Bản quyền truyền hình, V.League làm cho người khác hưởng?

Thu Phong
thứ tư 29-4-2020 15:10:00 +07:00 0 bình luận
Đặt mục tiêu thu về hàng trăm tỉ đồng nhưng sau 3 nhiệm kỳ VPF, giá trị bản quyền truyền hình V.League chỉ là con số rất khiêm tốn.

Vấn đề bản quyền truyền hình V.League bắt đầu được chú ý khi năm 2010, LĐBĐVN (VFF) ký hợp đồng bán cho Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) trong 20 năm, với giá trị 6 tỷ đồng/năm, luỹ tiến 10% sau mỗi năm. Nếu bản hợp đồng trên được giữ nguyên thì tới lúc này về lý thuyết, bản quyền truyền hình V.League cũng tăng thêm một khoản nhất định.

Tuy nhiên tới năm 2011 sau khi được thành lập, VPF đã “giật” lại bản quyền truyền hình V.League từ tay AVG. Mục tiêu VPF đặt ra như tuyên bố của bầu Kiên hay ông Bầu Võ Quốc Thắng, là đem về nguồn thu lên tới hàng trăm tỉ đồng từ bản quyền truyền hình.

Kế hoạch trên rốt cuộc chỉ là những con số viển vông trên giấy. Không bao lâu sau đó, bầu Kiên vướng vòng lao lý. VPF với những gương mặt còn lại như bầu Thắng, bầu Đức…đã đưa V-League trở lại với guồng quay cũ.

Bản quyền truyền hình, V.League làm cho người khác hưởng?
Các đội bóng ở V.League đang chịu thiệt thòi về bản quyền truyền hình?

Bóng đá Việt Nam vẫn tràn ngập các thông tin tiêu cực, hình ảnh bạo lực dưới sân cỏ và những khán đài vắng hoe hoắt. Tiêu cực lên tới đỉnh cao với các vụ bán độ ở Ninh Bình năm 2014, liên quan tới 9 cầu thủ. Tiếp theo đó là vụ bán độ xảy ra trong trận đấu giữa Đồng Nai với Quảng Ninh.

Bản quyền truyền hình V.League tiếp tục không đem lại giá trị bao nhiêu, trước khi VPF bán thẳng cho Next Media với giá trị không ai muốn nhắc tới. Năm 2017 sau khi ông bầu Võ Quốc Thắng rút lui, nhiệm kỳ 3 của VPF với Chủ tịch là ông Trần Anh Tú đã muốn đòi lại bản quyền truyền hình từ Next Media. Lý do VPF đưa ra, đối tác không thực hiện đúng theo các điều khoản cam kết, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của VPF.

HĐQT mới của VPF sau khi rà soát cũng phát hiện ra, dù VPF chỉ được giao quyền khai thác hình ảnh V.League tới năm 2018 nhưng bộ sậu lãnh đạo cũ lại ký với Next Media tới năm 2022, tức là “lố” 4 năm. Tuy nhiên sau nhiều phen đấu tranh, VPF rốt cuộc chỉ “đòi” thêm được chút quyền lợi từ Next Media theo một hợp đồng mới được ký kết giữa đôi bên.

Mới đây khi Thai.League công bố thông tin đang thúc đẩy hợp đồng bán bản quyền truyền hình giai đoạn 2021-2028 tới hàng nghìn tỷ đồng, giới hâm mộ bóng đá Việt Nam lại có dịp nhìn lại vấn đề bản quyền truyền hình V.League.

Với việc bán cho Next Media tới năm 2022, liệu có thể cho rằng VPF dưới thời bầu Thắng đã chấp nhận “đẩy” hết giá trị khai thác bản quyền truyền hình V.League cho Next Media? Ở góc độ nào đó, cho dù V.League có hay và đẹp hơn bao nhiêu, giá trị thu về từ bản quyền truyền hình cũng không chạy về “túi” của VPF?

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm