Về scandal hối lộ tại FIFA: Kỳ 4 – Tương lai nào cho FIFA?

thứ hai 1-6-2015 20:53:37 +07:00 0 bình luận
FIFA giờ đây gần như đã trở thành tổ chức một người, và tương lai của nó cũng gắn liền với số phận của Blatter.

gettyimages-47514069200000

Với những diễn biến mới nhất thì có vẻ như vị trí của Blatter tạm thời chưa bị đe doạ quá nghiêm trọng và sẽ chưa có thay đổi gì quá lớn trong cơ chế vận hành của FIFA.

Gần 20 năm tại vị đã giúp Sepp Blatter đặt dấu ấn sâu đậm lên FIFA và thực ra tương lai của FIFA cũng chính là tương lai của Blatter. Nếu như hoàng tử Ali bin Al-Hussein giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa rồi thì hầu như chắc chắn ông sẽ thực thi cải cách ở thượng tầng FIFA, mà đầu tiên là yêu cầu xem xét lại các chiến dịch vận động đăng cai World Cup 2018 và 2022. Còn thắng lợi của Blatter cũng có nghĩa là các “nhóm lợi ích” liên quan đến ông này sẽ tiếp tục được bảo vệ (dẫn chứng là vào cuối năm 2014, FIFA từng nhận được một bản báo cáo nội bộ do cựu công tố viên Michael Garcia cung cấp, tuy nhiên chỉ có 42 trang/350 trang báo cáo được FIFA công bố chính thức để tránh gây ảnh hưởng đến Nga và Qatar). Hiện tại Blatter vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tâm bão: theo nguồn tin từ văn phòng Bộ Tư pháp Thuỵ Sĩ thì Blatter và 9 quan chức FIFA nữa sẽ bị giới chức Thuỵ Sĩ thẩm vấn để phục vụ cuộc điều tra về việc mua phiếu bầu World Cup 2018 và 2022 (trong số 9 cái tên còn lại có Michel Platini, người sẽ ở lại Zurich ngay cả khi đại hội đồng FIFA đã chấm dứt nhằm tạo thuận lợi cho công tác điều tra). Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu như cho rằng chừng đó là đủ để đánh gục Blatter.

Ở thời điểm này, Blatter đang phải đối mặt với ba thách thức chính. Một là cuộc điều tra của phía Mỹ về nghi án nhận hối lộ và rửa tiền, hai là sự quay lưng của UEFA (chính xác hơn là một số thành viên chủ chốt trong tổ chức này) và ba là thái độ hoài nghi của nhiều nhà tài trợ, những người đã rót hàng tỷ USD vào FIFA trong vài năm vừa qua. Nhưng với những gì vừa xảy ra trong vài ngày trở lại đây, dường như mối đe doạ nhằm vào Blatter nói riêng hay cấu trúc quyền lực hiện tại của FIFA không lớn như nhiều người từng lầm tưởng.

Người Mỹ cần thêm thời gian

Mục tiêu của người Mỹ có vẻ như không dừng lại ở nhóm quan chức FIFA vừa bị bắt giữ tại Zurich. Những nhân vật có liên quan đến hoạt động điều tra đều lần lượt khẳng định rằng “đây là một vụ án lớn, rất lớn, có lẽ là nghiêm trọng bậc nhất trong lịch sử của nhóm tội phạm cổ trắng” hoặc “mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đây, sẽ còn có thêm những con cá nữa lọt lưới”. Theo nhận định của giáo sư Stefan Szymanski (ĐH Michigan, Mỹ)  Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang hy vọng khai thác được thêm thông tin từ những Jack Warner hay Nicolas Leoz, qua đó sử dụng họ như là điểm đột phá trong công tác điều tra (giống như cái cách mà Chuck Blazer từng khai ra những hành vi phi pháp của các cựu đồng nghiệp ở FIFA). “Nếu họ không muốn trải qua phần còn lại của cuộc đời trong cảnh tù tội thì phải hợp tác với cơ quan tư pháp, ví dụ như làm rõ hơn những nghi vấn xung quanh hoạt động của FIFA hoặc cung cấp thêm thông tin về hành vi phạm pháp của những quan chức cấp cao khác, Blatter chẳng hạn” – Szymanski phát biểu. Đúng là có những điều mà phía Mỹ cần làm rõ, chẳng hạn như ai là người đã phê duyệt chuyển món tiền 10 triệu USD từ tài khoản ngân hàng của FIFA tại Thuỵ Sĩ vào một tài khoản của Bank of America New York do Jack Warner kiểm soát (Blatter khẳng định đó không phải là mình), nhưng việc dẫn độ những quan chức vừa bị bắt tại Thuỵ Sĩ về Mỹ sẽ đòi hỏi thời gian vài tháng và không có gì đảm bảo là người Mỹ sẽ có được những thông tin mà họ mong muốn. Ngay cả Chủ tịch LĐBĐ Anh Greg Dyke cũng phải thừa nhận rằng gây áp lực lên cá nhân Blatter là điều gần như bất khả thi và một giải pháp hấp dẫn hơn là kêu gọi các LĐBĐ khác cùng tạo áp lực lên FIFA. Nhưng nội bộ của UEFA cũng không phải là bền chắc như thép…

UEFA phân hoá nội bộ

Sự phân bổ lực lượng trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA vừa qua là tương đối rõ ràng. Về cơ bản thì các quốc gia châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và Caribe nghiêng về phía Blatter trong khi châu Âu và Bắc Mỹ dành sự ủng hộ cho Ali bin Al-Hussein. Tuy nhiên ngay cả trong nội bộ UEFA cũng vẫn có những sự phân hoá nhất định, mà minh chứng là đã có tới 18/53 thành viên UEFA lựa chọn Blatter bất chấp những lời hiệu triệu của Michel Platini về việc dồn phiếu cho hoàng tử Ali. Trong số các lá phiếu ủng hộ Blatter có phiếu của Nga (dĩ nhiên) cùng với một số nước láng giềng Đông Âu, ngoài ra còn có Thổ Nhĩ Kỳ, Đảo Síp, Phần Lan và kể cả Tây Ban Nha, Pháp. Chủ tịch LĐBĐ TBN (RFEF) Angel Maria Villar Llona vốn là một đồng minh thân cận của Blatter nên việc RFEF bỏ phiếu cho ngài Chủ tịch sắp mãn nhiệm cũng không phải là chuyện gì quá đáng ngạc nhiên. Nhưng còn Pháp? Nên nhớ đó là quê hương của Platini, người từng nhiều lần lên tiếng đòi Blatter từ chức cũng như đe doạ dẫn đầu các quốc gia châu Âu tẩy chay World Cup. Theo như giải thích của Chủ tịch LĐBĐ Pháp (FFF) Noel Le Graet thì lá phiếu mà FFF dành cho Blatter là để đền đáp lại việc FIFA trao quyền đăng cai World Cup bóng đá nữ 2019 cho Pháp. “Đó là một nghĩa vụ” – lời Le Graet. Khoan hãy bàn về mức độ đáng tin cậy trong các phát ngôn của giới chức bóng đá Pháp (Platini cũng dính vào nghi vấn ủng hộ Qatar đăng cai World Cup 2022 để đổi lấy việc quốc gia vùng Vịnh này ký hàng loạt hợp đồng nhập khẩu vũ khí từ Pháp, nên những lời kêu gọi Blatter từ chức có thể chỉ là “chiêu trò” của ngài Chủ tịch UEFA), có thể nhận thấy một sự thực là người Anh đang tương đối đơn độc trong những nỗ lực lật đổ Blatter. Các nhà điều hành bóng đá châu Âu sẽ nhóm họp vào cuối tuần này tại Berlin nhằm bàn thảo kỹ lưỡng hơn, nhưng khi mà Chủ tịch LĐBĐ Đức Wolfgang Niersbach đã tuyên bố “Tẩy chay World Cup không phải là một hành động đúng đắn” thì có lẽ cuộc họp sắp tới cũng không giải quyết được gì.

Các nhà tài trợ cần World Cup

Áp lực từ phía các nhà tài trợ cũng từng được coi là một mối nguy tiềm tàng đối với vị trí Chủ tịch của Blatter. Ngay sau những tin tức về cuộc bắt giữ ở Zurich xuất hiện trên mặt báo, một số nhà tài trợ đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại. Trong đó hãng dịch vụ tài chính VISA (chiếm tới hơn 40% thị phần thẻ tín dụng trên toàn thế giới) tỏ ra nặng lời nhất khi tuyên bố “Nếu FIFA không thay đổi, chúng tôi sẽ cân nhắc lại việc rót tiền tài trợ”. Tuy nhiên theo như tiết lộ của Andrew Woodward, cựu Giám đốc truyền thông của VISA, đó chỉ là một động tác giả nhằm đối phó với áp lực dư luận Mỹ (VISA là một doanh nghiệp Mỹ). “Các nhà tài trợ không cần FIFA, nhưng họ cần thông qua thương hiệu FIFA World Cup để tiếp cận với người tiêu dùng” – lời Woodward. Đơn cử, nhờ có FIFA mà Budweiser mới được phép bán bia tại các SVĐ ở Brazil trong quãng thời gian diễn ra World Cup 2014 và doanh số của hãng này đã tăng trưởng tới 4,3% trong năm vừa qua. Herber Hainer, CEO của Adidas, cho biết doanh số của nhà sản xuất trang phục thể thao này đã tăng tới hơn 20% trong năm 2014 và tất nhiên lý do chính là nhờ World Cup. “Tôi sẽ hỏi những gã đang có ý định chấm dứt hợp đồng tài trợ với FIFA xem liệu họ có bị điên không. FIFA World Cup là thương hiệu phổ biến nhất thế giới, mọi người đều quan tâm đến nó và họ chẳng cần biết liệu trong nội bộ FIFA có xảy ra tham những hay không” – vẫn lời Woodward. Tóm lại, mối bận tâm hàng đầu của các nhà tài trợ này vẫn là lợi nhuận và chừng nào World Cup còn mang lại tiền cho họ thì họ vẫn chưa cần thiết phải ngừng hợp tác với FIFA. Và chiếc ghế của Blatter sẽ vững hơn đôi chút, nhưng thiết tưởng cũng cần phải nhắc lại rằng World Cup 2018 và 2022 chưa chắc đã mang lại giá trị thương mại cao như những VCK trước đó…

Kỳ 5: Khi World Cup có nguy cơ mất giá.

QUANG HẢI

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm