Có một điều ít thay đổi, đó là tình cảm của người Malaysia với bóng đá khá nhạt nhòa. 14 năm trước tôi có hỏi những sinh viên ở Kuala Lumpur về bóng đá thì họ chỉ biết duy nhất sự kiện liên quan là đội Manchester United sắp sang du đấu chứ chả quan tâm đến U.22 hay U.23 như thế nào.
Bây giờ tôi hỏi những bạn trẻ đến Sepang thì họ trả lời: “Tại sao tôi phải cố yêu bóng đá khi nó không làm chúng tôi vui? Chúng tôi có bóng bầu dục, có cầu lông với nhà vô địch thế giới, có những cuộc đua tầm cỡ thế giới như F1 và Moto GP ở Sepang. Không thể ép buộc ai phải yêu cái gì đó trong thể thao bởi nếu thế nó là bi kịch”.
Đây là điều lạ, là bởi dù gì thì bóng đá Malaysia cũng đã vô địch AFF Cup, SEA Games nhiều lần. Điều đó lẽ ra phải khiến cho bóng đá phải là môn thể thao số 1 ở đất nước này.
Lại nghĩ đến Việt Nam để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao chúng ta luôn đau đáu với bóng đá?”. Nó có một phần thế này: “Người yêu thể thao Việt Nam hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài bóng đá. Bóng đá là bắt buộc, như thể là một cuộc hôn nhân cưỡng bức?
Đã bao lần ĐTVN khiến NHM thất vọng? Đã bao lần V.League trong cơn chìm nổi tiêu cực khiến khán giả tuyên bố: Sẽ không xem bóng đá đá nội thêm một lần nào nữa? Ấy thế mà người ta cứ phải bỏ qua tất cả để tìm cách chấn hưng, làm mới bóng đá. Bóng đá phá bao nhiêu tiền mỗi năm? Xin thưa là hàng trăm tỷ, nó mang lại được điều gì? Rất ít. Nhưng bóng đá Việt là thế, trót ở cái vị thế là một “cậu ấm” thì dù có chút sa ngã thì cũng cố mà phải đứng dậy hoàn thiện cho xứng cái ngôi mà người ta đặt vào.
Thế nên NHM Việt Nam sướng hay khổ? Thật ra là khổ khi mà bóng đá không mang lại được nhiều niềm vui. Phải thay đổi cung cách quản lý và điều hành. Đó là điều chắc chắn nhưng thay đổi thế nào trong bối cảnh này khi mà bóng đá đang ở trong nghịch lý chéo ngoe là nhiều CLB không đủ điều kiện để chơi V.League. Đó là một kiểu “ngồi nhầm lớp” hay “bổ nhiệm vị trí lãnh đạo không căn cứ vào năng lực mà căn cứ trên hậu duệ và quan hệ”.
Tinh giản là phương án phải cân nhắc, nó giống như mô hình Supper Liga mà Bầu Kiên mấy năm trước đưa ra ý tưởng. Phải là những CLB thực chất nhất, tinh túy nhất cho một giải đấu ở đẳng cấp cao nhất.
Nhưng nếu thế thì một bộ máy ăn theo làm gì? Không khó để nhận ra có một bộ phận muốn kéo lùi bóng đá lại để… ăn bám, như câu nói xưa “nếu bóng đá là nước trong thì lấy đâu ra cá”?
Vậy thôi!