BĐVN thiếu phản biện hay không? Ở đây có vấn đề xã hội và nhiều nhà xã hội học cho rằng, tính phản biện của người Việt rất kém.
Tôi đọc ở đâu đó có câu chuyện rằng: Một cậu bé thích đi chơi và bố mẹ cậu ta hứa. Và rồi ngày cuối tuần, vì lý do nào đó ông bố bận (có thể mấy bạn hữu xách chai rượu đến chơi) nên chuyến đi của gia đình bị hoãn lại. Cậu bé đòi bố mẹ thực hiện lời hứa, bố nói sẽ đền một món đồ chơi nhưng không được đồng ý và do cứ đòi mãi nên kết quả là bị cho ăn đòn. “Cá không ăn muối cá ươn…”, thay vì cố gắng phản biện để đòi quyền lợi về cho mình, đứa bé chọn phương án “nín nhịn”.
Về cơ bản, có rất nhiều đứa trẻ Việt sinh ra và lớn lên trong hệ giáo dục như thế. Đi học thì cấm tranh cãi thầy cô, chỉ im lặng nghe và chép bài, ấy là học sinh ngoan. Lớn lên một chút thì đi làm cấm thấy cãi ông sếp câu nào. Người Việt thì giỏi phản biện ở… quán nước, giỏi nói thẳng… sau lưng nhưng khi ngồi vào bàn chính sự thì “im như thóc”.
Ít phản biện nhưng vẫn muốn nói lên tiếng nói của mình nên hình thành kiểu sống “tiểu xảo” hay “con đường ứng xử vòng vèo”. Phản biện đôi khi là sự thật mất lòng, “thuốc đắng dã tật” và người ta không thích nghe phản biện. Vì thế, phản biện ở nhiều nơi, được coi như… một thứ xa xỉ.
Với VFF, câu chuyện phản biện lại càng trở nên “đắt đỏ” khi những vấn đề chuyên môn, lẽ ra cần phản biện nhất lại không có ai phản biện. Hoặc những người có khả năng phản biện lại chẳng có chỗ ở VFF nên tiếng nói thiếu trọng lượng. Chẳng hạn, ông Lê Thụy Hải là người có chuyên môn tốt, nhận xét sắc xảo và được cho là người có nhiều phản biện về chuyên môn với mục đích xây dựng, đóng góp.Thế nhưng ngoài ghi nhận của báo chí thì những phản biện của ông Hải gần như không khiến VFF để ý. Thậm chí khi thành lập Hội đồng HLV QG, nơi lẽ ra phải góp phần phản biện những quan điểm, phương pháp huấn luyện của ông HLV trưởng thì ông Hải lại bị cho ra rìa.
Phương pháp của HLV Miura không phù hợp, cách dùng người chưa thích hợp hay tình trạng chấn thương tràn lan…, hàng loạt vấn đề từng đặt ra nhưng ai phản biện và ai lắng nghe những phản biện ấy?
Câu chuyện của ông PCT VFF với những phát biểu ở Hội nghị của Tổng cục TDTT cũng chẳng phải là điều gì mới mẻ, người ta đã từng nói đến, nhắc đến ở những cuộc họp BCH khác. Vấn đề là nói công khai trước hội nghị và khó nghe, động chạm đến những “ADN không thích phản biện” khiến những đối tượng được nhắc đến xù lông. Và nghịch lý là quan chức VFF càng khẳng định không mất đoàn kết thì thiên hạ lại càng nghĩ ngược lại.
Hãy biết lắng nghe, biết phản biện để đừng tự biến mình thành những con cừu.