Café 24h: Chê khó hay dễ?

thứ năm 26-11-2015 23:03:13 +07:00 0 bình luận
Người Việt có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ấy là kiểu ứng xử rất văn minh… lúa nước. Thành ra, vì lý do nào đó, không thích cứ phải nói là thích, không yêu cứ phải bảo là yêu. Vậy là dối nhau.

Phương Tây ứng xử khác và sự tự do của họ trong xã hội được đẩy cao lên ở mức hoàn toàn có thể nói “trắng” vào mặt nhau mà không cần ý tứ chứ không tồn tại kiểu “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Có câu: “Khen mà khen đúng, là bạn ta. Chê mà chê đúng, là thầy ta”. Vấn đề là ở chỗ “chê đúng” ấy. Cái chê nó rất gần với sự xúc phạm, đặc biệt với những người... nhạy cảm.

Thế nên, mới có chuyện ầm ĩ ở An Giang, một cô giáo “chê” lãnh đạo tỉnh trên facebook rằng “cái mặt kênh kiệu”. Kết quả là có tới… 16 ban/ngành được thành lập để “vào cuộc” và xử phạt cô giáo nọ với mức 5 triệu đồng. Cái giá quá đắt cho một lời nhận xét. Cũng cần phải làm rõ, câu “cái mặt kênh kiệu” kia có phải là chê? Cao hơn, liệu có phải là xúc phạm tới lãnh đạo? Hay đơn giản chỉ là lời góp ý?

Xã hội phong kiến, chỉ cần “tỏ thái độ” là sẵn sàng bị quan nọc ra đánh đòn. Nhưng đây là xã hội hiện đại và tỉnh kia đã phải họp báo thu hồi các quyết định xử phạt.

Chuyện chẳng ra đâu vào đâu bỗng nhiên “nổi tiếng khắp nước” vì một lời chê, đúng kiểu “bôi mỡ cho kiến cắn”.

Chê không dễ, tất nhiên là thế. Thử nhìn sang bóng đá, ai phạt, phạt ai khi trong làng bóng đá, không đơn thuần chỉ là chê “cái mặt kênh kiệu”.

Còn nhớ hồi năm 2014, sau AFF Cup, lãnh đạo VFF chê Đội tuyển đá thua te tua ở bán kết. Hơn cả chê, vị này đặt vấn đề là có… “bán độ” trong trận đấu ấy. Hiển nhiên đây phải được coi là sự xúc phạm nhất là khi yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc. Vì là lãnh đạo chê, nên chẳng thấy mấy ai có ý kiến ngoài một cầu thủ bị cho là ở “tầm ngắm” ngán ngẩm nói: “Thật thất vọng khi có những vị lãnh đạo như vậy”.

Rồi cũng là chê, bầu Đức nói về ông Miura là “HLV tệ nhất trong số những HLV ngoại làm việc ở Việt Nam”. Cũng không rõ ông Đức có nói thế thật không và nếu thật thì kiểu chê này chẳng khác nào “hắt nước vào mặt nhau”. Chính vì điều ấy, khi bầu Đức vẫn là một giá trị nào đó trong bóng đá thì phong trào chê HLV Miura ngày càng nở rộ.

Hội CĐV Việt Nam VFS

Hội CĐV Việt Nam VFS

Hôm qua, lại là câu chuyện hai Hội CĐV bôi mặt chê nhau trong trận đấu gà nhà U.21 Báo Thanh niên VN và U.21 HA.GL trong một giải quốc tế.

Vì thế tôi lại tán đồng lời phát biểu của HLV Phạm Minh Đức (dù sau đó phát biểu này bị chê tơi bời): “Tuyển U.21 Việt Nam không có điểm yếu”. Một kiểu trả lời rất cá tính nhưng cũng có mục đích: Thà trở thành cục nam châm của những lời chê, còn hơn để đội bóng của mình, với những cầu thủ U.21 bị “ném đá”. Ấy cũng là khôn ngoan.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm