1,5 triệu USD của VFF và bộ mặt thật của V.League

Triệu Vân
thứ hai 10-8-2020 6:11:58 +07:00 0 bình luận
LĐBĐVN (VFF) đang bị đặt câu hỏi về cách sử dụng số tiền 1,5 triệu USD từ FIFA trong bối cảnh các đội bóng tại V.League đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 muốn được hỗ trợ. Có thể thấy gì từ câu chuyện đang diễn ra?

Đầu tiên cần nói rõ trong 1,5 triệu USD nói trên, 500.000 USD được FIFA chi cho bóng đá nữ. Như vậy phần còn lại để VFF chi dùng chỉ là 1 triệu USD (khoảng 23,3 tỷ đồng) cho rất nhiều hoạt động khác nhau: khởi động lại các giải bóng đá chuyên nghiệp, tuyển mộ lao động, các ĐTQG….VFF có 66 tổ chức thành viên và nếu chỉ tính riêng các đội V.League, Hạng Nhất, con số đã là 26 tổ chức. 

FIFA giám sát chặt chẽ quy trình chi tiêu của VFF và dĩ nhiên nếu có ý định hỗ trợ các đội bóng, VFF cũng buộc phải làm chuyện tương tự. Hãy tưởng tượng số tiền nếu được chia ra khi đến tay các CLB có thể chỉ còn vài trăm triệu. 

Dư luận đặt vấn đề với số tiền 1,5 triệu nói trên của FIFA sau khi CLB bóng đá Thanh Hoá doạ bỏ giải do khó khăn tài chính vì dịch COVID-19. Vài trăm triệu với một đội bóng như Thanh Hoá không đáng kể và chắc chắn đây cũng không phải mục đích bầu Đệ đánh hẳn công văn gửi tới VFF, VPF. Những người hiểu rõ nội tình Thanh Hoá biết vì sao bầu Đệ kêu. Ngoài Thanh Hoá, nhiều đội bóng khác như Quảng Nam, Nam Định, SLNA cũng lên tiếng vì tình hình khó khăn tài chính, chuyên môn khi V.League phải dừng lại vì dịch. 

Hầu hết các CLB ở Việt Nam đều sống nhờ "bầu sữa" của các ông bầu hay ngân sách địa phương. 

Ai sẽ cứu các đội bóng đứng trước nguy cơ phá sản? 

Gần 10 năm trước, cụ thể là năm 2012, tại một hội thảo do Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức, nhiều ý kiến đã đề cập tới vấn đề lương bổng cho cầu thủ, tài chính các đội bóng Việt Nam. Một trong những ý kiến đáng chú ý nhất là của nguyên Giáo sư Dương Nghiệp Chí liên quan đến đề án phát triển kinh tế thể thao. Theo đó, Giáo sư Dương Nghiệp Chí cho biết muốn phát triển bóng đá chuyên nghiệp thì không thể trở lại bao cấp nhận tiền nhà nước. Giải pháp đưa ra là các CLB cần tự giải quyết bài toán kinh tế bằng quy luật phát triển doanh nghiệp. 

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định rõ CLB V.League và hạng Nhất cần đảm bảo ngân sách hoạt động nếu không muốn đối diện việc phải xuống thi đấu ở hạng thấp hơn. Con số này đối với các đội V.League là 35 tỷ đồng. Nhưng thực tế lâu nay ra sao?

Chủ tịch CLB Quảng Nam, Nguyễn Húp cho biết đội được tỉnh hỗ trợ 16 tỷ đồng, thêm 15 tỷ từ nhà tài trợ và một số khoản khác. Thanh Hoá hàng năm đều được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và SLNA cũng tương tự. Đây đều là những đội bóng đang cuối bảng xếp hạng, phải dựa rất nhiều vào hỗ trợ từ tỉnh. Quảng Nam, Thanh Hoá hay SLNA cũng là những đội muốn huỷ V.League ngay khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại mới đây ở Đà Nẵng. Chiếc áo bao cấp đã khiến các đội bóng trở nên ỷ lại, mất động lực phát triển. 

Ngay cả với những đội bóng tư nhân được tiếng “con nhà giàu” như Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh, hoặc một thời như Bình Dương, HAGL, Xuân Thành Sài Gòn…nguồn thu từ bóng đá là không đáng kể. Tất cả vẫn sống nhờ bầu sữa của các ông bầu. Bầu Đức từng “đếm”, trong 20 năm làm bóng đá ông phải chi ra tới 2.000 tỷ đồng. 

Chi khủng trong khi thu lại chả bao nhiêu, vì sao các ông bầu vẫn đổ tiền vào bóng đá? Câu trả lời không khó: cái những ông bầu hướng tới là lợi ích từ những dự án, đất đai, ưu đãi của địa phương. Bầu Hiển có lúc đã khẳng định tại đại hội cổ đông ngân hàng SHB, đầu tư vào bóng đá ra “tiền tươi thóc thật”, gồm cả những mảnh đất vàng tại thành phố Đà Nẵng. Những cũng chính vì cách làm này, bóng đá Việt Nam mất đi động lực tự thân để phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm