Cho đến ngày hôm nay, câu chuyện về vụ thảm sát 6 người trong gia đình ở Bình Phước vẫn chưa lắng trong cộng đồng xã hội. Ở Nghệ An, hồi đầu tháng 7, cũng có một gia đình 4 người bị sát hại toàn bộ. Khác nhau giữa 2 vụ có lẽ là gia đình ở Bình Phước giàu có, còn gia đình ở Nghệ An thì nghèo (sống trong cái chòi).
Lại nữa, đêm 12 rạng sáng ngày 13/07 ở TP.HCM chém nhau kinh hoàng giữa các nhóm thanh niên đường phố. Ở Lào Cai một gia đình có 2 mẹ con bị sát hại. Ở Hải Dương, một tên mất tính người lái máy xúc cố tình đè vào một người nông dân trong tay không một tấc sắt…
Những vụ việc kinh hoàng. Nếu như mấy năm trước, khi vụ giết hại người tình trên xe Lexus, vụ Nguyễn Đức Nghĩa sát hại người yêu thì dư luận bàng hoàng về những “sát nhân kính trắng” – tức là những tên giết người mang cái vỏ trí thức. Đến vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang thì hung thủ lại là trẻ vị thành niên. Trở lại với câu chuyện thương tâm ở Bình Phước, 2 nghi phạm lại hoàn toàn “sạch” trước đó. Không tiền án tiền sự, không nghiện ngập cờ bạc; họ là người lương thiện, trước khi gây ra tội ác tày trời.
Nhà báo Đức Hiển của tờ Pháp luật TP.HCM có viết một bài bình luận rất hay. Anh viết thế này: “Sau cái sốc ban đầu, xã hội vẫn mong chờ phải chi tội ác do một băng tội phạm chuyên nghiệp gây ra để cướp của hoặc được ai đó thuê mướn trả thù cá nhân. Thì vẫn kinh hoàng và phẫn uất đấy nhưng sau đó người ta dễ nguôi ngoai. Đằng này tội ác “trời không dung, đất không tha” được gây ra bởi 2 công nhân gỗ sinh ra trong những gia đình lương thiện và bản thân chúng cũng lương thiện, cho đến ngày vấy máu thì cái mất và sự sụp đổ nhất là về con người.
Xã hội bị ám ảnh khôn nguôi và từ nay người ta liệu có còn chia sẻ yêu thương và tin cậy nhau như trước? Một khách ở quê ra, liệu có còn dễ dàng tìm thấy nụ cười thân thiện mời mọc của chủ nhà ở phố mời lai rai chung rượu và nghỉ lại qua đêm, nói chuyện quê nhà? Tội ác đã cướp đi 6 mạng người, còn dư chấn của nó giết đi nhiều niềm tin quá…”.
Vì sao chúng ta phải đối diện với những việc này? Nó là hệ quả của một lối sống vô cảm hoặc có nguyên nhân từ chính truyền thông: Để phục vụ thị hiếu, chúng ta đăng tải, bình luận quá nhiều những vụ cướp, giết hiếp… trong khi cái tốt đẹp vẫn còn đầy ra đó nhưng lại bị bỏ qua?
Tờ Tuổi trẻ TP.HCM hôm qua dẫn lời Tiến sĩ Lê Nguyên Thanh trong bài viết “Tội phạm bắt đầu từ sự cô đơn”.
Thế đấy, tôi lại nghĩ và lo cho bóng đá, cho những thiên thần đá bóng mà chúng ta có được từ U.19. Họ có thể sẽ biến đổi, có thể không còn trắng là vì chúng ta vô cảm, là vì dường như cả V.League đang khiến những cầu thủ HA.GL cô đơn trong chính cuộc chơi của mình.
Biến HA.GL trở thành một sự khác biệt, chính xác là dị biệt ở V.League và đối diện với nguy cơ đào thải.
Đừng bao giờ bỏ qua những điều tưởng chừng vặt vãnh, đừng để ai đó phải đối mặt với cô đơn.
Song An