nên nhớ, thời điểm 2007 khi Đài truyền hình kỹ thuật số VTC vừa thành lập đã “chịu chơi” chi gần 4 triệu đô la mua gói BQTH giải Ngoại hạng giai đoạn 2007-10 thì gói 3 năm kế tiếp (2010-13) đã đội giá lên thành 9 triệu đô la. Và giá trị gói hiện tại vừa kết thúc, K+ đã mua lại từ IMG, được cho là có giá… hơn 40 triệu đô la. Với mức giá nhảy múa điên rồ như thế, có thể hiểu vì sao MP&Silva từng khiến các nhà Đài ở Việt Nam choáng váng khi đặt giá 80 triệu đô la cho gói BQTH Premier League 3 mùa tới.
Khi Trung Quốc muốn làm "trùm" thế giới bóng đá
Giờ thì MP&Silva đã nằm trong tay người khác. Được biết, China Everbright – Công ty cung cấp dịch vụ tài chính, và Công ty công nghệ Bắc Kinh Baofeng là 2 đơn vị góp vốn chính trong quỹ đầu tư Thượng Hải Jin Xin đã mua lại lượng lớn cổ phần MP&Silva. Và trong kế hoạch chiến lược phát triển mới, Bắc Kinh Baofeng sẽ cùng MP&Silva quản lý mảng bản quyền bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao cũng như các mảng dịch vụ cung cấp khác.
Với việc thâu tóm MP&Silva, dự báo Trung Quốc sẽ có những ảnh hưởng to lớn hơn nữa trên thị trường phân phối bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao thế giới, đặc biệt là bóng đá. Trước đó, hồi tháng 2/2015, tập đoàn Dalian Wanda của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, Wang Jialin đã mua lại 68% cổ phần Công ty thể thao & truyền thông Infront trong thương vụ có giá hơn 1 tỷ euro. Infront, có trụ sở tại Thụy Sĩ, cũng hoạt động trong lĩnh vực khai thác bản quyền truyền hình thể thao, chủ yếu là bóng đá và Công ty này được cho là có mối quan hệ mật thiết với FIFA.
Việc giành quyền kiểm soát các công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực kinh doanh bản quyền chương trình thể thao có thể xem như là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, đó là đầu tư ra nước ngoài, mà đầu tư vào lĩnh vực thể thao với trọng điểm bóng đá là ưu tiên số 1. Tất cả, không gì khác ngoài phục vụ cho mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 về bóng đá vào năm 2050, giống như đỉnh cao họ đã làm được tại Thế vận hội.
Điều đó lý giải vì sao Dalian Wanda đổ tiền mua 20% cổ phần CLB Atletico Madrid, đội sắp đá trận CK Champions League thứ 2 trong 3 mùa trở lại đây. Tập đoàn Rastar mua 56% cổ phần CLB Espanyol. Quỹ đầu tư công China Media Capital đã mua 13% cổ phần của CLB Man City hồi tháng 12 năm ngoái. Và gần đây nhất doanh nhân Toni Xia đã mua lại đội bóng lâu đời của nước Anh, Aston Villa. Bên cạnh đó còn có một loạt CLB khác hiện đã nằm trong tay các ông chủ Trung Quốc, từ Pháp tới Hà Lan và CH Czech.
Không chỉ đầu tư ra nước ngoài, bóng đá Trung Quốc cũng đã gây sốc cho làng bóng đá thế giới trong những kỳ chuyển nhượng gần đây khi bỏ ra hàng chục triệu đô la đưa về những ngôi sao hàng đầu thế giới. Mà gần nhất, ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông vừa qua những tên tuổi như Alex Teixeira, Jackson Martinez, Ramires, Lavezzi, Guarin tiếp tục lũ lượt đổ về đầu quân cho các CLB ở giải Chinese Super League.
Rõ ràng, từng bước từng bước một, Trung Quốc đang muốn vươn lên làm chủ bóng đá thế giới.