Hôm qua, cộng đồng mạng sôi sục câu chuyện một người đàn ông ăn mặc lịch sự, đi xe ô tô khá xịn, nghĩa là đủ chuẩn “quý ông” nhưng có hành động khá kỳ quặc là dừng xe giữa đường và đứng… tè vào giải phân cách trước những con mắt hàng trăm người đi đường.
Trên facebook, tác giả bức ảnh ghi status “Đèn đỏ, đỗ xe xuống như chỗ không người. Trời đất! Hy vọng chủ xe 30A… này không phải người Hà Nội để làm xấu đi nét thanh lịch nhà tớ nhé”.
Sau đó thì một tờ báo còn quyết định “tìm bằng được” người đàn ông có hành động rất không fair-play này. Kết luận có thể rút ra: Đi xe đẹp, mặc quần áo đẹp không có nghĩa là chỉ làm những hành động đẹp.
Chuyện “ông tè” (chứ không phải ông nghè) khiến tôi nhớ lại câu chuyện khác. Đó là chuyện ở sân Thanh Hóa cách đây mấy năm, khi trận đấu diễn ra căng thẳng, trên khán đài, ông bố hỏi con: “Mày có yêu quê hương không?”. Thằng con tầm 10 tuổi ngơ ngác nói: “Có”. Ông bố đưa cho cái chai nước rỗng và hét lên: “Yêu thì phải đái”. Để rồi, ông bố ấy, thể hiện tình yêu quê hương, yêu bóng đá bằng cách “tương” quả bom nước ấy vào cầu thủ đội khách. Kết luận có thể rút ra: “Ý nghĩa đẹp không thể và không nên được thể hiện bằng hành động xấu”. Chúng ta không thể fair-play bằng cách này.
Hôm qua, tôi chăm chú xem lễ trao giải Fair-play. Cả 5 đề cử: Hình ảnh các cầu thủ U.23 Việt Nam chuẩn bị chiếc áo số 13 có tên Tấn Tài và quyết tâm ghi bàn để tặng bạn đồng đội mình không may trở thành khán giả bất đắc dĩ do chấn thương bị bó bột và phải ngồi trên khán đài xem các đồng đội thi đấu; hình ảnh CĐV Hải Phòng phản ứng thái độ thi đấu thiếu trung thực của đội nhà trên sân Cần Thơ và đề nghị BTC vào cuộc bất chấp điều đấy có thể làm ảnh hưởng đến thành tích và vị trí của đội nhà; hình ảnh nữ CĐV Hoàng Yến với hình ảnh một “nữ tướng” luôn đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động của Hội CĐV VFS; hình ảnh cầu thủ Công Phượng thi đấu hết mình, trung thực, dũng cảm và hiếu thảo… đều là những hình ảnh đẹp, fair-play.
Tuy nhiên, hành động của cầu thủ Abass bị Thanh Hào làm chấn thương trong trận chung kết Cúp Quốc gia (trong thời gian nằm viện để giải phẫu, được Thanh Hào đến thăm, Abass đã động viên ngược lại Thanh Hào là đừng lo lắng nhiều quá mà hãy tập trung lên Đội tuyển vì Abass hiểu được là do Thanh Hào ham bóng chứ không phải cố tình đá bạo lực) lại khiến người ta suy nghĩ.
Đó là một thái độ sống, thái độ với nghề. Đó cũng là sự bao dung mà xã hội chúng ta lâu nay vẫn thiếu.
Abass được nhận giải Fair-play khiến không chỉ cầu thủ mà chúng ta cũng nhìn lại mình. Bởi ở đâu cũng sẵn những hành động xấu nhưng chắc chắn, vẫn còn chỗ nào đó có những hành động fair-play mà chúng ta chưa nhìn ra.