Bóng đá Afghanistan: Từ màn ra mắt của thầy Park và ước nguyện không bị Taliban "để mắt"

Yên Lãng
thứ tư 18-8-2021 17:15:56 +07:00 0 bình luận
Kể từ thời điểm Afghanistan sang Mỹ Đình thi đấu trong trận ra mắt của HLV Park Hang Seo vào năm 2017, bóng đá nước này có sự thay đổi lớn. Giờ đây, họ cầu nguyện Taliban sẽ không can thiệp vào để tiếp tục hành trình mưu sinh, vun đắp giấc mơ nhỏ nhoi.

“Hồi sinh” từ khói lửa chiến tranh

So với phần lớn các đội bóng trong khu vực, Afghanistan chỉ bắt đầu vươn ra biển lớn tại các giải bóng đá quốc tế từ năm 2002. Trước đó, họ chỉ tham dự vòng loại Thế vận hội 1948, thi đấu tại ASIAD 1951, 1954 và đá một trận vòng loại Asian Cup 1984 để thua tuyển Jordan. Trong 18 năm tiếp theo, đất nước này chìm trong biển lửa chiến tranh và dễ hiểu tại sao Afghanistan đã “mất tích” trên bản đồ bóng đá châu Á trong chừng ấy năm.

Sau khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, thì đến cuối năm 2002, bóng đá Afghanistan “hồi sinh” bởi ý chí và tinh thần không bao giờ bỏ cuộc của thế hệ cầu thủ lúc bấy giờ. Họ vượt qua khó khăn về tình hình xã hội bất ổn thời điểm đó để được chơi bóng và xây dựng lại nền bóng đá mà theo nhiều người nói rằng nó đã bị bỏ lại phía sau quá lâu.

Afghanistan là đội bóng "bí ẩn" nhất ở châu Á

Ở Afghanistan, không phải bóng đá, bóng chày và bóng bầu dục mới là những bộ môn thể thao được quan tâm và yêu thích. Dù được xem là “sinh sau đẻ muộn” và được hồi sinh từ khói lửa chiến tranh nhưng đội tuyển Afghanistan không phải là một đội bóng hạng “xoàng”.

Cũng phải nhắc lại rằng, giữa bóng đá nam và bóng đá nữ ở Afghanistan có sự khác biệt lớn bởi những cô gái luôn phải chịu thiệt thòi. Họ phải đấu tranh, vượt qua mọi rào cản, định kiến để được ra sân chơi bóng. Có thể nói, “đấng nam nhi” Afghanistan được chơi bóng cũng đã là 1 điều may mắn rồi.

Chập chững vươn ra biển lớn…

“Trận đánh lớn” đầu tiên của ĐT Afganistan kể từ khi trở lại với bóng đá chuyên nghiệp là ở Giải vô địch bóng đá Nam Á (SAFF) năm 2003. Với một đội bóng “chân ướt chân ráo”, không bất ngờ khi họ thất bại ở cả 3 trận vòng bảng trước Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka. 

Sau đó không lâu, chiến thắng đầu tiên trước Kyrgyzstan tại vòng loại Asian Cup 2004 mở ra nhiều hy vọng cho Afghanistan. Nhưng đáng tiếc rằng họ không thể vượt qua đối thủ Nepal ở lượt trận tiếp theo. Không bỏ cuộc, người Afghanistan tiếp tục tham dự vòng loại World Cup 2006, nhưng cũng không có bất ngờ nào xảy ra khi họ để thua 0-13 trong 2 trận lượt đi, lượt về và bị loại sớm.

Ròng rã nhiều năm, Afghanistan từ một đội bóng tưởng chừng như đã bị lãng quên thì họ lại hồi sinh mạnh mẽ, từng bước tham dự các giải đấu trong khu vực rồi đến các giải châu lục. Sự bền bỉ của những con người đã từng trải qua bom lửa chiến tranh khiến họ mạnh mẽ hơn, khát vọng hơn và nỗ lực hơn để xây dựng một nền bóng đá phát triển.

Năm 2011, tại Giải vô địch bóng đá Nam Á, Afghanistan xuất sắc vượt qua các đối thủ mạnh khác trong khu vực để lên ngôi Á quân ở giải đấu này. Trong tổng cộng 5 trận đấu, họ giành chiến thắng 3 trận, hoà 1 trận và chỉ để thua 1 trận. Thành quả này chính là bước đệm để Afghanistan có lần đầu tiên chạm đến “đỉnh cao” chỉ 2 năm sau đó.

Khoảnh khắc mà nhiều cầu thủ Afghanistan không thể quên được diễn ra vào năm 2013, khi đội bóng giành ngôi vô địch SAFF được tổ chức tại Nepal. Đây cũng là chiếc cúp quốc tế duy nhất của họ từ trước đến nay. Tuyển Afghanistan thi đấu xuất sắc với chuỗi bất bại ấn tượng và đánh bại Ấn Độ trong trận chung kết để bước lên bục cao nhất.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2013 cũng chứng kiến sự thăng tiến mạnh mẽ của Afghanistan trên bảng xếp hạng FIFA. Họ tăng 46 bậc từ 186 lên 140 và đây cũng là thứ hạng cao nhất từ trước đến này của đội bóng này.

Tuyển Afghanistan vô địch Giải vô địch bóng đá Nam Á

Quay lại quá khứ, kể từ sau ngôi Á quân năm 2011, bóng đá Afghanistan cũng cho ra đời giải vô địch chuyên nghiệp quốc gia bắt đầu từ năm 2012 với 8 đội bóng. Đây cũng là tiền đề để các đội tuyển quốc gia hình thành, xây dựng và tham dự các giải đấu quốc tế trong khu vực và châu lục.

Một điều khá đặc biệt khi đa phần các tuyển thủ Afganistan đều thi đấu ở châu Âu như Hà Lan, Đan Mạch, Anh, Đức, Phần Lan,… Một số khác cũng khoác áo các đội bóng châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Kyrgykistan hay Indonesia,…

ĐT Afghanistan dù không có nhiều thông tin nhưng họ không phải là đội bóng xa lạ với người hâm mộ Việt Nam. Đây là đối thủ từng cầm hoà ĐT Việt Nam lần lượt với tỷ số 1-1 và 0-0 trong 2 trận đấu tại vòng loại Asian Cup 2019 dưới thời HLV Hữu Thắng (tháng 3/2017) và trận đấu ra mắt của HLV Park Hang Seo (tháng 11/2017).

Một trận ra mắt mà HLV Park Hang Seo đã đạt được mục tiêu để cùng tuyển Việt Nam giành vé dự Asian Cup 2019. Sau đó, nhà cầm quân người Hàn Quốc mang đến vô số thành công cùng bóng đá Việt Nam. Chiến thắng ở Mỹ Đình vào năm 2017 trước Afghanistan chính là khởi điểm cho giấc mơ đẹp của ông Park ở đất nước hình chữ S.

Tuyển Afghanistan trong trận đấu với tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2019

Nỗi lo lại ùa về

Sau khi Taliban giành lại chính quyền, nhiều người đã bày tỏ nỗi lo ngại với nền bóng đá Afghanitsan bởi chắc chắn sẽ có sự tác động và thay đổi về mọi mặt của đời sống. Tờ Marca (Tây Ban Nha) mới đây đã có một cuộc phỏng vấn bí mật với một cầu thủ Afghanistan để hiểu rõ hơn về cuộc sống tại đất nước này sau khi mọi thứ bị xáo trộn.

“Hiện tại ở thành phố của tôi mọi thứ đều ổn dưới sự kiểm soát của Taliban và không cản trở cuộc sống bình thường lúc này. Tôi hy vọng chính quyền Taliban sẽ không “động chạm” đến LĐBĐ Afghanistan bởi nó sẽ ảnh hưởng đến các lệnh trừng phạt của FIFA và chúng tôi không muốn điều đó”, cầu thủ này bày tỏ.

Với tình hình bất ổn như hiện tại, thu nhập của các cầu thủ Afghanistan bị giảm đáng kể. Ví như cầu thủ này, anh ta bị mất 20.000 USD thu nhập khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn: “Điều tôi mong muốn nhất bây giờ là gia đình được sống trong một nơi yên bình nhưng thật không may, nó chỉ có thể tìm thấy ở nước ngoài. Tôi mới đón con gái đầu lòng. Tôi hy vọng đứa trẻ sẽ không phải gặp những tình huống như thế này khi lớn lên ở Afghanistan”.

Theo quy định, FIFA không cho phép các bên can thiệp vào đời sống bóng đá, kể cả chính quyền. Nếu có sự tác động từ bên ngoài, FIFA sẽ có lệnh trừng phạt LĐBĐ thành viên như cấm thi đấu quốc tế,… Tất nhiên điều này ảnh hưởng đến khát vọng chơi bóng và thu nhập của những cầu thủ Afghanistan và đây là điều mà họ không bao giờ mong muốn.

Đến bây giờ, những cầu thủ bóng đá ở đất nước này chỉ biết chắp tay cầu nguyện…

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm