Tự Chuyện Luis Suarez – Kỳ 15: Khởi đầu nan

chủ nhật 23-11-2014 19:00:36 +07:00 0 bình luận
(Thethao24.tv) – Suarez đã hoàn thành được giấc mơ khoác áo một CLB lớn khi gia nhập Liverpool, nhưng những ngày đầu

(Thethao24.tv)Suarez đã hoàn thành được giấc mơ khoác áo một CLB lớn khi gia nhập Liverpool, nhưng những ngày đầu của anh ở đây lại không mấy dễ dàng.
Liverpool v Queens Park Rangers - Premier League

Chẳng có ai xuất hiện trong ngày tôi được giới thiệu ở Liverpool. Tôi vừa gia nhập CLB với cái giá 22,8 triệu bảng và tôi đã bắt đầu hình dung về một lễ chào sân hoành tráng với hàng chục nghìn CĐV, với tôi mặc màu áo đỏ và biểu diễn vài pha tâng bóng. Nhưng cuối cùng thì họ bảo tôi: “Tuần sau quay lại nhé. Sẽ có một buổi họp báo chung với Andy Carroll và một vài câu hỏi. Chỉ có vậy thôi”. Đó là văn hóa bóng đá ở Anh. Khác với TBN, sẽ không có ai được cả SVĐ vỗ tay chào đón khi mà anh ta chưa cống hiến được gì cho CLB cả.
Tôi có buổi nói chuyện đầu tiên với Damien Comolli ở Melwood và ông ấy khẳng định rõ rằng Liverpool tin tưởng vào tôi. Có thể một số người nghi ngờ về khả năng thành công của tôi tại Liverpool vì tôi đến từ một giải VĐQG vẫn bị xem là yếu hơn, nhưng Comolli và Kenny Dalglish không cho là thế và tôi sẽ luôn luôn cảm thấy biết ơn họ vì niềm tin mà họ dành cho tôi.
Có một số người ở Ajax đã nói với tôi rằng việc chuyển sang Liverpool không hẳn là một bước tiến ở thời điểm đó. Liverpool không được dự Champions League và cũng không có được vị trí tốt ở Premier League. Tham vọng của tôi là giành danh hiệu ở một CLB thực sự lớn và Ajax bảo tôi rằng Liverpool không đạt tới đẳng cấp đó, cho dù tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Tất nhiên tôi nhận thức được là lần gần nhất Liverpool giành chức VĐQG đã cách đây rất lâu và họ vừa trải qua một mùa giải chật vật với Roy Hodgson vào năm ngoái, tuy nhiên mới chỉ 4 năm trước thì Liverpool vẫn còn có mặt trong trận chung kết Champions League và tôi cũng biết về tầm vóc cũng như lịch sử của CLB. Tottenham cũng từng muốn có tôi và họ sẵn sàng trả số tiền tương tự như Liverpool, nhưng tôi chỉ muốn đến Liverpool và thời gian sẽ chứng minh rằng đó là một quyết định đúng đắn.
Cái cảm giác chờ đợi thương vụ được hoàn tất là vô cùng sốt ruột. Trong quá trình thương lượng với Groningen thì tôi suýt nữa đã không đủ kiên nhẫn và quay về Uruguay. Lần này thì tôi không hề lo lắng rằng vụ chuyển nhượng sẽ bị hủy bỏ, nhưng tôi vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi trong một căn phòng của khách sạn Hope Street. Tôi không thể xuất hiện trước công chúng và tôi gần như dành cả ngày để chờ các cuộc điện thoại của người đại diện. Đến tối ngày 30 thì tôi nhận được thông báo là mọi chuyện đã xong và tôi sẽ có buổi tập đầu tiên vào ngày hôm sau. Khi đó, điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến là viễn cảnh được chơi bóng bên cạnh Steven Gerrard và Fernando Torres. Sau tất cả những năm tháng chơi bóng tại Hà Lan và xem họ ghi bàn trên TV, sau tất cả những lần điều khiển Liverpool trên PlayStation, tôi vẫn không thể tin rằng có một ngày mình lại được sát cánh cùng những cầu thủ đó trong đời thực.
Nhưng không phải chuyện gì cũng diễn ra đúng như kỳ vọng. Cùng vào lúc đó thì Liverpool đã quyết định bán Torres và mua về Andy Carroll. Điểm tốt là tôi có thể vào ở luôn căn nhà của Fernando, nhưng điểm xấu là thậm chí tôi còn không có cơ hội tập luyện cùng anh ấy. Tuy nhiên cũng may mà tôi không phải là chữ ký mới duy nhất của Liverpool vào thời điểm đó. Còn có Andy Carroll nữa và anh ấy giống như một tấm khiên che chở cho tôi. Andy có giá đắt hơn tôi và người ta thường nói đến anh ấy như là sự thay thế cho Torres.
Fernando cũng giới thiệu những người bạn của anh ấy cho tôi. Pepe Reina, người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong quãng thời gian đầu ở Liverpool, Maxi Rodriguez, Lucas Leiva và Fabio Aurelio đều sống ở gần đó. Tôi cũng có quan hệ rất tốt với Dirk Kuyt bởi chúng tôi đều từng trải qua môi trường bóng đá Hà Lan. Cả Glen Johnson nữa. Anh ấy là một cầu thủ rất giỏi, hội tụ đầy đủ sức mạnh, kỹ thuật và sự khôn khéo. Rất khó để tìm thấy một người như Glen và tôi nghĩ lý do khiến anh ấy bị đánh giá thấp là vì Glen không phải mẫu hậu vệ cánh cổ điển kiểu Anh. Glen cũng không phải một người Anh điển hình. Anh ấy nói được một ít tiếng TBN và am hiểu văn hóa Latin, hiểu cái cách mà chúng tôi đùa cợt. 2/3 đứa con của Glen cũng nói được tiếng TBN cho dù chúng còn rất nhỏ. Thậm chí tôi còn hơi nghi ngờ liệu Glen có thực sự là người Anh hay không.
Có một giai đoạn mà tiếng TBN của Glen còn tốt hơn tiếng Anh của tôi, bởi tôi thường xuyên gặp mặt một nhóm bạn nói tiếng TBN và tôi không có nhiều cơ hội để cải thiện kỹ năng tiếng Anh. CLB đã phải thu xếp một giáo viên tiếng Anh cho tôi nhưng học tiếng Anh không phải là một chuyện đơn giản. Ở Hà Lan thì họ bắt tôi phải nói tiếng Hà Lan trên sân tập và ngay cả Bruno Silva cũng sẽ cố gắng nói tiếng Hà Lan với tôi ngoài đời, nhưng ở Anh thì bạn có thể sống tốt mà không cần phải nói tiếng Anh quá giỏi. Và mỗi khi tôi cố gắng nói chuyện với các đồng đội bằng tiếng Anh thì phần lớn bọn họ chẳng hiểu gì hết, bởi 1/2 số từ ngữ mà tôi sử dụng – những từ mà tôi nghĩ là tiếng Anh – hóa ra lại là tiếng Hà Lan. Tiếng Anh và tiếng Hà Lan không đến mức giống nhau y hệt, nhưng đủ giống nhau để làm tôi hiểu lầm.
Có bao giờ bạn thấy một vài cầu thủ nước ngoài trả lời phỏng vấn trên TV và tự hỏi: “Làm thế quái nào mà anh ta có thể nói tiếng Anh tốt như thế nhỉ?”. Câu trả lời là họ biết trước cánh phóng viên sẽ hỏi những gì và họ có thể chuẩn bị trước câu trả lời để không làm lộ ra những điểm yếu kém trong kỹ năng tiếng Anh của mình. Vì thế nên điểm quan trọng nhất trong khóa học tiếng Anh của tôi là luyện tập cho các cuộc phỏng vấn. Chỉ cần học thuộc lòng một vài cụm từ là được.
Tôi nghĩ cuộc phỏng vấn đầu tiên mà tôi thực hiện bằng tiếng Anh là sau trận đấu với Everton tại Goodison Park. Theo như thầy giáo tiếng Anh của tôi thì tôi đã trả lời một cách hoàn hảo, và thực ra tôi buộc phải trả lời hoàn hảo vì tôi đã luyện tập rất kỹ. “Giành được 3 điểm là điều quan trọng nhất”… “Chúng tôi biết đây sẽ là một trận đấu khó khăn và chúng tôi đã tập luyện rất nghiêm túc trong suốt một tuần trước đó”… “Chúng tôi rất vui mừng vì thắng lợi, nhưng bây giờ là lúc quên nó đi và tập trung vào các trận đấu sắp tới”. Lần nào cũng là các câu trả lời như vậy.
Truyền tải thông tin là một chuyện, nhưng tiếp nhận thông tin lại là một chuyện khác. Đặc biệt là khi Kenny Dalglish nói. Không giống như nhiều HLV khác, Kenny không chiếu danh sách thi đấu lên màn hình. Ông ấy chỉ cầm một mẩu giấy và đọc tên những cầu thủ sẽ vào sân. Hai ngày sau khi tôi ký HĐ với Liverpool, Kenny thông báo danh sách các cầu thủ đá chính và dự bị cho trận gặp Stoke City và tôi nghĩ: “Không có tên mình. Tệ thật, thậm chí mình còn không lọt vào danh sách 18 người”. Có lẽ HLV không muốn mạo hiểm với thể lực của tôi vì tôi chỉ vừa mới đến đây. Nhưng trên chuyến xe bus tới Anfield thì Ray Haughton, chuyên viên truyền thông của CLB, chúc mừng tôi và tôi quay sang hỏi Pepe Reina: “Ông ấy vừa nói Suarez à?”. Pepe bảo: “Có, ông ấy có nói Suarez. Cậu sẽ ngồi dự bị. Nhưng ông ấy phát âm theo một cách thức hoàn toàn khác với chúng ta, một cách thức chưa bao giờ xuất hiện trước đây”.
Một lần khác, trước chuyến làm khách với Arsenal, ông ấy nói với tôi: “Hôm nay cậu “left out””. Tôi bảo “Ok, ok” và nói với Jose Enrique rằng: “Hôm nay tôi sẽ giúp đỡ cậu, Jose”. Dirk Kuyt nghe thấy và bảo: “Ý cậu là sao?”. “Hôm nay tôi sẽ chơi bên cánh trái” – tôi trả lời. Nhưng đến khi Kenny thông báo danh sách đá chính thì tôi không có tên và Jose cũng như Dirk nhìn sang tôi bằng một bộ mặt rất khó tả. Họ hỏi tôi: “Ông ấy đã nói gì với cậu thế?”. “Ông ấy bảo tôi sẽ bị “left out”, như thế không phải là đá cánh trái à?”. Dirk: “Ông ấy nói “left out” hay là “out on the left/outside left?”. “Left out, chắc chắn là “left out”. Dirk:…. Sau vài giây ngẩn người ra, anh ấy nhấn mạnh từng chữ: “Left.Out.Nghĩa là cậu sẽ bị bỏ ra ngoài và sẽ không đá trận này”. n

 Thanh Quang  

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm