Đất nước có dân số đông nhất thế giới đã bắt đầu chú ý tới môn thể thao Vua trong vài năm trở lại đây. Rất nhanh chóng Trung Quốc bộc lộ tham vọng trở thành "ốc đảo" bóng đá của châu Á trước khi bành trướng ra thế giới.
Trung Quốc luôn tự nhận mình chứ không phải nước Anh mới là nơi khai sinh ra môn thể thao Vua. Nhưng họ chẳng hề giấu giếm việc đang bắt chức mô hình phát triển bóng đá ở xứ sương mù - nơi có giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
Giống như Premier League, Chinese Super League ngày càng vung tiền "mua chuộc" các cầu thủ hàng đầu thế giới. Cách đây 3 năm, họ chỉ dám ve vãn những cầu thủ hết thời như Nicolas Anelka hay Didier Dorgba - bộ đôi rời châu Âu để bắt chuyến phiêu lưu tại châu Á khi đều đã bước qua tuổi “băm”.
Nhưng hiện tại, rất nhiều cầu thủ đang ở giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp và còn được các CLB đại gia châu Âu săn đón lại chọn Trung Quốc. Trong hai kỳ chuyển nhượng gần nhất, Chinese Super League "cướp" Ramires khỏi Chelsea, giải thoát Jackson Martinez khỏi Atletico.
Serie A bất lực nhìn Lavezzi rời PSG, Alex Teixeira đã không đến Liverpool như hứa hẹn. Đó đều những cầu thủ dưới 30 tuổi khi vụ chuyển nhượng sang châu Á của họ diễn ra.
Trung Quốc rất khôn ngoan khi đánh đúng tâm lý chung của đại đa số cầu thủ Nam Mỹ. Các cầu thủ Argentina hay Brazil thường “ham” tiền bởi phải sống trong nghèo khổ khi còn nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, họ nỗ lực hết mình để đến châu Âu với giấc mơ đổi đời và không gì hoàn hảo hơn là kiếm bộn tiền mà chỉ cần đá “nhẹ nhàng” ở cuối sự nghiệp.
Tuy nhiên vụ chuyển nhượng của Graziano Pelle sau chiến dịch khá thành công cùng tuyển Ý tại EURO 2016 là một bước đột phá. Anh vẫn có vị thế số 1 ở Southampton nhưng lại ra đi không lưỡng lự.
Dĩ nhiên cái giá mà Trung Quốc phải trả là cực đắt. Pelle đang là cầu thủ nhận lương cao thứ 6 thế giới khi mỗi tuần đều đặn nhận 290 nghìn bảng vào tài khoản.
Đây là mức thu nhập bằng với tân binh Paul Pogba của Man Utd (cao nhất Premier League), và nhỉnh hơn 1/3 so các siêu sao ở La Liga là Neymar và Gareth Bale (mỗi người lương khoảng 200 nghìn bảng/tuần).
Không chỉ các cầu thủ, những HLV hàng đầu của châu Âu cũng được Trung Quốc lôi kéo dù họ chẳng biết gì về cầu thủ, phong cách thi đấu, ngoại ngữ và hệ thống bóng đá ở Trung Quốc.
Sau cựu HLV tuyển Anh Sven Goran-Eriksson là Luiz Felipe Scolari - người từng dẫn dắt đội tuyển BĐN, Brazil và CLB Chelsea. Hồi tháng 6, nhà vô địch Bundesliga Felix Magath tới Shandong Luneng - nơi vừa chiêu mộ Pelle.
Cựu HLV Man City và Real Madrid, Manuel Pellegrini tới Hebei China Fortune cuối tháng 8. Và nhiều khả năng tiếp theo là Roberto Mancini – nhà vô địch Ý từ 2005 đến 2008 và vô địch Anh năm 2012.
Thống kê cho biết các CLB Trung Quốc bỏ ra 208 triệu bảng trong kỳ CN mùa Đông. Premier League nổi tiếng "ném tiền qua cửa sổ" cũng chỉ tiêu có 127 triệu bảng cách đây 8 tháng.
Trong mùa Hè, cả hai tiếp tục bận rộn với những vụ mua bán bất tận. Man Utd phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới khi bỏ ra 89 triệu bảng cho Pogba. Shanghai SIPG, đội bóng đang được HLV Eriksson dẫn dắt, khiến cả châu Á (lẫn châu Âu) giật mình khi chiêu mộ Hulk với 46 triệu bảng.
Đáng ra danh sách các ngôi sao trên còn dài hơn nữa. Ibrahimovic không được ông thầy cũ Jose Mourinho vẫy gọi tới Old Trafford thì đã có thể tới Trung Quốc. Tương tự là Schweinstieger và Wayne Rooney cũng nhận được những lời đề nghị được mô tả là "vô tiền khoáng hậu".
Trung Quốc là quốc gia luôn ôm tham vọng bá chủ dù trong bất cứ lĩnh vực nào. Biến Chinese Super League thành "Premier League của châu Á". Đó mới chỉ là giai đoạn đầu của kế hoạch “bành trướng” ra bản đồ bóng đá thế giới.
Guangzhou Evergrande Taobao - CLB của Jackson Martínez và Paulinho - đã 2 lần vô địch châu Á các năm 2013 và 2015. Đây là quãng thời gian Trung Quốc đầu tư mạnh cho nền bóng đá trong nước.
Trước đó phải lùi tới hơn 20 năm mới có một CLB của Trung Quốc lên "đỉnh" khu vực. Đó là đội Liaoning Whowin vô địch năm 1990.
Hiện tại đang có 2 CLB lọt vào tới tứ kết của AFC Champions League mùa này là Shanghai SIPG - đội bóng mới của Hulk - và Shandong Luneng - đội mới của Pelle.