Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện dày đặc khái niệm “soái ca”, tôi phải lên mạng để tìm hiểu “soái ca là gì?”.
Hóa ra là như thế này: Khái niệm soái ca xuất hiện từ những tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc. Theo những tiểu thuyết này thì soái ca là một người hoàn hảo, phong độ, lãng tử, có tài xử lý tất cả mọi rắc rối trong cuộc sống, thích làm theo ý của mình và thường yêu các cô gái yếu đuối không có gì đặc biệt khiến các cô gái xinh đẹp khác phải ghen tị...
Nghe giải thích đã thấy sặc mùi ngôn tình. Và tìm hiểu rõ soái ca cũng… khá khoai!
Hôm trước, có một phóng viên nữ, chắc cũng buồn về chuyện U.23 VN thua trận đầu tiên ở VCK U 23 Châu Á đã viết một status đại ý nhìn Miura mà thấy thương thương, với đôi mắt nhắm nghiền chịu đựng và vẻ cam chịu. Hỏi thì người phóng viên ấy trả lời rằng, hình ảnh rất đẹp ấy của ông HLV trưởng người Nhật khá giống với hình ảnh của một… soái ca.
Chẳng biết có đúng không, đùng một cái tin từ Qatar chuyển về nói rằng lần đầu tiên ở một kênh truyền hình Nhật Bản trực tiếp một trận đấu đến từ khu vực Đông Nam Á - vốn bị coi là “vùng trũng” của bóng đá thế giới. Lý do đơn giản chỉ vì đội bóng ấy được dẫn dắt bởi một HLV Nhật Bản.
Người Nhật Bản quá giỏi trong việc nâng hình ảnh của mình lên bằng hình ảnh của người khác. Chuyện trực tiếp một trận đấu của Việt Nam cũng giống như câu chuyện cũ rích về chiếc giày nhỏ 60 năm trước bóng đá Nhật tặng BĐVN.
Song có thể thấy, Toshiya Miura không đơn thuần là một HLV bóng đá, có vẻ ông này là đại sứ trong lĩnh vực thể thao nằm trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Người Nhật đang muốn ảnh hưởng nhiều mặt lên đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam và bóng đá là một trọng tâm, là cây cầu nối. Không khó nhận ra chuyện ông Miura, chuyện ông Tashaki, chuyện tài trợ V.League thậm chí là những CLB Nhật Bản mời Công Vinh, Công Phượng, Tuấn Anh sang thi đấu ở J.League nằm trong quan hệ tổng thể này.
HLV Miura đang bị chỉ trích và nếu hôm nay thua U.23 Australia - một thất bại nhìn thấy trước và là rất bình thường nếu so về trình độ 2 nền bóng đá - sẽ tiếp thêm lý do để dọn đường cho cuộc chia tya với HLV Miura.
Người Nhật truyền hình U.23 Việt Nam không phải là họ thích xem cầu thủ Việt mà là muốn xem ông Miura đã làm được những gì.
Vậy thì người Việt xem U.23 VN tại sao chỉ nhắm vào HLV Miura? Tại sao không xem để ý thức hơn nữa mình đang làm được những gì, đang có gì: Một bộ máy VFF còn nhiều lục đục từ cấp lãnh đạo, một V.League bất ổn, trình độ quản lý, điều hành yếu kém từ lãnh cả nền bóng đá xuống dưới CLB dù mười mấy năm làm chuyên nghiệp…
Hàng trăm thứ bất cập ấy đã khiến cuộc đổi mới, cải tổ của HLV Miura với BĐVN còn chậm hơn tiến độ tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh ở Hà Nội.
Người Nhật tưởng sẽ mang đến cho bóng đá Việt một “soái ca”, ai ngờ chỉ thấy ông Miura “sái quay hàm” hò hét mà sự tiến bộ vẫn chẳng thấy nhích lên.