Bạn có ác với một cầu thủ U17?

Dương Anh
thứ ba 16-4-2019 23:55:00 +07:00 0 bình luận
Nếu không có hình ảnh cầu thủ U17 Hà Nội đến hỏi thăm, xin lỗi bạn sau pha bóng ầm ĩ được đẩy lên bởi truyền thông cùng “cộng đồng mạng”, vấn đề có lẽ sẽ bị đẩy đi rất xa. Và một cậu bé 16 tuổi cũng có thể bị đẩy ra khỏi thế giới bóng đá của mình…

Mới đây, hành động vung tay vào mặt cầu thủ Trung Quốc tại giải đấu tập dành cho lứa tuổi U17 của một cầu thủ trẻ Hà Nội đã nhận được vô số “gạch đá” từ cộng đồng mạng. Đa phần những ý kiến đó đều chỉ trích hành vi phi thể thao của cầu thủ trẻ, nhất là hành động đó lại diễn ra ở một sân chơi giao hữu bóng đá trẻ, nơi không hề đặt nặng vấn đề thành tích.

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng hành động thiếu fairplay này đã “bôi xấu hình ảnh bóng đá Việt Nam” trong mắt của bạn bè quốc tế, và cầu thủ trẻ này xứng đáng bị kỷ luật nặng, thậm chí còn đòi “đuổi vĩnh viễn khỏi môi trường bóng đá chuyên nghiệp…”.

Cư dân mạng, ai cũng có cái lý riêng khi đưa ra quan điểm và ý kiến cá nhân. Ví dụ như suy nghĩ còn trẻ mà đã đá xấu như vậy thì nghiễm nhiên khi trưởng thành cầu thủ đó cũng sẽ mang cái “bản chất côn đồ” đó vào bóng đá chuyên nghiệp.

Luận điểm đó càng trở nên có lý hơn khi giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam gần đây lại bắt đầu nóng lên với bạo lực sân cỏ, một vấn nạn muôn thủa lâu nay thành vết hằn ám ảnh như cái u nhức nhối của bóng đá Việt.

Thế nhưng xét một cách khách quan hơn, bất công khi chúng ta dùng ý kiến chủ quan của một người quan sát để đánh giá cậu bé 16 đó. Sở dĩ chúng tôi sử dụng danh xưng “cậu bé” là bởi cầu thủ trẻ của Hà Nội FC cũng mới chỉ bước sang tuổi 16, lứa tuổi teen với rất nhiều những suy nghĩ chưa đầy đủ chín chắn, thậm chí còn phải đối mặt với những vấn đề khủng hoảng tâm lý.

Các chàng trai mới lớn ở lứa tuổi này có cái tôi cá nhân rất lớn, họ sẵn sàng dùng nắm đấm để giải quyết những xích mích dù là rất nhỏ. Đó là một cách để giải tỏa những ẩn ức mà đến thời điểm này, các nhà tâm lý học, xã hội học trên khắp thế giới này cũng đang “vò đầu, bứt tai” tìm cách gỡ rối.

Bạn có ác với một cầu thủ U17?
Cầu thủ U17 Hà Nội tới thăm và xin lỗi đối thủ sau pha bóng thiếu fairplay.

Trở lại tình huống dẫn đến hành động thiếu kiềm chế của cầu thủ U17 Hà Nội, ở thời điểm cuối trận và cả 2 đội đều muốn chiến thắng, chứng kiến pha bóng đồng đội của mình bị đối phương làm đau, có thể ở trạng thái thi đấu căng về tâm lý và trong tiềm thức non trẻ của một thanh niên chỉ nghĩ rằng phải đứng lên bảo vệ bạn, bảo vệ đồng đội trước đối thủ. Và có thể trong một vài giây thiếu tự chủ, cậu vung tay thẳng mặt người làm bạn của mình đau mà không ý thức về động tác bột phát của mình, chứ đừng nói chuyện lường trước được hành động có thể mang tới hậu quả nghiêm trọng đến thế.

Ở đây, chúng ta không cổ súy bạo lực, nhất là bạo lực ở bóng đá trẻ. Nhưng chúng ta cần có một góc nhìn khách quan hơn, đủ thấu hiểu để không “bao vây, cô lập” hay áp đặt lên một tình huống bóng đá, cầu thủ còn rất trẻ.

Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, ở lứa tuổi này các cô bé, cậu bé có một cái tôi rất lớn, họ không muốn nghe những lời giáo huấn đao to búa lớn. Điều họ cần là một sự lắng nghe, thấu hiểu từ người xung quanh. Một hành động bột phát trong lúc nóng nảy chắc chắn chưa thể nói lên được bản chất của một con người, nhất là trên sân và đắm trong diễn biến của trái bóng bóng tròn.

Nếu chúng ta quá khắt khe với một cầu thủ còn quá trẻ như thế này, có thể nhiều người sẽ hả hê vì tự cho rằng đã giúp bóng đá Việt Nam loại bớt đi được “một mầm họa” của thứ bóng đá bạo lực. Sự thực có thể diễn ra không hoàn toàn như vậy.

Không phải ngẫu nhiên mà một cầu thủ từng khiến đồng nghiệp gãy chân để rồi mãi mãi từ giã sự nghiệp cầu thủ như Quế Ngọc Hải lại được thầy Park tin tưởng, trọng dụng để rồi vươn lên giành vinh quang về cho bóng đá Việt Nam.

Với mạng xã hội, người ta quá dễ dàng buông ra một lời chỉ trích thậm chí rất cay nghiệt, dù thực ra người ta không hoàn toàn hiểu bản chất của vấn đề và chỉ nhìn thấy hiện tượng. Đã có ai tự hỏi cầu thủ trẻ với một tình huống bóng phạm lỗi lầm kia sẽ phải đối diện như thế nào với búa rìu dư luận, và trường hợp xấu nhất xảy ra: Cậu bé ấy không còn được trao cơ hội chơi bóng nữa, bị đẩy ra khỏi môi trường bóng đá vốn đang đầy khát vọng của một đam mê, rồi cậu ấy sẽ như thế nào và trở thành ai?

Phán xét là quyền tự nhiên của mỗi người, xin đừng phán xét một cách quá khắt khe và bừa bãi. Bởi sức mạnh ghê gớm của lời nói hoàn toàn có thể “giết chết một con người”.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm