Đối đầu U23 Thái Lan, HLV Gong Oh Kyun tung ra sân đội hình với nhiều nhân tố mới so với đội hình thầy Park sử dụng ở SEA Games 31 như: Trần Danh Trung, Lê Minh Bình, Nguyễn Văn Trường hay Khuất Văn Khang.
Sau tiếng còi khai cuộc, U23 Việt Nam tràn lên tấn công. Ngay ở giây thứ 17, hậu vệ Phan Tuấn Tài bất ngờ có tình huống sút xa chuẩn xác, giúp đoàn quân của HLV Gong Oh Kyun vươn lên dẫn trước. Phút 34, tận dụng sai lầm của Văn Toản và các đồng đội, U23 Thái Lan có bàn thắng, đưa trận đấu về thế cân bằng.
Sang hiệp 2, hậu vệ sinh năm 2001 có đường kiến tạo để Văn Tùng ghi bàn đưa U23 Việt Nam lần thứ 2 vươn lên dẫn trước. Tuy nhiên, các học trò của HLV Gong Oh Kyun đã không bảo vệ được lợi thế và để U23 Thái Lan gỡ hòa ở những phút bù giờ cuối trận.
Bàn thắng của cầu thủ quê Đắk Lắk là một trong bốn pha lập công ở phút thi đấu đầu tiên trong các trận đấu thuộc khuôn khổ VCK U23 Châu Á. Tuy nhiên, đây chưa phải là bàn thắng nhanh nhất lịch sử giải đấu.
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, cầu thủ Jae-wan (Hàn Quốc) là người sở hữu bàn thắng nhanh nhất chỉ sau 11,35 giây. Kỷ lục trên được thiết lập trong trận tứ kết giữa U23 Hàn Quốc với U23 Malaysia năm 2018.
Đứng ở vị trí thứ hai là bàn thắng được ghi sau 11,47s của tiền vệ Dostonbek Khamdam trong trận đấu tại VCK U23 Châu Á năm 2016.
Bàn thắng của hậu vệ Phan Tuấn Tài đứng ở vị trí thứ 3. Trong khi đó, pha lập công sau 60s của Yusuf Abdurisag ở trận Qatar hòa Syria tại VCK U23 Châu Á 2020 xếp ở vị trí thứ 4.
Trong lịch sử bóng đá khu vực Châu Á, bàn thắng nhanh nhất thuộc về tiền đạo Sebastian Soria người Qata. Tại AFC Champions League 2013, cầu thủ này đã ghi bàn vào lưới Pakhtakor chỉ sau 9s.