Sau nhiều năm được Bộ VH-TT&DL cho phép tự chủ tài chính, Mỹ Đình hiện đang bị truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, nhưng gần như không có khả năng trả, ấy thế nhưng người lẽ ra phải chịu trách nhiệm về chuyện này là ông Cấn Văn Nghĩa - nguyên giám đốc BQL Khu LHTTQG Mỹ Đình lại vẫn "vui vẻ" ứng cử chức PCT VFF phụ trách tài chính.
Chưa kể, theo thông báo mới nhất của Cục Thuế Thanh Hóa, trong số 300 doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất tỉnh thì đứng đầu là CLB bóng đá FLC Thanh Hóa. Dường như bóng ma nợ thuế đang lơ lửng.
Chuyện nợ thuế hay trốn thuế vốn không mới với thế giới bóng đá. Ở tầm CLB thì mấy năm trước CLB Elche bị cơ quan thuế Tây Ban Nha cáo buộc là không đủ khả năng tài chính để thanh toán khoản nợ thuế lên đến hàng triệu đôla. Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha do đó căn cứ vào luật thuế quốc gia và các quy định tổ chức La Liga để ra quyết định cho xuống hạng. Elche còn bị phạt thêm 220.000 USD do chậm nộp thuế.
Còn cá nhân thì đầy. Mới nhất là câu chuyện Ronaldo bị cáo buộc khoản nợ thuế lên đến 33,6 triệu USD, thậm chí siêu sao này còn có nguy cơ đối mặt với án 8 năm tù. Messi hay Mourinho cũng từng có những cáo buộc nợ thuế, trốn thuế.
Nộp thuế vốn là nghĩa vụ của công dân. Trừ một số trường hợp cụ thể được miễn thuế (ví dụ một vài khoản thưởng của đội bóng đá U.23 Việt Nam trước đây được cơ quan thuế ra thông báo cho miễn toàn bộ thuế thu nhập).
Trong xã hội hiện đại, trốn thuế là hành vi cần lên án và bị quy định bởi pháp luật. Thế nhưng bóng đá Việt dường như chưa quen với việc này.
Báo chí đưa tin, dưới sự ưu ái của Bộ VHTTDL, BQL Khu LHTT Mỹ Đình được cho phép tự chủ liên doanh, liên kết để tăng nguồn thu, rồi tiến tới tự chủ tài chính từ năm 2012. Thế nhưng, BQL, đứng đầu là Giám đốc Cấn Văn Nghĩa thực hiện việc cho thuê đất tràn lan, gây mất trật tự mỹ quan đô thị, bị chính quyền địa phương nhiều lần xử phạt. Hoạt động kiếm tiền của Khu Liên hợp khiến cho cảnh quan tại đây trở nên nhếch nhác, biến dạng, không đúng với chức năng, nhiệm vụ.
Dư luận đã rất bức xúc với việc một khu Liên hợp thể thao tầm cỡ QG bị xẻ thịt và câu hỏi là những nguồn lợi hàng chục tỉ vào túi ai cần cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Và tất nhiên, người phải chịu trách nhiệm về việc này, ông Cấn Văn Nghĩa (mói có quyết định nghỉ hưu hồi đầu tháng 9) không thể ung dung để ngồi vào ngôi nhà VFF. Thậm chí, Bộ VHTTDL cần loại ông này ngay ra khỏi danh sách ứng viên.
Trong khi đó, câu chuyện về FLC Thanh Hóa lại cho thấy vấn đề khác. Thông báo của Cục Thuế Thanh Hoá, tính đến ngày 31.7.2018, tại địa phương này có 319 doanh nghiệp nợ thuế lớn, trong đó 36 doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 1 tỷ đồng trở lên.
Tổng số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp là gần 500 tỷ đồng. Dẫn đầu trong danh sách về số tiền nợ thuế lớn là Cty cổ phần bóng đá FLC Thanh Hóa, ở phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn với số tiền nợ thuế gần 40 tỷ đồng. Cục thuế Thanh Hóa và các Chi cục thuế tại các địa phương có doanh nghiệp nợ tiền thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế hóa đơn, thu hồi giấy phép kinh doanh.
Kể cả trường hợp Mỹ Đình lẫn FLC Thanh Hóa, không còn là câu chuyện trong "ngôi làng" bóng đá mà đã là vấn đề xã hội và vị phạm những quy định về thuế cần xử lý.
Không thể để một CLB nợ hàng chục tỉ tiền thuế mà vẫn "vô tư" trong khi mỗi người dân có nguồn thu nhập bất thường trên 2 triệu đồng đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Và hiển nhiên, một vị lãnh đạo có "tiền sử" để đơn vị mình nợ hàng chục tỉ tiền thuế không thể ung dung mà ngồi vào ngôi nhà VFF.