Nhân chuyện có đến 3 người đẹp Việt Nam vượt muôn trùng sóng gió dự thi các loại các cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới, tôi lại nhớ ngay đến một tạp văn nổi tiếng “Ai cho mày chê con tao xấu”. Chuyện này cũng mới nhắc trên chuyên mục Café 24h nhưng rõ ràng là nó cũng minh chứng cho một góc không “đẹp lắm” của người Việt.
Vì những người đẹp Việt “trượt vỏ chuối” đúng lúc được kỳ vọng nhất, nên các loại cuộc thi sắc đẹp trên lập tức bị soi, bị tố. Chẳng hạn một cuộc thi nọ, thí sinh Việt Nam thất bại bị cho BTC… chơi khó, hôm qua là chuyện thiếu công bằng. Sự dồn nén uất ức, biến đau thương thành hành động và thế là trên trang web của cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ - kết thúc sáng qua - thì khán giả Việt Nam bu vào chê Hoa hậu Philippines xấu, già, đanh đá…
Cái này thì rõ rồi nhé. “Mày chê con tao xấu thì con mày cũng chẳng hay họ gì”, đại ý thế. Nó là một trạng thái tâm lý khá phổ biến. Cả làng ăn khoai thì không sao, hàng xóm thịt con gà bỗng nhiên thấy ghét nó. Thiên hạ tỷ người tăng lương, ấy thế mà thằng cha cùng phòng “bỗng nhiên” được cất nhắc là e rằng có gì đó hậm hực.
Chuyện hoa hậu này cũng vậy. Cư dân mạng các nước sau khi đọc những comment của các “trẻ trâu” Việt, cũng ngơ ngác, hoang mang chả kém Hoa hậu Philippines, đến mức phải tự hỏi người bị trao vương miện nhầm là Hoa hậu Colombia hay… Việt Nam?
Nhưng mà đau cũng đúng, mấy nước gần mình, nước nào cũng có mấy cô Hoa hậu hay chí ít là Á hậu. Mới rồi, Hoa hậu Indonesia đoạt danh hiệu Á hậu tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2015, hôm qua là hoa hậu Philippines, trước đó, Thái Lan cũng có Hoa hậu hoàn vũ và Hoa hậu thế giới.
Cái GATO này giống bóng đá quá. Thiên hạ cứ vô địch AFF, SEA Games rồi có lúc tính chuyện World Cup mà mấy đội nhà mình cứ đì đẹt đến sốt ruột.
Nói đến bóng đá, chẳng ai hiểu cảm giác bị “lột vương miện” như dân thể thao. Có cúp rồi nhưng bị đòi lại chẳng phải hiếm. Hoặc tưởng chừng như đã nắm được cúp nhưng cuối cùng lại tuột khỏi tay bởi những bàn thua nghiệt ngã.
Song, cái khác ở một cuộc thi hoa hậu chính là ở chỗ, khi biết là nhầm, người ta dễ dàng trao vương miện cho nhau, nói lời cảm thông với nhau và coi đó chỉ đơn giản là nhầm lẫn.
Ở đời có bao nhiêu thứ nhầm lẫn đáng lo hơn. Ví dụ như nhầm… ghế. Các ông Blatter và Platini vừa bị phán quyết cấm tham gia các hoạt động bóng đá tới 8 năm. Thử hỏi các vị này có ngồi nhầm ghế không, có từng được trao “vương miện” nhầm không?
Và bóng đá Việt Nam, ai dám dũng cảm đứng lên để nói rằng tôi đã bị trao nhầm ghế hay nhầm quyền lực? Cái này thì phải đợi người đến lột, chứ tự giác thì không…