Hỏi thế đã là có vấn đề. Nó có vẻ giống như trường hợp một ngày nọ, vợ bảo chồng: “Theo anh, chúng ta có nên sống với nhau nữa không?”, hoặc sếp bỗng nhiên hỏi nhân viên: “Theo anh, tôi có nên trả lương cho anh nữa không?”.
Câu chuyện HLV Miura đặt ra ở thời điểm này, khi đội U.23 VN chuẩn bị đá VCK Châu Á rõ ràng là không cần thiết và ở góc độ nào đó đã là một phần câu trả lời rồi.
Nhưng khoan đã, kết quả thế nào nhỉ? Rất may cho Miura, có đến 51% số phiếu ủng hộ và 49% không ủng hộ cũng như cho rằng Miura nên nghỉ. Trên thực tế thì tỷ lệ này cũng không có nhiều ý nghĩa. Nó có giá trị khi 2 đối thủ tranh đấu trực tiếp, còn trong bóng đá thì % ủng hộ, đôi khi cũng giống như tỉ lệ kiểm soát bóng. Kiểm soát bóng 51% nghĩa là anh chưa chắc chắn lấn lướt về thế trận. Ngược lại, 49% và thậm chí ít hơn nhiều cũng không là vấn đề gì, nếu anh chủ động phòng ngự phản công và có kết quả cuối cùng.
Người ta có cảm giác rằng, ông Miura đang cố gắng tìm ra sự vui vẻ hay trung hòa cho quãng thời gian còn lại ở Việt Nam. Những ngày tháng gần đây, ông Miura xa cách với báo giới và ngay trong buổi tập, có vẻ như đã thiếu đi độ quyết liệt của một người tôn trọng tính kỷ luật ngay cả với bản thân.
Gần 2 năm, cũng chưa thấy tờ báo nào tính toán chính xác xem VFF, Tổng cục TDTT phải trả cho ông thầy ngoại bao nhiêu tiền để rồi cùng tính toán xem, những gì ông Miura mang lại có đáng “đồng tiền, bát gạo”?
Nhưng rất nhiều người có cảm giác rằng, chúng ta chưa tận dụng hết chất xám, con người HLV Miura. Có một cơ chế đào thải nào đó đang xảy ra giữa BĐVN và ông thầy ngoại.
Luôn là cơ chế ấy với bất kỳ ai, bởi suy cho cùng tài năng của ông thầy có cao đến đâu cũng không thể ngang được với mặt bằng kỳ vọng của… NHM.
Thiếu đi độ nhiệt tình nhưng HLV Miura là con người có trách nhiệm, một bản tính dễ thấy và đáng học hỏi từ người Nhật. Có vẻ như kết quả của U.23 VN ở giải Châu Á lần này không mang tính quyết định cho sự đi hay ở của HLV Miura tại Việt Nam, ít nhất là từ phía ông. Bởi lẽ, không giống như đa số các HLV khác, ông thầy người Nhật đến Việt Nam không hẳn vì tiền, nói đúng hơn là không phải vì tiền.
HLV Miura mang dáng dấp một “đại sứ bóng đá” nhiều hơn, một giáo sư truyền dạy những gì từ bóng đá Nhật Bản cho BĐVN.
51% ủng hộ HLV Miura nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta đã nhìn ra những gì mang tính chất cốt lõi, cần phải học hỏi từ ông thầy đến từ đất nước mà Việt Nam đang hợp tác toàn diện, trong đó bóng đá giống như cây cầu nối.
Mà bóng đá, chúng ta đang ở đâu?