Dư luận, đúng theo nghĩa là một bầy cừu, sự im lặng của bầy cừu đáng sợ và khi bầy cừu ồn ào cũng đáng sợ không kém.
Mấy ngày trước, người ta phản đối, thậm chí miệt thị cô ca sĩ nọ như không thể ngẩng mặt lên. Ấy vậy mà chỉ sau một lần “chia sẻ” cô lại như một bà mẹ hết lòng vì con, một bà mẹ chuẩn mực. “Trường hợp bất đắc dĩ, Lệ Quyên cũng xử sự một cách khéo léo, văn minh rồi. Một số cô tiếp viên tôi thấy trên các chuyến bay không có sự tận tình thật lòng”. Đại để là có rất nhiều bình luận trên facebook như thế.
Cái gọi là dư luận trên cộng đồng mạng khó chiều, thay đổi còn nhanh hơn thời tiết.
Nếu vậy, như cách mà người ta cảm thông với Lệ Quyên thì có thể nghĩ đến một… giải pháp cho các SVĐ ở Việt Nam, khi hầu hết các sân đang thiếu những nhà vệ sinh. Hoặc nếu có thì chất lượng các nhà vệ sinh này tệ đến mức không ai muốn vào. Sẽ thế nào nếu ai cũng thủ một túi nôn để rồi khi bước ra sân, kèm trên tay là một…bịch nước?!
Chuyện Lệ Quyên cho con đái vào túi nôn trên máy bay khiến tôi nhớ đến một câu chuyện khác sặc mùi tiếu lâm: Trên khán đài sân Thanh Hóa, một ông bố dứ dứ cái chai vào mặt cậu con nói như quát: “Mày có yêu quê hương không?” Thằng bé mếu máo: “Có”. Ông bố tiếp tục hét lớn: “Yêu thì phải đái. Đái vào đây”.
Hóa ra ông bố muốn con thể hiện tình yêu bằng việc đái vào cái chai để có một quả bom nước đái, ném vào các cầu thủ đội khách đang thi đấu trên sân.
Cổ vũ cho hành động để con tè và túi nôn hay bắt con “thể hiện tình yêu” bằng cách đái vào chai đều có thể nhìn ở nhiều góc độ khác nhau nhưng có chung một điểm.
Đừng nhân danh bất kỳ điều gì để biện minh cho những việc làm thiếu văn minh, cho dù người ấy là một ca sĩ nổi tiếng hay chỉ là một CĐV bóng đá bình thường.
SONG AN