Phát pháo lệnh trên trường chuyển nhượng…
Sau trận đấu ra mắt Thai – League, giá trị của Xuân Trường trên trang định giá cầu thủ uy tín Transfermarkt đã có những cú "nhảy cóc" ngoạn mục, vượt mặt đồng đội Nguyễn Công Phượng và chỉ đứng sau Đặng Văn Lâm trong danh sách những cầu thủ đắt giá nhất Việt Nam.
Theo đó, từ 500.000 phí chuyển nhượng để có được Xuân Trường hiện nay đã được định giá là 200.000 euro. Kém thủ môn đồng hương đang khoác áo Muangthong United 100.000 euro về giá trị, qua đó chính thức đẩy Công Phượng (đang được Transfermarkt định giá là 150.000 euro) xuống vị trí cầu thủ đắt giá thứ ba cả nước.
Đây là ở thời điểm mà Công Phượng chưa có trận ra mắt tại K-League 2019. Và cả Xuân Trường cũng chưa góp mặt trong một trận đấu tại đấu trường AFC Champions League cùng với Bruriam United. Bởi nhiều khả năng, cầu thủ này xuất sắc vượt mặt tiền vệ kỳ cựu Hajime Hosogai (người Nhật Bản), Javier Patino và Stephan Palla (đều mang quốc tịch Philippines). Qua đó, chiếm được xuất ngoại binh châu Á duy nhất của nhà ĐKVĐ Thai -–League tại đấu trường này và trở thành cầu thủ Việt Nam thi đấu tại đấu tại sân chơi cao nhất ở cấp CLB ở châu Á trong màu áo một đội bóng nước ngoài.
Khi ấy, rất có thể giá trị của bộ đôi cầu thủ có CLB chủ quản là HAGL sẽ lại còn tăng vọt hơn nữa. Đó là những lời khẳng định cho sự trỗi dậy của bóng đá nước nhà, cho thế hệ cầu thủ này, với những Quang Hải, Văn Hậu giàu tiềm năng xuất ngoại. Song giá trị thực của những hành trình xuất ngoại này liệu có được nâng lên như cách những con số định giá ấy “đang nhảy nhót” trên thị trường?
Những giá trị thực...
Đó hẳn là điều đáng quan tâm hơn cả! Câu trả lời chắc chắn là chưa thể có chính xác ngay thời điểm này, nhưng phải khẳng định, câu nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” thật sự là chân lý. Bởi ngoài tính chuyên môn, sự cạnh tranh giúp trình độ các cầu thủ được nâng tầm, một điều rất đáng học hỏi khác chính là cách làm bóng đá chuyên nghiệp, thứ mà chúng ta vẫn cứ loay hoay bao năm qua.
Một cầu thủ xuất ngoại thành công mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh, phải lấy Lê Công Vinh ra làm hình mẫu cho hệ quy chiếu. Sau những chuyến đi đến Leoxies ở Bồ Đào Nha xa xôi và nhất là một mùa bóng quý giá ở Consadole Sapparo.
Bóng đá Việt Nam đã sở hữu một huyền thoại, từng lọt top 10 chân sút trên thế giới ghi bàn nhiều nhất cho một ĐTQG. Không còn là một Lê Công Vinh dính phốt “vái lạy” trọng tài năm nào. Mà là một người đội trưởng ĐTQG mẫu mực, tác phong chuyên nghiệp bậc nhất từ trước đến nay trong tập luyện, thi đấu hay lời ăn tiếng nói.
Cùng những sứ mệnh thiêng liêng!
Để ngay sau khi giải nghệ, cầu thủ này trở thành quyền chủ tịch của CLB TP.HCM, ra sức xây dựng bộ mặt và hình ảnh của đội bóng bằng những gì anh học được từ cách làm từ những giải VĐQG của những nền bóng đá phát triển hơn. Giờ đây, Công Vinh không còn xuất hiện một cách rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, bởi đang bận phát triển Học viện bóng đá của riêng mình tại TP.HCM.
Một cách làm rất khác so với việc những cựu cầu thủ đi theo nghiệp huấn luyện, hay mở những trung tâm bóng đá trẻ cộng đồng thay vì đầu tư hẳn để thành lập một Học viện quy mô như cựu cầu thủ người Nghệ An.
Nói như thế để thấy được rằng, việc xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam không chỉ là lời khẳng định cho bạn bè năm châu về sự tiến bộ của nền bóng đá nước nhà. Những chuyến "du học" đó không chỉ được kỳ vọng là sẽ mang lại những giá trị thuần về chuyên môn, giúp nâng tầm ĐTQG.
Mà còn mang trên mình sứ mệnh về việc xây dựng những lợi ích về lâu dài, cho những sự phát triển bền vững của bóng đá nước nhà, như cách mà Công Vinh đã và đang làm hiện tại. Đó cũng là lời khẳng định của làng túc cầu rằng, bóng đá ở Việt Nam cũng là "một nhánh của giáo dục".
Chúng ta có những học sinh đủ giỏi để giúp hai tiếng Việt Nam được vang trên trường quốc tế một cách thật trang trọng và những học sinh học về bóng đá ấy vẫn luôn hướng về nghĩa vụ dựng xây Tổ quốc. Ở hiện tại và cả mai sau, bằng nhiều cách khác nhau!