Khi nhà ĐKVĐ Anh, Leicester bổ sung tiền đạo Ahmed Musa, hẳn họ đã nghĩ rằng chiều cao không phải vấn đề quan trọng nhất trong môi trường bóng đá hiện đại...
Đá tiền đạo vì... lùn
Theo lời Ahmed Musa, sự kiện này chứng tỏ anh đã có quyết định chính xác nhất trong sự nghiệp, khi từ bỏ giấc mơ làm thủ môn để trở thành tiền đạo. Nhờ đó, tuyển thủ Nigeria 23 tuổi mới được chuyển từ CSKA Moscow đến Leicester với giá 16,5 triệu bảng (19,7 triệu euro).
Thật ra, Ahmed Musa đã chuyển sang đá tiền đạo từ hồi đi học: “Tôi từng là thủ môn trong độ tuổi 10-12, nhưng rốt cuộc nhận ra mình không đủ tài năng để trở thành thủ môn chuyên nghiệp”.
“Bởi lẽ, thách thức đầu tiên là tôi không quá cao”, Ahmed Musa nhớ lại, “Nhưng lúc tôi chuyển sang đá tiền đạo, nhiều người vẫn chê tôi nhỏ quá. Lần này tôi bảo: ‘Chiều cao không thành vấn đề, quan trọng là làm được gì mà thôi’.”.
Ahmed Musa nhận xét có phần đúng, vì bóng đá có lẽ là môn thể thao hiếm hoi không quá chú trọng chiều cao. Cầu thủ có tầm vóc như thế nào chăng nữa thì chỉ cần có tài, họ luôn có chỗ đứng trên sân.
Tuy nhiên, nhận định của Ahmed Musa cũng không hoàn toàn chính xác, vì bóng đá đủ sức dung chứa mọi chiều cao, nhưng vẫn có những yêu cầu nhất định. Chẳng hạn: Chỉ cao chừng 1m50-1m60 thì đừng mơ mộng làm thủ môn.
Nói cách khác, bóng đá là môn thể thao… dân chủ, nhưng vẫn phải thừa nhận là chiều cao của cầu thủ quyết định nhiều tới vị trí thi đấu của họ. Các thủ môn, trung vệ và tiền đạo cắm thường cao hơn đồng đội, trong lúc các cầu thủ chạy cánh và các tiền vệ trụ cùng tấn công thường nhỏ con hơn.
Bóng đá là môn thể thao dân chủ đến đâu?
Những cầu thủ nổi tiếng đá cánh hoặc sắm vai “số 10” hay đá trụ có chiều cao khiêm tốn rõ ràng không hiếm, như Diego Maradona 1m65, Roberto Carlos và Santi Cazorla cùng 1m68, Lionel Messi, Alexis Sánchez, Romário và Garrincha đều 1m69, Xavi, Andrés Iniesta, Philipp Lahm, Makélélé, Paul Scholes cao 1m70.
Theo Stasinos Stavrianeas – giáo sư về khoa học thể chất tại ĐH Willamette, nguyên nhân chủ yếu giúp họ thành công là do nhỏ con nên trọng tâm thấp, nhờ đó dễ dàng xoay sở trong không gian hẹp khiến đối thủ khó nắm bắt, cũng như khả năng giữ thăng bằng tốt khi chạy nhanh nên đối phương không dễ ngăn chặn.
Nhưng khi bàn tới tiền đạo, chiều cao rõ ràng là lợi thế, đặc biệt để giúp họ tăng cơ hội đánh đầu ghi bàn hơn. Do đó, không khó kiếm những tiền đạo cao kều như Yang Changpeng 2m05, Tor Hogne Aarøy 2m04, Lacina Traore và Øyvind Hoås cùng 2m03, Jan Koller, Stefan Maierhofer và Nikola Žigić đều 2m02 hoặc Peter Crouch 2m01…
Tất nhiên, còn có những tiền đạo vừa cao lớn, lại có tốc độ và giàu kỹ thuật như Zlatan Ibrahimović 1m95, Didier Drogba 1m89, Thierry Henry 1m88, hay Cristiano Ronaldo cùng 1m85…
Tuy nhiên, đây là những cầu thủ được “trời thương” nên ngoài chiều cao còn được ban tặng cho những ưu điểm khác để trở thành mẫu tiền đạo hoàn hảo. Những trường hợp như vậy có thể xem là cá biệt.
Đến hàng thủ, vị trí trung vệ rõ ràng cũng cần chiều cao để dễ đối phó với tiền đạo đối phương trong các pha không chiến. Có nhiều ví dụ về trường hợp này như Matej Bagarić 2m01, Brede Hangeland 1m99, Per Mertesacker và Naldo 1m98, Daniel Van Buyten 1m97, Andrea Ranocchia 1m95, Christoph Metzelder 1m94, Vincent Kompany, Marco Materazzi, Sami Hyypiä hoặc Christopher Samba đều 1m93…
Dù vậy, các trung vệ nổi tiếng vẫn có những người có chiều cao khiêm tốn như Carles Puyol 1m78, Fabio Cannavaro và Franco Baresi đều 1m76, Javier Mascherano 1m74 hay Iván Córdoba 1m73…
Ở vị trí thủ môn, xu hướng chung cũng là ưu tiên chiều cao để dễ dàng bao quát khung thành thành. Vị trí này càng nhiều đại diện khổng lồ như Kristof Van Hout 2m08, Vanja Iveša 2m06, Jason Mooney 2m04, Costel Pantilimon 2m03, Željko Kalac 2m02, Fraser Forster vàGoran Blažević đều 2m01, Thibaut Courtois và Andreas Isaksson cùng 1m99, Asmir Begović 1m98, Edwin van der Sar 1m97, Petr Cech, Joe Hart, Wojciech Szczesny và Diego López đều 1m96, hoặc Dida và Vladimir Stojković 1m95.
Thế nhưng, thủ môn vẫn có những “chú lùn” nổi tiếng như Jorge Campos 1m68, Óscar Pérez 1m72 hoặc René Higuita 1m75.
Ảnh hưởng của chiều cao
Từ những ví dụ vừa nêu, phải chăng trong bóng đá, chiều cao không có giá trị đáng kể?
Một cuộc khảo sát hơn 13.000 cầu thủ thuộc các LĐBĐ châu Âu cho biết những kết luận thú vị: Nếu một đội có 24 thành viên thì có đến 8 trong số đó cao hơn 1m85, nhưng Barcelona – đội bóng thành công nhất trong thập niên qua lại có chiều cao trung bình thuộc loại thấp nhất thế giới, 1m77.
Trên thực tế, phát hiện này được đánh giá là hoàn toàn không mâu thuẫn! Bởi lẽ, Barcelona thành công nhất vì lối chơi chuyền bóng sệt thông qua tuyến giữa dựa vào những cầu thủ giàu kỹ thuật và chuyền bóng tốt mà những đòi hỏi này rất phù hợp với đội ngũ nhỏ con của họ.
Quan trọng không kém, Barcelona đang hưởng lợi nhờ may mắn được lò La Masia cung cấp những lứa cầu thủ chất lượng cao do rất biết cách tạo ra những “tam giác ảo” trên sân để dễ chuyền bóng và hiểu rõ lối chơi này ngay từ thời còn ở học viện.
Các đội nhỏ con khác không có những đặc điểm tương tự, nên dễ hiểu tại sao trên bảng xếp hạng của FIFA, thứ hạng các đội thường tỷ lệ thuận với chiều cao bình quân của đội bóng (thống kê của ĐH Trung Âu tại Budapest, Hungary). Đấy là chưa kể ở World Cup 1994, Brazil vô địch với đội ngũ có chiều cao bình quân cao nhất giải.
Do đó, đừng bất ngờ nếu biết trong thập niên qua, chiều cao bình quân của các cầu thủ bóng đá đã tăng 0,28cm, hiện đạt đến 1m82. Trong đó, Premier League nằm trong các giải VĐQG quy tụ nhiều cầu thủ cao lớn nhất.
Nhưng trong xu thế chiều cao ngày càng được ưa chuộng, các cầu thủ nhỏ con thật ra vẫn có chỗ đứng nhất định. Bởi lẽ, chiều cao chỉ được xét đến nếu cầu thủ có phẩm chất không nổi bật, nên cũng có thể hiểu là cầu thủ cao lớn chưa chắc đã giỏi.
Còn nếu anh ta quá xuất sắc thì lúc đó, chiều cao đã không thành vấn đề! Nguyên nhân thật ra cũng chẳng khác đời thường: Những người có khiếm khuyết thường làm việc quyết tâm hơn, có tổ chức hơn và năng động hơn nhằm bù đắp thiệt thòi của bản thân.
Điều này từng được Bixente Lizarazu – cựu hậu vệ trái tuyển Pháp chỉ cao 1m69 xác nhận: “Tôi không phải mẫu người thích bỏ cuộc, nhất là khi từng bị chê quá lùn trước lúc chơi bóng chuyên nghiệp. Vì vậy mà khi phải cố gắng, tôi sẵn sàng thể hiện tới 120% khả năng”.
Đội tuyển nữ Đức từng nếm trải sâu sắc bài học đau đớn đó tại World Cup 2011 tổ chức trên sân nhà. Vì ở tứ kết, họ đã thua Nhật. Dù sau đó lên ngôi vô địch, nhưng Nhật chịu thiệt quá nhiều khi mỗi cầu thủ thường thấp hơn đối phương tới 10cm.
Chiều cao không đảm bảo thành công còn có thể thấy ở Kristof Van Hout, thủ môn cao 2m08 từng chơi cho Standard Liege nhưng nay lưu lạc tới các CLB kém danh tiếng hơn nhiều như Westerlo.
Thậm chí tại La Liga, các cầu thủ cao to hơn có xu hướng nhận thẻ nhiều hơn, vì trọng tài có cảm giác họ tranh bóng quá hung hăng như đánh giá của Chris Anderson thuộc “Soccer by the Numbers”.
Đến lúc này, có lẽ ví dụ đã đủ để đưa ra kết luận về ảnh hưởng của chiều cao với điển hình là Bayern Munich lừng danh. Trong 50 năm qua, chiều cao bình quân của “Hùm xám” đã tăng 5cm như tiết lộ từ “fussballdaten.de”.
Nhưng nếu xét riêng từng thành viên trong đội trong bao năm qua, chênh lệch thường thấy từ 8-18cm! Thậm chí giờ đây, Frank Ribery 1m70 kém hẳn một cái đầu so với thủ môn Manuel Neuer 1m93.
Tuy nhiên, khác biệt ấy vẫn không đủ ngăn cản Bayern Munich thống trị Bundesliga và tung hoành trên đấu trường châu Âu. Bởi lẽ, họ không chê cầu thủ nhỏ con và cũng không ưu tiên cầu thủ cao lớn. Tất cả những gì họ cần làm chỉ là đặt từng người vào vị trí tốt nhất mà thôi!